Nguyễn Thông - Tết Đoan Ngọsamedi 31 mai 2025
Thuymy
Ôi giời, chỗ nào cũng cơm rượu, bánh tro, ngải cứu, còn trái cây đào mận vải bỗng dưng đắt lòi so với hôm qua (hôm qua vải 50.000/ký, hôm nay họ dứt giá 90 - 100 nghìn). Chẳng ăn thì đừng. Chợt nhớ, bữa nay âm lịch mùng 5 tháng 5.
Đây là tết Tàu, nhưng dân ta tết nào cũng chơi, cả Valentine (tình nhân), Haloween (ma quỷ) đầy tính tây vẫn nhập ráo củ tỉ, huống hồ thứ đã có cả nghìn năm.
Có lẽ nhiều người chưa tỏ cái tết Đoan Ngọ này nó ra sao, nên nhà cháu mạn phép dẫn bài của cụ cử Bưu Văn Phan Kế Bính viết về "tứ thời tiết lạp" trong cuốn "Việt Nam phong tục", phần "tết Đoan Ngọ".
Cũng thêm rằng, cụ Phan chỉ đỗ cử nhân, nhưng sự học ngày xưa rất chất lượng. Kiến thức, sự uyên thâm, bác học của cụ có thể bẳng cả một viện hàng trăm giáo sư, tiến sĩ thời nay gộp lại. Cử nhân mà được đặt tên đường ở khắp nước - chuyện chỉ có với người thời xưa.
"Tết Đoan Ngọ. Mồng năm tháng năm, gọi là Tết Đoan Ngọ, hay là Đoan-Dương.
Tết này ta hay lấy lá móng nhuộm các đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ, mà trừ ra ngón tay trỏ và ngón chân trỏ. Sáng sớm hôm ấy, ăn rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, đào, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn, hoặc hồng hoàng, gọi là giết sâu bọ. Trẻ con ăn xong, thì bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng.
Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho con trẻ. Bùa chỉ kết bằng chỉ ngũ sắc, và lấy những mụn lụa, mụn the kết hoa sen, quả đào, quả khế, quả ớt, v.v... Lại may áo lụa đem đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý để trừ tà ma cho khỏi quấy.
Giữa buổi trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia-tiên, rồi đi hái lá mồng năm, bất cứ lá gì cũng hái, mà nhất là hay hái lá ích mẫu, lá cối xay, lá muỗm, lá vối, v.v... Đem về ủ rồi phơi cho khô, về sau đem nấu uống, cho rằng uống thế thì lành.
Tục hái lá do tự điển Lưu-Thần, Nguyễn-Triệu đời nhà Tấn. Hôm mồng năm hai gã vào núi Thiên thai hái thuốc gặp tiên, bởi thế thành tục.
Lại nhiều người đi lấy lá ngải cứu, tùy năm nào thì kết hình con thú năm ấy (theo mười hai tiểu hình), như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu thì kết con trâu, năm Dần thì kết con hùm, năm Mão thì kết con mèo, v.v... Kết đoạn treo giữa cửa, để trừ sự bất tường, và để về sau ai có bệnh đau bụng, thì dùng làm thuốc tốt lắm.
Tục này không rõ nguyên ủy từ đâu, có người cho là do từ đời Xuân Thu. Bấy giờ nước Sở có một vị trung thần tên là Khuất-Nguyên, vì can ngăn vua Hoài-Vương không được, bực mình ôm đá gieo mình xuống sông Mịch-La mà tự vận. Hôm ấy chính là ngày mồng năm tháng năm, xứ ấy thương tiếc người trung nghĩa, cứ mỗi năm đến ngày ấy thì làm bánh đường bánh ngọt, cuốn chỉ ngũ sắc ở ngoài rồi đua nhau bơi thuyền ra giữa dòng sông mà ném bánh xuống để cúng ông ấy. Cuộn chỉ ngũ sắc là có ý làm cho cá sợ khỏi đớp mất.
Vậy Tết ấy là một ngày kỷ-niệm ông Khuất-Nguyên, mà ta thì thấy người Tàu ăn Tết cũng theo. Nhưng theo thì theo chớ không cúng gì Khuất-Nguyên". (Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính).
Thế mới biết, sự Hán hóa đã thấm vào xương tủy óc não người xứ ta, đến nỗi tưởng niệm cả một ông không dính dáng tí ti nào. Thoát Hán là cực khó. Dân còn không thoát được, huống hồ đám cây tre.
NGUYỄN THÔNG 31.05.2025
No comments:
Post a Comment