Saturday, May 31, 2025

Tiểu Vũ – Câu chuyện bi tráng đằng sau tục lệ Tết Đoan Ngọ
samedi 31 mai 2025
Thuymy

Hôm nay, mùng 5 tháng 5 âm lịch, người dân ở nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… cùng đón một ngày lễ đặc biệt : Tết Đoan Ngọ.

Tùy theo phong tục tập quán và bản sắc mỗi nơi, cách tổ chức ngày này có thể khác nhau, nhưng có một điểm chung thú vị : nhiều nơi đều ăn một loại bánh gói trong lá, hình chóp, làm từ gạo nếp. Ở Việt Nam, đó là bánh ú tro. Người Hoa gọi là zongzi (粽子), ở Singapore và Malaysia là bak chang. Nhân bánh có thể thay đổi, nhưng hình dáng, cách gói và ý nghĩa tượng trưng thì vẫn còn được giữ lại khá rõ nét.

Ẩn sau chiếc bánh nhỏ bé ấy là một truyền thuyết nhuốm đầy nước mắt : cái chết của nhà thơ Khuất Nguyên, một nhân cách lớn trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.

Khuất Nguyên sống vào thời Chiến Quốc (khoảng 340 – 278 trước Công nguyên), là đại thần nước Sở. Ông nổi tiếng là người trung trực, có tầm nhìn chiến lược và đặc biệt yêu nước thương dân. Với tài năng và lòng trung thành, ông từng được nhà vua tin tưởng trọng dụng. Tuy nhiên, vì thẳng thắn can gián và không đồng thuận với các phe nhóm trong triều, Khuất Nguyên bị vu oan và đày ra biên ải.

Trong những năm tháng lưu lạc, ông tiếp tục viết thơ, để lại cho đời những áng thi ca bất hủ, tiêu biểu là bài Ly tao – một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Trung Quốc cổ. Khi quân Tần tiến vào nước Sở, Khuất Nguyên đau xót cho vận nước, cảm thấy bất lực trước thời thế, bèn ôm đá nhảy xuống dòng sông Mịch La tự vẫn.

Dân chúng nước Sở nghe tin ông mất thì vô cùng đau thương. Họ chèo thuyền ra sông tìm xác ông nhưng không thấy. Để ngăn cá tôm rỉa thịt thi hài ông, người ta ném những nắm cơm gói trong lá xuống sông. Về sau, việc gói bánh nếp thành hình chóp, luộc chín trong nước tro, trở thành một nghi thức tưởng niệm Khuất Nguyên – và dần định hình thành phong tục ẩm thực mỗi dịp Tết Đoan Ngọ.

Tết Đoan Ngọ ngày nay, ở Việt Nam, đã có những biến đổi thú vị. Không giống như Trung Hoa hay Đài Loan, người Việt hầu như không gắn dịp này với việc tưởng nhớ Khuất Nguyên. Thay vào đó, Tết Đoan Ngọ được xem là dịp “giết sâu bọ”, là ngày người dân cúng tổ tiên, ăn trái cây chua ngọt, uống rượu nếp, hái lá thuốc mùng năm để xua tà khí và bảo vệ sức khỏe. Cách người Việt tiếp nhận và chuyển hóa ngày lễ này là một ví dụ sinh động về việc văn hóa ngoại lai khi vào Việt Nam sẽ được điều chỉnh, pha trộn, “thuần hóa” theo cảm thức dân tộc.

Có người cho rằng Tết Đoan Ngọ là “tục Tàu” và đặt câu hỏi về tính chính danh của nó trong đời sống Việt. Nhưng nếu ta gạt bỏ định kiến chính trị, chỉ nhìn thuần vào văn hóa, sẽ thấy mọi nền văn hóa đều có khả năng ảnh hưởng và lan tỏa. Điều quan trọng không phải là nguồn gốc của một lễ hội, mà là cách nó được người dân tiếp nhận, gìn giữ và thổi vào đó tinh thần riêng của mình.

Thực tế, nhiều lễ hội hiện đại ở Việt Nam như Valentine, Halloween, Ngày của Cha, Ngày của Mẹ… đều có xuất xứ từ phương Tây. Chúng được đón nhận như một phần tự nhiên của đời sống đô thị mà không bị chất vấn về nguồn gốc. Tết Đoan Ngọ – với lịch sử hàng ngàn năm, với sự hiện diện sâu đậm trong dân gian – lại càng xứng đáng được tôn trọng như một phần di sản đã được Việt hóa.

Giống như nàng Kiều – một nhân vật bước ra từ tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Hoa – nhưng dưới ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du, nàng đã trở thành biểu tượng của văn học và nhân sinh quan Việt Nam. Lịch sử văn hóa luôn là quá trình tiếp biến, trong đó cái gì phù hợp thì ở lại, cái gì không hợp sẽ bị đào thải.

Ngày nay, người Việt vẫn gói bánh ú, bày mâm trái cây, cúng tổ tiên vào mùng 5 tháng 5 mà không cần phải nhắc đến Khuất Nguyên. Nhưng đâu đó, trong truyền thuyết cũ và chiếc bánh gói lá nếp thơm mùi tro rơm, vẫn ẩn hiện một bóng người trung nghĩa. Có thể chúng ta không gọi tên ông, không cúng tế ông, nhưng chúng ta đã tiếp nối một hành vi văn hóa : trân trọng những gì thuộc về ký ức, giữ gìn những gì thuộc về nhân nghĩa.

Tết Đoan Ngọ – dù bắt nguồn từ đâu – đã được người Việt tiếp nhận, gìn giữ và biến nó thành một phần máu thịt của đời sống văn hóa dân tộc. Đó là điều đẹp nhất. Không phải ở hình thức, mà ở tinh thần.

TIỂU VŨ 31.05.2025

No comments:

Post a Comment