Nguyễn Gia Việt - "Người ở lại Charlie" bất tử trong lòng người Nam Kỳ
jeudi 29 mai 2025
Thuymy
”Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Ôi Dambe, Đức Cơ, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu”
Các địa danh Charlie, Đức Cơ, Dakto, Khe Sanh là ở cao nguyên Việt Nam, còn Dambe, Krek, Snoul là ở bên Cam Bốt.
Chúng ta nên hiểu, quốc vương Norodom Sihanouk rất thù ghét Nam Kỳ, ông này không có giao hảo với Việt Nam Cộng Hòa. Ông luôn miệng nói ông ‘trung lập”, tuy nhiên lại cho Hà Nội mượn đất Miên để chuyển quân, chuyển võ khí, làm căn cứ đánh sát sườn Miền Nam.
Hà Nội bắt đầu chuyển quân qua ngã Campuchia từ năm 1963. Đến năm 1965 thiết lập các căn cứ để dưỡng quân, đồn trú, lánh nạn trên lãnh thổ xứ chùa tháp, tức là Việt Cộng bị quân Việt Nam Cộng Hòa đánh là thoát thân qua Miên. Norodom Sihanouk cho Hà Nội xài cảng Compong Som Sihanoukville để chuyển võ khí.
Ngày 18/03/1970, lợi dụng lúc ông Sihanouk xuất ngoại, Lon Nol cùng Hoàng thân Sirik Matak đứng lên đảo chánh lật đổ Quốc vương và ra lịnh quân đội tấn công vào các căn cứ địa của cộng sản trên đất Chùa Tháp.
Ngày 20/03/1970 Sihanouk hô hào dân chúng ủng hộ quân Khmer đỏ (Hà Nội ở sau lưng) phản công trên khắp các khu vực biên giới Miên Việt. Ngày 14/04/1970 Chánh phủ Lon Nol chánh thức kêu gọi quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa giúp về quân sự để đánh đuổi quân cộng sản.
Snoul là một thị trấn chiến lược nằm trên ngã ba trục đường số 7 đi Kompong Cham và đường 13 đi Lộc Ninh. Thung lũng Damber dài gần hai chục cây số bên liên tỉnh lộ 75 và quốc lộ 7 trên đất Miên, nằm lọt trong những cánh rừng trùng điệp cây cao rậm rạp bao quanh. Đồn điền cao su Krek-căn cứ Krek trên Quốc Lộ 7.
Giữa năm 1970 quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã đánh vượt biên giới qua Miên, chủ động đánh Bắc Việt những trận lớn ở các địa danh này. Đầu năm 1971 các lưc lượng thiện chiến đã vượt biên đánh sang Hạ Lào, phá vỡ, tiêu diệt toàn bộ kho tiếp liệu, hậu cần, đại bản doanh, an toàn khu của Hà Nội.
Mùa hè đỏ lửa 1972, An Lộc, Lộc Ninh cũng tiếp dài sau đó. Rất nhiều người lính Miền Nam đã bỏ mình ở chiến trường. Trung tá Nguyễn Đình Bảo có tham gia trong chiến dịch này, ông nằm lại trên đỉnh Charlie vùng ba biên giới vào ngày 12/04/1972.
“Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến.
Máu anh hùng nhuộm thắm lá cờ Nam !”
Người ở lại Charlie có một đoạn văn phi lộ rất buồn, còn nhớ rõ câu cuối : “Mùa Hè cuối đáy điêu linh. Dân tộc ta sao nỡ quá đọa đày !”`
Nguyên văn là :
"Nếu không có trận chiến mùa hè năm 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum.
Charlie, Cải Cách, hay C, đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-Kơ và Đường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên.
Charlie bỗng trở thành một địa danh được nhắc nhớ từ sau 4.000 quả đạn pháo tới trong một ngày, từ sau người mũ đỏ Nguyễn Đình Bảo nằm lại với Charlie.”
Trần Thiện Thanh không viết lời này, đó là những câu của ông Phan Nhật Nam viết về Mùa Hè đỏ lửa Quảng Trị 1972. Lời phi lộ đó tôn vinh Người ở lại Charlie anh hùng bất tử.
"Ôi Dambe, Đức Cơ, Krek, Snoul !
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu !”
Trung tá Nguyễn Đình Bảo (1937 - 1972) hiện ra trong bài nhạc sáng trưng thể hiện cái tài của Trần Thiện Thanh :
"Ngày anh đi, anh đi
Anh đi từ tổ ấm
Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh ?
Đợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ
tấm khăn sô bơ vơ
Người góa phụ cầu được sống trong mơ."
Trong bài hát "Những vùng đất mang tên anh" nhạc sĩ Thanh Sơn cũng có viết :
"Thị trấn buồn cao nguyên cheo leo
Gió đất miền đất đỏ mù sương
KonTum đây với những kiêu hùng
Kìa Charlie núi rừng thung lũng
Về Chu Pao hát ca ngợi Ko Man
Đak Lak ngày nào còn hiên ngang !"
Một đoạn Thanh Sơn nói về An Lộc :
"Rừng ngút ngàn cao su mênh mông
Chiến tích còn An Lộc, Bình Long
Quê hương đây thế giới kinh hoàng
Lộ mười ba với trận mưa pháo
Giọt nước mắt khóc linh hồn vô danh
Đó An Lộc địa sử ghi danh !"
Lộ 13 là con đường nối Sài Gòn qua Bình Dương, Bình Long, Lộc Ninh, khúc tới biên giới Campuchea thì có đoạn nối vô Lộ số 7 của nước này tại ngã ba thị trấn Snoul.
Mùa hè đỏ lửa 1972, Bắc Việt tấn công vượt qua giới tuyến 17 cầu Bến Hải chiếm tỉnh Quảng Trị vô tới sông Mỹ Chánh. Một mũi của Bắc Việt từ Campuchea qua biên giới thọc vô Lộ 13, bốn sư đoàn Bắc Việt tấn công nuốt tỉnh Bình Long nơi cách Sài Gòn chỉ 100 km .
Bao nhiêu máu xương của người lính Việt Nam Cộng Hòa và người dân di tản đã nhuộm đỏ Lộ 13.
Liệt kê ra các trận tiêu biểu sau :
-Trận Snoul : Từ ngày 24 tháng 04 năm 1971 đến ngày 31 tháng 05 năm 1971.
-Trận Lộc Ninh : Từ ngày 04 tháng 04 năm 1972 đến ngày 07 tháng 04 năm 1972.
-Trận Cầu Cần Lê : Từ ngày 07 đến 12 tháng 04 năm 1972.
- Trận An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13 : Từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 20 tháng 7 năm 1972.
-Trận Suối Tàu Ô và Xa Cam : Từ ngày 07 tháng 04 đến ngày 08 tháng 06 năm 1972.
An Lộc (Hớn Quản) là trận quan trọng nhứt và cũng có người chết nhiều nhứt. Trước đó tỉnh lỵ Lộc Ninh đã bị Bắc Việt chiếm ngày 7 tháng 4 năm 1972. An Lộc thành một thành trì của Việt Nam Cộng Hòa ngăn quân đỏ tiến về đô thành Sài Gòn.
Hớn Quản là đất của đồn điền cao su Xa Cam thời Pháp. Ngày xưa, Bình Long, Hớn Quản thuộc về tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1958 Tổng thống Ngô Đình Diệm đặt ra tỉnh Bình Long, lấy Hớn Quản làm tỉnh lỵ, đổi tên là An Lộc.
Trận An Lộc kinh khủng.
Bắc Việt liều chết không tiếc sanh mệnh chiếm thị xã này để tiến về Sài Gòn. Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng liều chết giữ tuyến phòng thủ này. Đạn pháo cào nát thị xã nhỏ xíu. Người chết chôn tạm bên đường, trong sân chợ, sân trường không yên, bom cày đạn xới những cái mả còn mới, người chết hai ba lần.
Nói người chết 2 lần, chợt nhớ tới ông Đại úy Thiết giáp Nguyễn Ngọc Bích. Ông tử trận ở Quảng Trị năm 1972, xác tẩn liệm vội vàng trong cái hòm tạm gửi về quê, ai dè trên đường đi bị đạn pháo Bắc Việt rót lần thứ hai bắn tan nát. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xúc động viết bài Bắc Đẩu có những câu sau :
“Người tên Bắc Đẩu chết trận hôm nao ?
Một áo quan đóng vội một chuyến cuối phiêu du
...
Người tên Bắc Đẩu chết trận La Vang, liệm xác ba lần
Ngọc bích cũng tan chỉ còn vì sao thôi, chỉ còn vì sao thôi”
Sau trận An Lộc, với vai trò của dù biệt kích, lịch sử hay nhắc câu thơ :
"An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân
Ai từng đi qua An Lộc một lần
Mỗi lớp đất là một từng máu thắm."
Không quân Việt Nam Cộng Hòa được thi vị hóa bằng những cánh dù bung gió lồng lộng giữa không gian, nó như thiên thần là vì vậy !
"Giờ này anh ở đâu ?
Trại Hoàng Hoa tung gió cánh hoa dù."
Sáng nay chợt có hứng xúc động viết mấy dòng này nhắc lại một thời kỳ lịch sử oai hùng của Miền Nam chúng ta.
"Anh ơi ! địa danh nào thiếu dấu chân anh ?
Đợi anh về...
Xin một lần thôi, một lần thôi
Vẫy tay tạ từ Charlie !"
NGUYỄN GIA VIỆT 29.05.2025
No comments:
Post a Comment