Liệu Nền Dân Chủ Có Thể Sống Sót Thời Đại Đa Khủng Hoảng?George Soros, ” Can Democracy Survive the Polycrisis?”, PS
Chuyển ngữ: Lương Định Văn
14.06.2023
QGHC
NEW YORK – Chúng ta đang sống trong thời đại bất an. Quá nhiều việc đang xảy ra quá nhanh. Người ta cảm thấy hoang mang. Thật vậy, sử gia về kinh tế của Đại học Columbia, Adam Tooze, đã phổ biến một thuật ngữ cho tình trạng này. Ông gọi đó là “ cuộc đa khủng hoảng”.
Cuộc Đa Khủng Hoảng có nhiều nguyên nhân. Theo tôi, nguồn gốc chính của đa khủng hoảng ảnh hưởng đến thế giới ngày nay là trí thông minh nhân tạo. Biến đổi khí hậu đứng thứ hai, và cuộc xâm lăng Ukraine của Nga có đủ điều kiện là nguyên nhân thứ ba. Danh sách này còn dài nhưng tôi sẽ chú trọng vào ba điểm này. Như thế sẽ giúp giảm bớt sự hoang mang.
Trí tuệ nhân tạo
AI (Artificial Intelligence) đã gây chấn động thế giới khi Microsoft cung cấp ChatGPT miễn phí cho công chúng thông qua một công ty liên kết có tên OpenAI. Đó là vào tháng 11 năm 2022. ChatGPT là mối đe dọa cho sự hiện hữu đối với mô hình kinh doanh của Google. Google đã nỗ lực tối đa để phát hành một sản phẩm cạnh tranh trong thời gian sớm nhất.
![](https://qghc.files.wordpress.com/2023/06/soros2.png?w=750)
Không lâu ngay sau đó, Geoffrey Hinton, người thường được coi là người đi tiên phong của ngành AI, đã từ chức một vai trò ở Google để có thể công khai nói về những mối rủi ro do kỹ thuật mới gây ra. Trái ngược với quan điểm trước đây của mình, ông ấy đã có cái nhìn rất ảm đạm về AI. Ông nói rằng nó có thể phá hủy nền văn minh của chúng ta.
Hinton đi tiên phong trong việc phát triển các hệ thống mạng thần kinh có thể hiểu và viết ngôn ngữ cũng như học các kỹ năng bằng cách phân tích dữ liệu. Khi số lượng dữ liệu gia tăng, năng lực của cái gọi là mô hình lớn về ngôn ngữ của AI cũng tăng theo.
Điều này đã tạo một ấn tượng mạnh đối với Hinton. Ông nói: “Có thể những gì đang diễn ra trong các hệ thống này thực sự vượt trội rất nhiều so với những gì đang diễn ra trong não bộ của chúng ta. Khi chúng trở nên mạnh mẽ hơn, chúng cũng trở nên nguy hiểm hơn, ông khẳng định. Đặc biệt, ông cảnh cáo chống lại các hệ thống vũ khí hoàn toàn tự động – những bộ máy sát thủ, ông gọi chúng như vậy.
“Chúng tôi đã bước vào một lãnh vực hoàn toàn xa lạ. Chúng ta có khả năng chế tạo những cỗ máy mạnh hơn chính chúng ta, nhưng chúng ta vẫn nắm quyền kiểm soát. Nhưng nếu chúng ta phát triển những cỗ máy thông minh hơn chúng ta thì sao? … AI sẽ mất từ 5 đến 20 năm để vượt qua trí thông minh của con người.” Và “ chẳng bao lâu nó sẽ sớm nhận thức được rằng nó sẽ đạt được các mục tiêu hoàn hảo hơn nếu nó trở nên mạnh mẽ hơn.”
Những gì Hinton nói đã tạo một ấn tượng mạnh đối với tôi. Thật như vậy, AI làm tôi nhớ đến bài thơ “Người tập sự với thầy phù thủy” của Goethe. Người đệ tử đang học phép thuật nhưng không hiểu hết những gì vị sư phụ đang giảng dạy. Khi người thầy ra lệnh cho anh ta quét sàn, anh ta đã dùng khẩu quyết của phép thuật ra lệnh cho cây chổi. Cây chổi đã vâng lời anh ta, nhưng người đệ tử không thể ngăn cây chổi lấy những xô nước để quét sàn nhà và căn nhà bị ngập lụt.
Tôi trưởng thành trước khi AI được phát minh. Điều đó khiến tôi trở thành một người rất tin tưởng vào thực tế. Ngay từ khi còn khá nhỏ, tôi đã nhận ra rằng thật khó để hiểu được thế giới mà tôi sinh ra, và tôi nhìn vào thực tế để giúp cho mình những hướng dẫn về mặt đạo đức.
Chúng ta, như những con người, vừa tham dự và vừa quan sát thế giới mà chúng ta đang sống. Với tư cách là những người tham gia, chúng ta muốn thay đổi thế giới theo chiều hướng có lợi cho mình; với tư cách là những người quan sát, chúng ta muốn hiểu thực tại ở trước mắt. Hai mục đích này giao thoa với nhau. Tôi xem đây là một kiến thức sâu sắc quan trọng cho phép tôi phân biệt giữa đúng và sai.
AI đã phá hủy mô hình đơn giản này vì nó hoàn toàn không liên quan gì đến thực tế. AI tạo ra một thực tế của riêng nó và khi thực tế nhân tạo đó không tương ứng với thế giới hiện thực – điều này rất thường hay xảy ra – và nó sẽ bị đào thải như là điều hoang tưởng.
Điều này khiến tôi, gần như theo bản năng của mình, phản đối AI và tôi hoàn toàn đồng ý với các chuyên gia, những người lập luận rằng nó cần phải được quy định bằng luật lệ. Nhưng các quy định phải được thực thi trên toàn cầu vì động cơ để gian lận là quá lớn; những kẻ muốn tránh né các quy định sẽ có một lợi thế bất công bằng.
Đáng tiếc thay, các quy định toàn cầu là điều không thể đạt được bởi vì thế giới bị chi phối bởi sự xung đột giữa hai hệ thống quản trị hoàn toàn đối lập nhau. Họ có quan điểm hoàn toàn khác nhau về những điều cần phải được quy định và tại sao.
Tôi đề cập đến hai hệ thống quản trị là xã hội cởi mở và khép kín. Tôi định nghĩa sự khác biệt giữa hai điều này như sau: trong một xã hội cởi mở, vai trò của nhà nước là bảo vệ quyền tự do của cá nhân; trong một xã hội khép kín, vai trò của cá nhân là phục vụ cho lợi ích của những kẻ thống trị.
AI đang phát triển cực kỳ nhanh chóng và trí thông minh của con người bình thường không thể hiểu hết về nó. Không ai có thể dự đoán nó sẽ đưa chúng ta đến đâu. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn được một điều: AI giúp các xã hội khép kín và tạo nên mối đe dọa sinh tử cho các xã hội cởi mở. Đó là bởi vì AI đặc biệt giỏi trong việc tạo ra các công cụ kiểm soát giúp các xã hội khép kín giám sát đối tượng của họ.
Đây là lý do tại sao tôi đã phản đối AI theo bản năng của mình, nhưng tôi không biết làm sao để ngăn chặn nó. Ngay bây giờ, không một người nào biết cách làm như thế nào, nhưng hầu hết những người phát triển ra AI đều nhận ra sự cần thiết phải quy định bằng luật lệ. Quốc hội và chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng vậy. Nhưng AI đang tiến tới nhanh hơn nhiều so với các cơ quan chính phủ. Chính quyền Biden đã thực hiện một số sắc lệnh của hành pháp, nhưng Quốc hội sẽ gặp khó khăn trong việc ban hành một dự luật nào đó như “Dự luật về Quyền của AI”.
Tuy nhiên, có một vấn đề không thể chờ đợi. Sẽ có cuộc tổng tuyển cử ở Hoa Kỳ vào năm 2024 – và rất có thể là ở Vương quốc Anh nữa – và AI chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng, một vai trò rất có thế nguy hiểm. AI rất giỏi trong việc tạo ra những thông tin sai lệch và giả mạo sâu sắc và sẽ có nhiều kẻ lợi dụng đầy ác ý. Chúng ta có thể làm gì về điều này? Tôi không có câu trả lời, nhưng tôi hy vọng vấn đề này sẽ nhận được sự quan tâm tương xứng.
Sự Biến đổi Khí hậu
Yếu tố thứ hai trong cuộc đa khủng hoảng là sự biến đổi khí hậu. Hệ thống khí hậu toàn cầu đã bị xáo trộn do sự can thiệp ngày càng tăng của con người, đặc biệt là việc sử dụng quy mô lớn khí thải nhà kính, carbon dioxide và metan. Thỏa thuận Paris 2015 đặt mục tiêu cho mức gia tăng nhiệt độ là 1.5°C so với thời kỳ tiền kỹ nghệ. Điều đó bây giờ nhất định đã bị vượt qua; bất chấp mọi nỗ lực nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu, tốc độ nóng lên đang thực sự gia tăng.
Hai nhà khoa học khí hậu rất được kính trọng, David King, cựu cố vấn trưởng về khoa học của chính phủ Vương quốc Anh và Johan Rockström của Viện Potsdam, đã cảnh cáo rằng điều này có thể vượt quá điểm giới hạn và đưa đến sự sụp đổ của sự sống trên trái đất.
Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đã nói rằng các Chính sách về khí hậu hiện nay sẽ khiến quả đất nóng hơn từ 2. 5°C đến 2. 7°C vào năm 2100. Đó sẽ là một thảm họa, các nhà khoa học cho biết. Nó sẽ vượt quá nhiệt độ ấm nhất trên trái đất trong bốn triệu năm qua. Nó sẽ dẫn đến sự tan chảy hoàn toàn của các dải băng ở Greenland, Himalaya và Tây Nam Cực và làm mực nước biển dâng cao thêm 10 mét.
“Sẽ có sự sụp đổ của tất cả các quần thể sinh thái học lớn trên hành tinh quả địa cầu – rừng nhiệt đới, nhiều khu rừng ôn đới – những tảng băng vĩnh cửu sẽ đột ngột tan chảy, chúng ta sẽ có sự sụp đổ hoàn toàn của hải sinh vật, chúng ta sẽ có sự thay đổi lớn về các vùng dân cư sinh sống trên Trái đất,” Rockström nói.
“Hơn một phần ba hành tinh xung quanh các vùng xích đạo sẽ không thể sinh sống được vì nó sẽ vượt qua mực giới hạn của sức khỏe, tức là khoảng 30°C.”
Điều đáng tiếc là, khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lại can thiệp đến sinh kế của người dân, họ muốn bảo vệ sinh kế của mình. Nông dân ở Đức và Hà Lan đang đứng lên phản đối quy định về lượng khí thải nitơ vì những quy định này cản trở họ trong việc nuôi bò. Họ đã vận động, giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử và làm rung chuyển Liên minh châu Âu.
Tôi cũng nên đề cập đến những ước muốn tiếp tục sinh ra lợi nhuận của các công ty dầu mỏ.
Chúng ta đang đi chậm chập trong tiến trình của việc chống biến đổi khí hậu. Chúng ta phải làm mọi điều mà các nhà khoa học khí hậu cho là cần thiết – giảm lượng khí thải một cách sâu rộng và nhanh chóng, loại bỏ khí nhà kính dư thừa khỏi khí quyển và phục hồi các tảng băng ở Bắc Cực. Để làm được điều này, chúng ta phải đạt được sự chấp thuận của các cộng đồng bản địa. Tất cả điều này phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine
Điều này đưa chúng ta đến thành tố thứ ba của cuộc đa khủng hoảng. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một sự kiện tiêu cực gây sửng sốt đối với thế giới, làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực và gây ra sự tái phối trí lớn về mặt địa chính trị. Nhưng ngược lại, phải nói rằng kết quả thực tế lại tốt hơn nhiều so với những sự mong đợi. Quân đội Ukraine đã kháng cự anh dũng và với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ và Âu Châu, đã xoay chuyển được tình thế. Quân đội Nga đã cho thấy họ là một con hổ giấy, đã được chỉ huy một cách tồi tệ và hoàn toàn thối nát tham nhũng . Tập đoàn Wagner, một đội quân đánh thuê tư nhân, đã ủng hộ cuộc xâm lược trong một thời gian, nhưng cuối cùng, họ cũng thất bại trước quân đội Ukraine.
Do vậy, Ukraine hiện đã sẵn sàng tiến hành một cuộc phản công ngay khi tất cả các thiết bi mà Tây Phương hứa hẹn được chuyển giao. Biden thậm chí cũng đã đồng ý nên trao phản lực cơ chiến đấu F-16 cho Ukraine.
![](https://qghc.files.wordpress.com/2023/06/soros.png?w=952)
Tôi tin tưởng cuộc phản công sẽ thành công. Mục tiêu sẽ là Bán đảo Crimean, căn cứ của Hải quân Nga. Bằng cách phá hủy cây cầu, vốn đã bị hư hại, nối liền với Nga, Ukraine có thể biến một lợi thế về chiến lược thành một điểm thất thế về chiến lược, bởi vì Crimea không có nước. Với cây cầu trên đất liền bị phá hủy, Crimea sẽ phụ thuộc vào nguồn nước của Ukraine.
Nhiều khu vực của Liên bang Nga đã và đang khổ sở dưới với chế độ chuyên chế của Tổng thống Vladimir Putin, và diễn biến này có thể sẽ khiến họ hoàn toàn bác bỏ chế độ đó. Giấc mơ của Putin, một Đế chế Nga hồi sinh, có thể tan rã và không còn là mối đe dọa đối với Âu Châu và thế giới.
Sự kết thúc của cuộc chiến Ukraine sẽ đến như một sự kiện tích cực gây sửng sốt đối với thế giới. Điều này có thể tạo cơ hội cho Biden hạ nhiệt mức độ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Cộng, quốc gia đang trong giai đoạn suy thoái về kinh tế có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình dễ chấp nhận thỏa thuận với Mỹ hơn. Biden không tìm cách thay đổi chế độ ở Trung Cộng ; tất cả những gì ông ấy muốn là tái lập hiện trạng ở Đài Loan.
Sự thất bại của Nga ở Ukraine và sự giảm bớt mối căng thẳng Trung-Mỹ có thể tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới chú tâm vào việc chống lại sự biến đổi khí hậu, là điều đang đe dọa hủy diệt nền văn minh của chúng ta. Nhưng chỉ có một con đường độc đạo eo hẹp và quanh co dẫn đến kết quả này. Vì vậy, đây là điều thích nghi khi sử dụng dấu chấm hỏi về việc liệu nền dân chủ có thể sống sót trong cuộc đa khủng hoảng này hay không.
George Soros, Sáng lập và Chủ tịch của Tổ chức Xã hội Cởi Mở (Open Society Foundations), là tác giả của cuốn sách gần đây nhất “In Defense of Open Society” (Public Affairs, 2019).
No comments:
Post a Comment