Thái Hạo - Người Việt nhẹ dạdimanche 18 mai 202
Thuymy
Bài này đang được chia sẻ chóng mặt, trong 3 ngày đã có hơn 80 nghìn like, hơn 40 nghìn lượt chia sẻ.
Tôi đã chỉ ra lỗi lập luận (logic) của bài viết ấy, để thấy rằng, nếu có tình trạng thiếu oxy và tăng khí carbon dioxide là do đóng kín cửa, bất luận có bật điều hòa hay không. Nói cách khác, nếu chỉ có vậy thì chiếc điều hòa không liên quan gì cả.
Vấn đề đặt ra là tại sao với một bài viết dễ dãi, mắc những lỗi suy luận sơ đẳng và kết luận cẩu thả như thế, lại được hàng vạn người bấm like đồng tình và đua nhau chia sẻ như một phát hiện vĩ đại của một nhà khoa học vĩ đại (trên thực tế chắc sẽ cao hơn hàng chục, hàng trăm lần)?
Đáng nói hơn, nhiều tờ báo lớn của nhà nước vì đọc được bài "khai sáng" này, như Vietnamnet, Tuổi Trẻ, Dân Trí, Thanh Niên… cũng vào hùa, diễn giải và khuyến cáo theo hướng ấy. Phải chăng người Việt rất dễ tin, hễ cái gì nghe “có vẻ hợp lý” là tin ngay và áp dụng mà không có thói quen tìm hiểu, tra cứu, phản biện?
Nhiều người, cả chục năm ngủ phòng điều hòa yên ổn không sao, tự dưng một ngày đọc được bài viết của anh thợ làm tóc thì bỗng nhiên thấy khó thở, tóc rụng bất thường và có khi còn có cảm giác như mình sắp chết đến nơi! Thật vi diệu!
Trên mạng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sức khỏe và tâm linh, thường thu hút rất đông “tín đồ”, họ bị lừa một cách dễ dàng đến khó hiểu. Hễ cứ nghe nói “tốt cho sức khỏe” là lao vào làm theo, phong trào rầm rộ đua nhau uống cốt chanh thời gian qua là một ví dụ. Còn việc bị các đồng chí sư và đủ các loại thầy từ thầy bói, thầy cúng, thầy phong thủy… lừa thì vô thiên lủng.
Việt Nam cũng là nước bị dính nạn lừa đảo online thuộc loại nhiều nhất thế giới. Theo thống kê, trong năm 2024, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo (thực tế còn cao hơn nhiều, vì chỉ có ít người khi bị lừa mà tìm đến báo cơ quan chức năng).
Đó là chưa kể những lừa đảo về “việc nhẹ lương cao”, “làm giàu không khó” trong các lĩnh vực đa cấp, bất động sản, đầu tư tài chính…, cứ dính từng chùm mỗi vụ hàng nghìn người. Đây cũng là một nguyên nhân “trợ duyên” cho nạn hàng giả, hàng lừa phát tán nhanh hơn trong hoàn cảnh quản lý nhà nước chưa đồng bộ và thiếu trách nhiệm.
Rõ ràng, các vấn đề mang tính nền tảng của xã hội đang rất có vấn đề nên mới dẫn đến tình trạng “cả tin” như trên, đó là giáo dục, luật pháp, quản lý… Nhiều chục năm qua chúng ta vận hành một nền giáo dục “nghe lời”, chỉ được phép tin theo mà không khuyến khích/ không cho phép phản biện. Lối giáo dục ấy tạo ra thói quen dễ dãi, không biết cách chất vấn và làm tê liệt tư duy. Xã hội hiện nay vẫn còn rất khó chịu với tiếng nói trái chiều và phản biện, điều này góp phần làm trì trệ đầu óc của người dân, hạn chế óc độc lập và sáng tạo.
Nhưng mặt khác, rất khó “cấy” vào tinh thần người dân những giá trị tiến bộ, như ý thức về trách nhiệm xã hội, nhân phẩm, công bằng, quyền công dân và quyền con người… Người ta sẵn sàng tin ngay và lao vào như thiêu thân trước các lời lừa phỉnh đầy lỗ hổng, sẵn sàng móc sạch túi, thậm chí cầm cố nhà đất để làm con mồi cho các trò lừa đảo. Nhưng khi nghe ai đó nói rằng nên lên tiếng trước cái sai và sự bất công để làm cho nơi mình sống được tốt đẹp hơn, thì họ cảnh giác ngay, và chốt “chả dại”!
THÁI HẠO 18.05.2025
No comments:
Post a Comment