Giáo dục phải tránh giáo điều và giả dối…Thái Hạo
29-5-2025
Tiengdan
Thưa các bạn!
Sáng qua tôi đăng bài viết “Nhà trường tổ chức lễ tri ân học sinh?”, phê phán về việc sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện và sai nghiêm trọng trên tấm phông “Lễ tổng kết năm học/ Tri ân và trưởng thành học sinh lớp 12” của trường THPT Đô Lương 4 – Nghệ An (Xin xem bài viết ở đây).
Đến chiều, thầy giáo phó hiệu trưởng của trường Đô Lương 4 đã gọi điện thoại cho tôi để trao đổi một số ý.
Thầy ấy nói rằng, tiết mục văn nghệ “nhảy hiện đại” đang bị cộng đồng chỉ trích là diễn ra sau chương trình chính thức, quan khách đã ra sau sân khấu. Lúc lễ xong rồi thì có hai nữ sinh lên biểu diễn ngẫu hứng cho các bạn xem…
Thầy phó hiệu trưởng cũng thừa nhận và thay mặt nhà trường nhận khuyết điểm trong việc thiết kế và trình bày tiếng Việt trên sân lễ, đồng thời nói sẽ rút kinh nghiệm để không lặp lại nữa. Thầy mong muốn tôi gỡ bài, vì nhà trường đang chịu nhiều áp lực…
Tôi trao đổi với thầy phó hiệu trưởng rằng, bài đăng của tôi hoàn toàn không nhắm vào tiết mục văn nghệ của hai em nữ sinh kia, tôi chỉ tập trung vào nội dung duy nhất là việc sử dụng tiếng Việt trong môi trường giáo dục hiện nay. Việc tôi lấy hình ảnh là trường THPT Đô Lương 4 cũng chỉ là tình cờ và ngẫu nhiên, tôi hoàn toàn không biết gì về trường này cũng như không có bất kỳ vấn đề gì với nó.
Đô Lương 4 chỉ là một ví dụ cho sự dễ dãi, tùy tiện, là minh chứng cho sự xuống cấp trong sử dụng tiếng mẹ đẻ ở ngay trong môi trường giáo dục – nơi phải là mẫu mực và tiên phong trong “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, bởi đây là trách nhiệm và sứ mệnh của nó.
Tôi cũng trao đổi với thầy hiệu phó rằng, tôi đăng bài không phải chỉ để mong Đô Lương khắc phục và từ nay chú trọng hơn đến tiếng mẹ đẻ, mà như mọi khi, tôi thường chọn lên tiếng trước các vấn đề mang tính xã hội với mong muốn sẽ có một sự thay đổi trên diện rộng về mặt bản chất và có tính hệ thống. Bởi thế, tôi sẽ không gỡ bài cho đến khi vấn đề có sự chuyển biến cơ bản.
Nói thêm, mỗi khi “có việc”, thay vì trực tiếp đối diện, công khai và thẳng thắn nhận lỗi và đưa ra cách khắc phục, thì như thường thấy, người ta hay tìm cách “xin gỡ bài”. Tôi nghĩ, các cá nhân, các cơ quan nhà nước hay đơn vị hành chính sự nghiệp, cần thay đổi cái “văn hóa” này.
Tôi thấy trường THPT Đô Lương 4 có một trang Page có vẻ được chăm sóc khá tốt, nhà trường nên công khai nhận trách nhiệm ở đó. Tôi tin rằng, với cách làm việc như thế, nhà trường sẽ được học sinh, phụ huynh và cộng đồng tôn trọng bởi sự chân thành, cầu thị và tinh thần trách nhiệm nghiêm túc của mình – chỉ được chứ không mất mát gì cả.
Nhân đây, tiếng Việt – một tài sản quan trọng bậc nhất của văn hóa dân tộc, nhưng đang bị coi thường và không được dạy dỗ một cách hiệu quả trong chính các nhà trường, dẫn tới có những biểu hiện rất đáng lo lắng về sự mai một và xuống cấp trong sử dụng, ở cả thầy lẫn trò. Trước khi hô hào và đổ hàng núi tiền vào các đề án ngoại ngữ đầy tham vọng và luôn thất bại như đã thấy, thì nhà nước cần có chiến lược và chính sách mạnh mẽ, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt cho người Việt, không thể để từ nhà trường đến báo chí, sách vở cứ mãi viết và nói sai ngày càng nghiêm trọng như thế được. Đây là vấn đề rất lớn và hệ trọng, phải được quan tâm đặc biệt từ những cấp cao nhất của nhà nước.
TB: Riêng về tiết mục văn nghệ của hai nữ sinh, tôi không có ý kiến gì, vì tôi vốn không có định kiến với những gì mới mẻ, cởi mở, hiện đại…, dù tôi hầu như không thích và không xem những nhảy nhót ấy (có lẽ do tôi đã già!). Tuy có thể có những biểu hiện chưa thật phù hợp trong lời bài hát, trong cách ăn mặc, trong sự “bốc lửa”…, nhưng cũng phải thấy rằng, đây là những học sinh mạnh mẽ, tự tin, và đầy năng lượng sống, các em cần được hướng dẫn chứ không nên bị chỉ trích quá đà, khiến các em sợ hãi, trở nên nhút nhát và không dám thể hiện mình nữa.
Học sinh lớp 12, tức 18 tuổi, là tuổi đã bước vào giai đoạn trưởng thành, người lớn không nên coi các bạn ấy là những đứa trẻ để phải hát mãi những bài “khi tóc thầy bạc” – dù có thể thầy của các bạn ấy vừa mới ra trường được vài năm! Các em cần được sống thật dưới sự định hướng về phía văn minh – mà ở đây nhà trường chính là nơi phải thực hiện trách nhiệm ấy, chứ không phải một thứ “cảnh sát đạo đức” cấm đoán tất cả những gì không phải “truyền thống”.
Quan điểm của tôi là giáo dục phải luôn luôn cập nhật đời sống hiện tại, tránh lạc điệu, lạc hậu, lạc hướng, càng phải tránh sự giáo điều và giả dối. Một sai lầm nhỏ của tuổi trẻ đầy năng lượng còn tốt hơn là sự trung thành vô thức với những giả dối hoặc thứ đã già nua, vô dụng… Một nền giáo dục tiến bộ là nền giáo dục đứng vững trên các giá trị cơ bản của văn minh trong khi luôn cùng nhịp đập với hơi thở cuộc sống, nhưng không để mất gốc và trở thành lai căng, kệch cỡm.
No comments:
Post a Comment