Saturday, May 31, 2025

Mai Quốc Ấn – Gỡ trùng vây bất công
samedi 31 mai 2025
Thuymy


Hơn mười năm trước, tôi ra Hà Nội và tìm Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng để chia sẻ về nỗi trăn trở của mình trước thời cuộc.

Khi ấy, có thể nói rằng làm một mô hình kinh tế minh bạch tại Việt Nam không khác gì “khiêu vũ giữa bầy sói”.

Anh Sĩ Dũng cười độ lượng khi tôi nói về những chằng chịt kinh tế mang màu sắc thân hữu của “con anh Sáu, cháu bác Ba, người nhà cô Tám”. Có lẽ chàng trai tuổi ba mươi là tôi khi ấy (lẫn bây giờ) vẫn còn khờ dại tin rằng nền tảng phát triển một quốc gia phải đến từ sự minh bạch thay vì tập trung vào các “nắm đấm thép” kinh tế nhà nước hay sự phụ thuộc “đại bàng FDI”.

Sau 10 năm gặp anh Sĩ Dũng. Sau 40 năm “đổi mới” (mà thực chất tự trói mình rồi đói quá phải cởi trói). Sau 50 năm thống nhất đất nước. Giờ nhìn lại nửa năm 2025 trôi qua, chúng ta cần minh định cho mình một phương hướng phát triển… bình thường.

Sự bình thường trước nay chưa có, là việc các doanh nghiệp nhà nước được tôn vinh là “nắm đấm thép” với biết bao ưu đãi từ đất đến vốn đến bảo lãnh nhà nước ; nhưng “đấm nợ”, “đấm lỗ” vào mặt nhân dân không trượt phát nào. Nay có Nghị quyết 68 “mở cửa” để đơn thuần bình thường một mệnh đề là mọi đối tượng kinh doanh đều bình đẳng trước pháp luật (bao gồm cả các pháp quy về ưu đãi).

Sự bình thường trước nay chưa có, là việc doanh nghiệp tư nhân tạo ra thặng dư và công ăn việc làm nhiều hơn doanh nghiệp FDI nhưng bị đối xử như “con ghẻ” ? và bây giờ là “cởi trói” doanh nghiệp tư nhân.

Sự bình thường trước nay chưa có, là việc các doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp “thân hữu” bị phơi bày qua các đại án ; nay cần nhường chỗ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ có thực lực tri thức chân chính qua Nghị quyết 5 ?7 để đơn thuần công nhận kinh tế tri thức mà thế giới tiên tiến đã công nhận mấy chục năm qua.

Tôi là một người có “lý lịch đỏ”, tốt nghiệp tương đương cao cấp lý luận chính trị năm 23 tuổi ; đã không chọn quan trường của gần 2 thập kỷ trước mà đi. Vì thẳng thắn mà nói, tôi không muốn làm một thành tố trong “trùng vây bất công” mà nhân dân/doanh nghiệp khi ấy gánh chịu. Và trong hai thập kỷ lựa chọn lối đi riêng ấy, bản thân tôi cũng chịu đựng cảm giác giữa trùng bây bất công như mọi người.

Ban đầu là phẫn nộ, u uất. Càng về sau này là sẻ chia, thấu hiểu. Hóa ra quốc gia có quốc vận, dân tộc có số phận… Và có lẽ mỗi cá nhân gắn với thời đại lịch sử này đang dần cảm ứng được câu “cùng tắc biến” hay “vật cực tất phản” trong những ngày cải cách rung chuyển vừa qua.

Khi thấy cổng Thông Tin Chính Phủ đăng ý kiến của anh Nguyễn Sĩ Dũng, lòng tôi rất vui. Chí ít là sự kiên trì của anh (và những người như anh) trong việc tác động đến hệ thống chính trị quốc gia trong rất nhiều năm qua để có sự đổi thay bây giờ là điều đáng trân quý. Cũng tương tự như chính khách Mai Liêm Trực trước đây, đem sinh mệnh chính trị ra thuyết phục hệ thống chính trị nước ta chấp nhận Internet.

Không có những người vị quốc thuần khiết và kiên trì như vậy, có lẽ cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam sẽ đậm chất Trung Quốc hay Triều Tiên rồi.

Mặc dù mọi giai cấp thống trị luôn tìm cách giữ vững vai trò thống trị của mình (bao gồm cái gọi là cải cách) trong lịch sử ; thì vẫn nên có một sự ghi nhận đúng tầm lịch sử cho những người đã kiên trì nhiều năm “gỡ” từng phần rối beng của lịch sử, của thể chế bất cập, của tư tâm vương quyền, của trùng vây bất công… để phận dân ngõ hầu có chút gọi là “dễ thở” hơn.

Lần nữa, xin cúi đầu cảm tạ anh Nguyễn Sĩ Dũng và những người giống anh !

MAI QUỐC ẤN 29.05.2025

No comments:

Post a Comment