Lê Hải – Vì sao các hãng hàng không phải kiểm tra kỹ visa của khách ?
vendredi 30 mai 2025
Thuymy
Ở đây có mấy ý chia sẻ cùng anh em nào sắp đi nước ngoài lần đầu, hy vọng hữu ích và để tránh những căng thẳng không cần thiết.
1. Nhân viên đại diện checkin cho hãng bay có thể kiểm tra những gì và tại sao ?
Các nước châu Âu phạt hãng hàng không rất nặng nếu để lọt một hành khách không đủ điều kiện nhập cảnh hạ cánh sân bay của họ. Dù anh em đã được cấp visa Schengen bởi đại sứ quán, nó không phải là chuyện đương nhiên anh em được phép nhập cảnh ở sân bay nơi đến. Cần hiểu điều này để chuẩn bị hồ sơ cho mọi tình huống.
Việc hãng bay sàng lọc lại một lần nữa chính là để bảo đảm quyền lợi cho họ và cũng cho chính anh em. Nếu có khách bay bị từ chối nhập cảnh tại EU, hãng bay bị chính quyền sở tại phạt khoảng 5.000 EUR trên một người, và phải chịu mọi chi phí lưu trú, giám sát an ninh, vé khứ hồi, chi phí phát sinh khác. Và ngoài tiền phạt, hãng bay còn bị đưa vào danh sách theo dõi với vết đen là chở hành khách không có giấy tờ hợp lệ và không thực hiện đúng nghĩa vụ kiểm tra trước khi chấp nhận hành khách lên máy bay.
Còn bản thân anh em vì lý do gì đó bị từ chối nhập cảnh, thì lần sau khả năng xin lại visa là vô cùng khó. Vì vậy nếu hãng bay phát hiện ra anh em bị yếu về mặt tài chính, thủ tục, động cơ đi, nơi lưu trú... và thấy có khả năng bị từ chối nhập cảnh, thì trước tiên họ sẽ báo cho anh em biết để sửa sai nếu kịp giờ lên máy bay. Trường hợp để yên cho đi khi hành khách không đủ điều kiện thì tất cả đều mắc nạn.
Để sàng lọc thêm một lần trước khi vận chuyển, nhân viên checkin có thể hỏi các thông tin về visa, hộ chiếu, vé khứ hồi, thông tin nơi lưu trú tại quốc gia đến, tình trạng tài chính, khớp giữa động cơ đi và loại visa... Một cách cơ bản, thì họ dựa trên căn cứ pháp lý được ủy nhiệm từ cơ quan an ninh cửa khẩu của quốc gia đến.
2. Trường hợp của bạn trẻ trong bài viết
Động cơ của em ấy đi châu Âu là đi thi, nhưng visa lại là visa du lịch. Về mặt cơ bản của cơ bản, thì đây là không khớp giữa động cơ đi và loại hình visa. Em ấy có thể bị từ chối nhập cảnh ở cửa khẩu nơi đến, dù có thư mời hay không, và trường học nơi em ấy thi cũng không thể can thiệp gì cả nếu em ấy bị từ chối. Thậm chí, lần sau họ viết thư mời cũng mất hiệu lực cho những em khác.
Trong status, người cha có viết một đoạn : " (hồ sơ của cháu là visa dạng du lịch ngắn ngày- thực ra đi tham gia một cuộc thi- thời hạn 90 ngày).", cái này là sai chí mạng nha, thật đó !
Một số nước như Đức, Pháp, Bỉ... rất nghiêm khắc với trường hợp dùng visa sai mục đích, đặc biệt khi đó là visa ngắn hạn nhưng hoạt động được coi là học thuật, tuyển sinh, hoặc nghề nghiệp.
Nói rõ ra, thì cả hai cha con đang không biết mình sai ở đâu và nghĩ rằng có visa là mặc định được nhập cảnh. Tuy nhiên, Luật Biên giới Schengen quy định hành khách có thể bị từ chối nhập cảnh nếu :
- Không chứng minh được mục đích chuyến đi,
- Không có giấy tờ hợp lệ liên quan đến hoạt động dự kiến tại châu Âu,
- Có dấu hiệu gian dối khi xin visa.
Trong trường hợp phụ huynh của em này nói đây là một "cơ hội" của em ấy, có thể hiểu vì sao nhân viên Qatar lại lo lắng như vậy. Vì họ hiểu, em này có khả năng bị từ chối nhập cảnh tại cửa khẩu.
Vị phụ huynh tự hỏi : "Tôi tự hỏi, nếu như cháu không mang đủ các giấy tờ trên khi ra sân bay (vì đã nộp khi làm visa) để trình bày với nhân viên hãng Qatar lúc đó, không lẽ hàng Qatar sẽ không cho con tôi bay. Và số tiền mua vé của chúng tôi sẽ bị mất (không thể hoàn vé vào thời điểm đó)".
Tự hỏi như thế này là hơi ngớ ngẩn, vì em ấy cũng sẽ được nhân viên cửa khẩu ở sân bay nơi đến hỏi các giấy tờ tài chính, lưu trú, thư mời, thẻ tín dụng, tiền mặt, bảo hiểm... khi làm thủ tục nhập cảnh. Nếu không mang thì khả năng đi về là khá cao, nhân viên checkin ở trong nước hỏi trước như vậy thì nên mừng vì có cơ hội kiểm tra trước.
Họ có quyền nghi ngờ hoặc từ chối vận chuyển để tránh rủi ro. Trong trường hợp họ chấp nhận cho em ấy bay sau quá trình kiểm tra, thay vì trách móc thì nên cảm ơn người ta, vì ít nhất họ đã cho em một cơ hội.
3. Có bảo hiểm du lịch thì mặc định là được miễn trừ chuyện kiểm tra tài chính không ?
Bảo hiểm du lịch là giữa hành khách và công ty bảo hiểm, không liên quan gì đến trách nhiệm pháp lý của hãng hàng không. Hãng không thể trông chờ “nếu khách bị trục xuất thì công ty bảo hiểm lo hết”, vì chính phủ nước nhập cảnh vẫn phạt hãng như thường.
Quy trình của việc mua bảo hiểm là hành khách chi trả gì đó, rồi công ty bảo hiểm tạm ứng hoặc trả sau. Nên nếu khách bị từ chối nhập cảnh, hãng hàng không phải chịu trách nhiệm bị phạt, chi trả các chi phí cho khách, rồi sau đó yêu cầu khách thanh toán lại, và khách mới yêu cầu bảo hiểm chi trả. Với sự phức tạp này, lợi ích giữa việc vận chuyển một hành khách bị nghi ngờ có khả năng bị từ chối nhập cảnh với rủi ro họ mang lại rõ ràng là không tương xứng.
4. Sự thiếu chuyên nghiệp của nhân viên checkin
Thay vì giải thích tình trạng rủi ro bị từ chối nhập cảnh cho em học sinh và phụ huynh của em, thì các nhân viên lại liên tục chất vấn và vô tình gây áp lực cho cả hai cha con. Đây là điều mà không có khách hàng nào muốn, vì khách hàng không phải tội phạm hay được vận chuyển miễn phí, họ là người trả tiền để sử dụng dịch vụ.
Việc hỏi thẳng thừng về tình trạng tài chính như có bao nhiêu tiền trong thẻ này nọ, là một kiểu bất lịch sự, dù động cơ họ hỏi là để tăng sự bảo đảm. Không ở đó để biết thái độ của nhân viên checkin ra sao, nhưng nếu để khách thấy khó chịu thì rõ ràng là không chuyên nghiệp. Nhưng mà bạn của phụ huynh em nhỏ nói là họ "gây chuyện để làm tiền" thì tội nghiệp người ta quá.
Tóm lại là nên đọc kỹ những hướng dẫn và khuyến nghị từ đại sứ quán để tránh những bất mãn không đúng chỗ và tránh rủi ro bị từ chối nhập cảnh cho mình vậy. Hôm nay là 30/05, hy vọng là em kia đã thuận lợi nhập cảnh và rút kinh nghiệm cho lần tới.
Hình : Sân bay Charles de Gaulle
LÊ HẢI 30.05.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment