Sunday, May 18, 2025

Dương Quốc Chính - Điều hòa và thông gió
dimanche 18 mai 2025
Thuymy


Mấy hôm nay Facebook có vẻ ồn ào về chuyện nằm ngủ trong phòng kín bật điều hòa có thể nguy hiểm đến sức khỏe, có mấy page share loạn lên cũng buồn cười.

Chuyện này liên quan mật thiết đến công việc hàng ngày của mình, nên mình phải tìm hiểu hơn chục năm nay rồi, còn học thì hơn 20 năm rồi. Mình là kiến trúc sư, tất nhiên không thể thiết kế thông gió và điều hòa không khí, tức là không thể tính toán cụ thể về lưu lượng gió. Nhưng vì là kiến trúc sư nên có được học ở trường và va chạm thực tế khi thiết kế. 

Trên thực tế, với nhà dân, thì kỹ sư thông gió cũng chả cần tính toán cụ thể về điều hòa, thông gió đâu. Chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm kiểu phòng ngủ bao nhiêu mét vuông thì dùng máy điều hòa công suất bao nhiêu…Thế nên kiến trúc sư vẫn thiết kế được thay cho kỹ sư thông gió.

Đầu tiên phải khẳng định là với kích thước phòng ngủ thông thường, tối thiểu cỡ 3x3x3 m, có cửa đi và cửa sổ, thì đóng cửa nằm ngủ 8 tiếng không sao cả. Tuy nhiên, lúc đi ra, rồi đi vào phòng, sẽ phát hiện cảm giác ngộp/bí, mùi hôi của không khí kém lưu thông. Chứ nằm lâu ở trong thì không rõ cảm giác đó, phải ra vào mới cảm thấy. Tức là ngủ kiểu đó không tới ngưỡng thiếu an toàn về sức khỏe, kiểu rụng tóc này kia như bài viết kia. Nhưng cảm giác khó chịu là có.

Tất nhiên cái bí của phòng phụ thuộc rất nhiều vào khe cửa. Chính ra cửa gỗ ngày xưa hay dùng thì lại hở nhiều do cong vênh, chứ bây giờ hay dùng cửa nhôm có joint cao su rất kín thì khe hở rất ít. Nên lại thành ra nguy hiểm hơn! Thế nên nhà càng xịn, cửa nhôm kính xịn, lại càng nên có hệ thống thông gió cưỡng bức để có không khí tốt hơn.

Xin lưu ý là phòng ngủ nhà giàu, cỡ trên 18 m2 thì dù cửa kính cũng chả đủ để tèo hay ngất khi đóng cửa bật điều hòa ngủ đâu. Vì lượng không khí trong thể tích đó cũng đảm bảo không ngạt cho một, hai người ngủ và cửa không bao giờ kín tuyệt đối được, nhất là cửa đi thường phải hở sát sàn (khe 90 cm x 5 mm là đủ).

Rất nhiều người hiểu nhầm vì nghĩ là điều hòa treo tường có thông gió từ ngoài vào, nên nghĩ là bật điều hòa là thông gió rồi. Thực ra điều hòa loại treo tường hầu hết là không hề thông gió được. Nó chỉ là cái quạt thổi hơi lạnh mà thôi. Chính vì có cái quạt đó nên không khí trong phòng được lưu thông, do đó, sẽ cảm thấy đỡ ngộp so với không bật điều hòa hay quạt.

Có loại điều hòa âm trần nối ống gió là có thể cấp gió tươi từ ngoài vào, nhưng là hệ cao cấp, ít gia đình dùng. Hơn nữa, nếu cấp lưu lượng gió từ bên ngoài lớn, thì lại tổn thất nhiệt cho điều hòa, do không khí bên ngoài nóng được cấp vào, gần giống bật điều hòa và hé cửa. Nhưng nếu có điều kiện, thì có thông gió vậy vẫn tốt hơn là không có. Nên một số nhà ở cao cấp, bọn mình vẫn thiết kế có hệ thống cấp gió tươi như vậy, một phần do cửa các nhà này quá kín, tiện nghi sẽ tốt hơn.

Lưu ý là tiện nghi tốt với ngưỡng ảnh hưởng tới an toàn là cách nhau rất xa. Nên bảo là ngủ phòng kín bật điều hòa gây rụng tóc…là bậy. Vì thực tế một ngày ngủ kiểu đó tối đa 8 tiếng thôi mà, đâu tới mức ngạt thở.

Nói thêm chút về thông gió trong kiến trúc, chuyện này mình đã viết sơ trong bài về địa đạo. Xin lưu ý là địa đạo gần như kín tuyệt đối, vì chính cửa hầm còn bị bịt kín trong khi ống thông hơi lại chỉ to bằng bắp tay và dài cỡ 3-12 m dốc lên trên, lượng người trong địa đạo lại đông, thể tích lại chật. Nói chung là rất không tốt cho sức khỏe và hoàn toàn có thể chết nếu bị bịt kín lỗ thông hơi.

Trên thực tế, các tầng hầm, WC, cao ốc văn phòng (thường không lấy gió qua cửa sổ mà bọc kính kín, thậm chí không có cửa sổ) thì phải thiết kế thông gió cưỡng bức. Quy chuẩn thiết kế nhà ở bây giờ buộc phòng ngủ phải có cửa sổ rồi, chứ văn phòng thì không có cửa sổ là rất phổ biến, chiếu sáng và thông gió cưỡng bức hết.

Kể cả tòa nhà to xịn như Keangnam hay Landmark 81, nói chung người ta không lấy gió qua cửa sổ thông ra ngoài đâu. Vì trên cao gió to, rất nguy hiểm, nên lượng cửa sổ là hạn chế và thường có cấu tạo đặc biệt để có thể thông gió tự nhiên an toàn. Một số tòa nhà được thiết kế bền vững, tiết kiệm năng lượng, thì người ta thiết kế hai lớp vỏ bao che, để giảm tốc gió, che nắng…Nhưng đầu tư kiểu đó còn đắt hơn thông gió cưỡng bức.

Ngoài ra, các tòa nhà văn phòng, bệnh viện…có rất nhiều phòng không thể có cửa sổ, vì nằm sâu trong lõi tòa nhà. Khi đó buộc phải có thiết kế thông gió cưỡng bức, thường là âm trần. Hệ thống điều hòa trung tâm cho cả tòa nhà có thể cấp gió tươi được luôn.

Hệ thống thông gió thường có hai kiểu cơ bản. Đơn giản thì chỉ cần có quạt hút khí bẩn ra, kiểu các nhà WC hay dùng, vì có lực hút khí ra nên khí bên ngoài tự hút vào qua khe cửa để cân bằng áp suất. Còn hệ chuyên nghiệp hơn là có một quạt hút khí ra và một quạt hút khí vào. Nếu là cao ốc văn phòng thì nó là một hệ thống trung tâm, xem phim Mỹ thấy người ta chui cả vào trong ống đó bò khắp các nơi được. Nhìn ống này trên trần các tầng hầm ga-ra cũng thấy, vì ga-ra có khói xe nên việc thông gió càng cần thiết.

Ngoài ra thì bên phòng cháy chữa cháy cũng có hệ thống hút khói tự động khi có cháy, thì nhìn thấy ống cũng to, nhưng lúc cháy mới cần hoạt động. Ở các khu vực công cộng hay có ống này trên trần.

Tóm lại, việc đóng cửa phòng ngủ bật điều hòa không đến mức nguy hiểm cho sức khỏe, không tới ngưỡng an toàn. Nhưng việc gây ngộp thở trong phòng kín chủ yếu lại do không khí thiếu lưu thông, thường vào mùa đông, do không bật quạt. Nhà mình bật điều hòa ngủ đều vẫn bật quạt, vừa đỡ tốn điều hòa (có thể tăng thêm 2-3 độ mà vẫn thấy mát) vừa đỡ cảm giác ngộp, do không khí lưu chuyển (khe cửa nằm cách xa bạn thì xung quanh bạn sẽ bị nhiều khí CO2 hơn chỗ khe cửa).

Vậy nếu nằm trong phòng kín, nhất là phòng tịt như bên Times và Royal City (không có cửa sổ) thì nên hé cửa hoặc có quạt thông gió chạy tự động, có loại không chạy liên tục, bật theo theo thời gian thôi. Tốt nhất là bật thêm quạt để luân chuyển không khí nữa, thì cảm thấy thoải mái hơn.

Cũng cần lưu ý khi đóng kín cửa mà trong phòng có nhiều cây (thải CO2 ban đêm) hay có máy/lò sưởi đốt O2.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 18.05.2025

No comments:

Post a Comment