Thursday, May 29, 2025

Tiểu Vũ – Khi nhà báo dùng AI để viết bài công nghệ
jeudi 29 mai 2025
Thuymy


Công nghệ trí tuệ nhân tạo ra đời, mang theo kỳ vọng sẽ hỗ trợ con người sáng tạo, nâng cao hiệu suất và giảm bớt các công đoạn cơ học trong quy trình sản xuất tin tức. 

Nhưng cùng với tiện ích, chính AI cũng đang bị lạm dụng, tạo ra một kiểu làm báo mới : không rời khỏi ghế, không cần tiếp xúc thực tế, chỉ cần một phần mềm đủ mạnh, vài thao tác tổng hợp và biên tập lại từ nguồn tin quốc tế.

Mỗi ngày, hàng chục bản tin về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số hay chuyển đổi số toàn cầu được sinh ra đều đặn như trên một dây chuyền tự động – không giọt mồ hôi nào đổ xuống, không dấu chân nào đặt vào thực địa. Những bài viết về AI ở Thung lũng Silicon, vệ tinh của NASA, chính sách dữ liệu của châu Âu hay chatbot mới nhất của OpenAI tràn ngập mặt báo. Trong khi đó, đời sống công nghệ tại Việt Nam – sôi động, đa tầng và đầy mâu thuẫn – lại bị bỏ trống một cách khó hiểu.

Từ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang âm thầm sản xuất chip, phát triển phần mềm nội địa, đến các nhóm nghiên cứu AI trong đại học, công ty khởi nghiệp dấn thân vào thị trường trí tuệ nhân tạo, rồi cả những ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục đang chật vật bước vào quy trình số hóa… gần như không được phản ánh đúng mức.

Nhiều địa phương đang triển khai chính quyền điện tử, bệnh viện đang gấp rút xây dựng hồ sơ sức khỏe số, nông dân học dùng app để bán nông sản, nhưng tất cả đang trôi qua trong sự lặng im của mặt báo. Sự chuyển đổi số ở Việt Nam không phải là ý tưởng hay chính sách, mà đang diễn ra từng giờ, từng ngày. Đáng tiếc, quá trình đó lại thiếu bóng dáng của báo chí dấn thân – thứ báo chí hiểu chuyện và kể chuyện từ thực tiễn.

Tệ hại hơn, một số nhà báo dùng AI để tổng hợp lại các bản tin quốc tế còn ngang nhiên khoe thành tích mỗi ngày “viết” hơn chục tin bài. Những dòng thống kê lạnh lùng được chia sẻ như một minh chứng hiệu suất vượt trội, giữa lúc các đồng nghiệp hiện trường đang vật lộn với băng ghi âm, máy ảnh, file video, bảng hỏi, sau bốn tiếng phỏng vấn nhân vật, rồi quay về tòa soạn tiếp tục dựng bài. Một bên làm báo, một bên tạo nội dung – nhưng lại cùng mang danh là “phóng viên công nghệ”.

Khoảng trống này không phải vì thiếu đề tài. Nó bắt nguồn từ sự thiếu tự tin và thiếu dấn thân. Không ít nhà báo ngại hỏi chuyên gia, ngại đọc tài liệu kỹ thuật, ngại va chạm với hệ sinh thái công nghệ trong nước – vốn phức tạp, phân tán và khó tiếp cận hơn việc dịch lại một bản tin quốc tế. Nhưng nếu ai cũng chọn lối đi dễ, thì ai sẽ làm người mở đường ?

Hệ quả là một nền báo chí lệch tâm. Một mặt, chạy theo các từ khóa toàn cầu. Mặt khác, bỏ mặc đời sống số đang định hình ngay trong lòng xã hội Việt Nam. Những người làm sản phẩm thật, đổi mới thật, gặp vấn đề thật, cần phản ánh thật – lại không ai kể giùm họ.

Đáng lo hơn, thứ công nghệ mà báo chí đang lạm dụng không phải là bản thân AI, mà là cách né tránh lao động trí tuệ, né tránh va chạm, né tránh sự dấn thân vào thực tế. Đó không còn là báo chí, mà là một hình thức sản xuất nội dung công nghiệp vô hồn, thiếu gốc rễ xã hội, thiếu góc nhìn con người.

Chúng ta không thể kỳ vọng một nền báo chí mạnh nếu báo chí không còn giữ vai trò định hướng. Không thể gọi là phản biện nếu chỉ dựa vào thông tin có sẵn từ thế giới bên ngoài. Không thể nói là dẫn dắt nếu không dám khai thác những đề tài khó nhằn, gai góc nhưng thiết yếu. Và chắc chắn, không thể nói đến sứ mệnh nếu không còn ý thức rằng báo chí là người đi đầu, chứ không phải người đi sau.

Báo chí không phải là dây chuyền sản xuất nội dung theo từ khóa. Báo chí là nơi đặt ra câu hỏi. Là nơi giải thích sự thật. Là nơi kết nối tri thức với đời sống.

Và hơn tất cả, báo chí là hành trình dấn thân. Người làm báo không thể làm nghề từ khoảng cách an toàn. Không thể ngồi một chỗ rồi tuyên bố nắm bắt xu thế. Báo chí phải hiện diện, phải hỏi tới cùng, phải va chạm với thực tế, kể cả khi nó khốc liệt và không dễ thuật toán hóa. Đó là phần nghề mà không công cụ nào thay thế được. Và nếu đánh mất điều ấy, thì không phải công nghệ khiến báo chí suy yếu – mà chính báo chí đang từ bỏ vai trò của mình.

TIỂU VŨ 26.05.2025

No comments:

Post a Comment