Saturday, May 31, 2025

Cuộc thử sức với chính trị không thành công của tỷ phú Elon Musk
Anh Vũ
Đăng ngày: 30/05/2025 - 16:58Sửa đổi ngày: 30/05/2025 - 17:10
RFI

Sự kiện tỷ phú công nghệ Elon Musk rút khỏi vai trò cố vấn đặc biệt trong chính quyền tổng thống Donald Trump, vài tháng sau khi đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) thực thi các nỗ lực cải tổ cơ quan liên bang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận báo chí Pháp hôm nay.

Elon Musk giơ lên một cái cưa xích trên sân khấu trong Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ tại National Harbor, Maryland, Hoa Kỳ, ngày 20 tháng 2 năm 2025. REUTERS - Nathan Howard

Trang nhất báo Le Figaro chạy tựa lớn : « Musk rời khỏi chính trị để phục hồi kinh doanh ». Mặc dù vai trò « nhân viên chính phủ đặc biệt » mà Musk được ông Trump bổ nhiệm sau khi nhậm chức, theo luật của Mỹ chỉ được phép kéo dài không quá 130 ngày trong một năm, nhưng sự kiện Musk rút khỏi chính quyền không thể không gây chú ý dư luận bởi nhân vật này đã gây không ít tranh cãi trong gần 4 tháng nhảy vào chính trị, can dự đắc lực vào các hoạt động của chính phủ Mỹ và ít nhiều để lại những hệ lụy cho chính quyền cũng như bản thân công việc kinh doanh của tỷ phú.

Trang kinh tế của tờ báo có bài viết : « Tesla, SpaceX, xAI… sau cuộc phiêu lưu chính trị với Donald Trump, Elon Musk đối mặt với thách thức mới trong các công ty của mình ».

Le Figaro viết : « Elon Musk cất chiếc máy cưa, treo chiếc mũ Maga của mình. Ông không còn muốn trở thành ngôi sao gây rối loạn theo kiểu Trump ở Washington nữa. Việc thẳng tay cắt giảm bộ máy quan liêu, bất chấp mọi thói quen thậm chí cả luật lệ quản lý công chức, khuyến nghị giải thể các cơ quan hành chính liên bang nhân danh cuộc chiến chống lãng phí sẽ không nằm trong chương trình của ông.

Đã đến lúc tỷ phú này quay lại với những ưu tiên trước đây của mình, kinh doanh và khoa học viễn tưởng ». Musk tuyên bố tập trung toàn lực vào các công ty công nghệ của mình như X (Twitter cũ), Tesla, SpaceX, xAI, Neuralink và The Boring Company.

Việc dấn thân vào chính trường đã khiến ông phải trả giá. Theo Le Figaro, can dự vào chính trị đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh cá nhân và giá trị thương hiệu của Tesla, khiến doanh số và giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên tờ báo nhận định, Musk vẫn giữ ảnh hưởng nhất định ở Washington. Việc rút khỏi chính trị của Musk có thể chỉ là tạm thời.

Le Figaro cũng có bài xã luận với tiêu đề  « MAGA Musk » nhấn mạnh, dù từng hứa tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đô la cho ngân sách, kết quả thực tế chỉ đạt khoảng 150 tỷ. Nhưng phía sau thất bại đó là sự chẩn đoán đúng : Musk đã nêu bật một vấn đề quan trọng: bộ máy hành chính cồng kềnh nặng nề đang trở thành gánh nặng cho nền dân chủ hiện đại, không chỉ ở Mỹ mà cả ở Pháp. Xã luận tờ báo viết : « Có thể ông đã làm không tốt, theo lời những người phản đối, nhưng ít nhất ông đã thử. Và điều đó mới là điều đáng nhớ, nhất là khi những người ủng hộ sự trì trệ ở cả Mỹ lẫn Pháp sẽ nhanh chóng lợi dụng thất bại này để chôn vùi mọi ý tưởng cải cách. »

Xã luận Le Figaro nhận định, thất bại của Musk phần lớn đến từ cách tiếp cận hỗn loạn và vội vàng, một đặc trưng của Trump, tương tự như cuộc chiến thương mại, thuế quan từng gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu. Giờ đây, Musk quay lại tập trung vào các dự án kinh doanh như X, Tesla, SpaceX, Neuralink... với tham vọng lớn lao. Dù ảnh hưởng chính trị có thể suy giảm, tầm ảnh hưởng và khát vọng thay đổi thế giới của Musk vẫn sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Donald Trump đánh mất lá bài chủ của Mỹ để chơi với Trung Quốc

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài bình luận với tựa đề « Sự sai lầm tệ hại nhất của Trump : Tấn công Harvard » của tác giả Eric Le Boucher, một cây viết thời luận của tờ báo. 

Tác giả chỉ ra rằng việc Tổng thống Donald Trump công kích các trường đại học lớn như Harvard là một sai lầm nghiêm trọng, bởi đây là một trong những lá bài cuối cùng của Mỹ để cạnh tranh chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

Mở đầu bài viết tác giả nêu ra hai sự kiện : Cuộc thi Olympic robot ở Bắc Kinh ngày 15/08  và Đại hội thể thao Olympic cho phép doping tại Los Angeles (21/05/2026), do Aron D'Souza một nhân vật  thân Trump và con trai của tổng thống Donald Trump Jr, khởi xướng. Cả hai đều là những người chỉ trích chiến dịch chống Doping của CIO. Theo tác giả  hai sự kiện này là biểu tượng cho tầm nhìn về tương lai đối lập giữa thể hiện sự đối lập của Trung Quốc của Tập Cận Bình và nước Mỹ của Donald Trump. Đó là trí tuệ đối lại sự thô bạo.

Mặc dù cả hai chính phủ đều muốn tái lập tầng lớp trung lưu thông qua công nghiệp, cách tiếp cận của Trump chỉ dựa vào thuế quan và hạn chế nghiên cứu liên bang, đồng thời tấn công các trường đại học và khoa học với những cáo buộc có xu hương cực đoan và phản khoa học… Điều này được xem là một thảm họa lịch sử khi Mỹ vốn nổi tiếng về nghiên cứu và đổi mới, theo tác giả bài viết.

Trung Quốc, với kế hoạch dài hạn "Made in China 2025", đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực công nghệ chủ chốt như robot, AI, y sinh học, và chiếm lĩnh nhiều thị trường toàn cầu, mặc dù họ vẫn còn mắc phải một số vấn đề nội tại. Kết quả của kế hoạch được công bố kín đáo vào cuối năm ngoái cho thấy là rất tốt.

Cuối cùng, tác giả nhấn mạnh rằng cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc không chỉ dựa vào chủ nghĩa bảo hộ mà phụ thuộc vào khoa học, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu bền vững, lĩnh vực Mỹ vẫn có lợi thế nhưng đang bị đe dọa bị mất nếu tiếp tục chính sách hiện tại.

AI Người bạn tâm giao trong xã hội hiện đại ?

Chuyển qua với nhật báo Libération, chủ đề chính của tờ báo là trí tuệ nhân tạo và đời sống con người. Tựa chính trang nhất của tờ báo : « AI người bạn muốn điều tốt cho bạn? ».

Libération phản ánh một thực tế các ứng dụng hội thoại trí tuệ nhân tạo mới được phổ biến chưa được bao lâu đang ngày càng ăn sâu cuộc sống riêng tư của con người.

Libération cho biết : Từ tháng 4, một sự thay đổi đáng lo ngại đang âm thầm diễn ra trên điện thoại và máy tính của chúng ta: Sự xuất hiện của Meta AI, trợ lý ảo do Meta (công ty của Mark Zuckerberg) phát triển, tích hợp sâu vào các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Messenger hay Instagram. Không thể xóa bỏ và hiện diện trong các không gian giao tiếp riêng tư, Meta AI là một bước tiến xa trong việc biến trí tuệ nhân tạo thành một mối quan hệ xã hội mới.

Giống như ChatGPT hay Gemini, các chatbot AI ngày càng được nhiều người xem như bạn bè, bác sĩ tâm lý hay cố vấn cá nhân. Một nghiên cứu cho thấy 10% người dùng ChatGPT coi nó là bạn thân.

AI với một số người còn có thể giải tỏa cho nỗi cô đơn. Theo tờ báo, tỷ lệ người cảm thấy cô đơn tại Pháp đã tăng từ 13% năm 2018 lên 17% sau đại dịch Covid-19. AI, sẵn sàng lắng nghe 24/24 giời 7ngày/7 mà không phán xét, trở thành nơi nương tựa cho những người cô đơn hoặc không tìm được chuyên gia tâm lý.

Cuối cùng Libération cũng muốn đưa ra  cảnh báo rằng dù AI có thể đem lại sự an ủi trong thời đại cô đơn, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tâm lý, xã hội và quyền riêng tư nếu không được kiểm soát đúng mức.

Các đột phá trong nghiên cứu vắc-xin điều trị ung thư

Một thành tựu khác của khoa học cũng được nhật báo La Croix dành sự quan tâm đặc biệt qua hàng tựa chính trang nhật : « Ung thư : Hy vọng có vắc-xin ».

Tờ báo cho biết, nhiều loại vắc-xin trị liệu do Viện Curie (Pháp) triển khai đang là một trong những hướng hứa hẹn nhất để chống lại chứng bệnh nan y này.

Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), vắc-xin điều trị ung thư đang thu hút sự chú ý lớn. Không giống như vắc-xin phòng bệnh thông thường, các vắc-xin này không ngăn ngừa sự xuất hiện của ung thư mà ngăn chặn sự tiến triển hoặc tái phát của bệnh.

Giáo sư Christophe Le Tourneau của Viện Curie (Pháp) đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học Transgene để phát triển vắc-xin cá thể hóa TG4050, nhắm vào các đột biến ADN đặc trưng của từng bệnh nhân. AI và công nghệ giải trình tự gen giúp xác định 30 đột biến mục tiêu để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Dữ liệu lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy kết quả đầy hứa hẹn: trong số 16 bệnh nhân ung thư vùng tai-mũi-họng được tiêm vắc-xin kèm các phương pháp điều trị truyền thống, không ai tái phát sau 2 năm, so với 20% ở nhóm không tiêm.

Vẫn theo La Croix, các công ty y sinh khác như Moderna (Mỹ) và BioNTech (Đức) cũng đạt được kết quả khả quan với vắc-xin mRNA cho các loại ung thư như hắc tố da và ung thư tụy. Những tiến bộ về công nghệ, hiểu biết hệ miễn dịch và kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này.

Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là tài chính. Do chi phí cao và tính cá nhân hóa phức tạp, ngành công nghiệp dược phẩm ít mặn mà, khiến các nghiên cứu phần lớn phụ thuộc vào tài trợ học thuật, vốn còn hạn chế, đặc biệt là ở Pháp.

La Croix có bài « Nghiên cứu khoa học bị đảo lộn vì Donald Trump ». Bài viết cho thấy chính sách phản khoa học của Donald Trump ảnh hưởng tiêu cực đến nghiên cứu ung thư, cả tại Pháp.

Theo tờ báo, từ khi Donald Trump trở lại cầm quyền vào tháng 1, ngân sách công dành cho nghiên cứu ung thư tại Mỹ đã giảm 31%, gây ảnh hưởng lớn đến các viện nghiên cứu. Nhiều chương trình hợp tác quốc tế, bao gồm tại Pháp, đã bị cắt tài trợ, đặc biệt tại Viện Curie.

Các chương trình nghiên cứu về vắc-xin điều trị ung thư – một hướng đầy hứa hẹn – đang bị đình trệ do lập trường chống vắc-xin của chính quyền Trump.

Ngoài tài chính, mối lo còn đến từ việc các cơ sở dữ liệu y tế toàn cầu đặt tại Mỹ đang bị kiểm soát chặt chẽ. Một số từ khóa liên quan đến « đa dạng », « giới tính », « chủng tộc » đã biến mất, ảnh hưởng đến khả năng phân tích dữ liệu quan trọng cho phòng ngừa và điều trị ung thư.

Trước tình hình đó, các chuyên gia kêu gọi Pháp và châu Âu cần xem xét lại chiến lược chủ quyền khoa học, phát triển các đối tác và cơ sở dữ liệu độc lập để tránh lệ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu và y tế.

Bóng đá : Chung kết Champions League ở Munich – căng thẳng ở Paris

Cuối mục điểm báo hôm nay xin được giành cho thể thao. Trận chung kết Cúp châu Âu Champions League 2025 giữa câu lạc bộ Pháp PSG  và Inter Milan của Ý vào tối 31/05 tại Munich (Đức) đang gây cơ sốt trong người hâm mộ bóng đá Pháp cùng với nỗi lo lắng của chính quyền. Le Figaro có bài « PSG-Inter Milan phương tăng cường an ninh cho ngày cuối tuần đầy nguy hiểm ».

Khoảng 3.000 cảnh sát cơ động, hiến binh, và nhiều đơn vị đặc nhiệm được triển khai, đặc biệt ở Paris và khu vực quanh sân Parc des Princes – nơi sẽ có màn hình truyền trực tiếp trận đấu cho gần 50.000 người hâm mộ.

Tất cả để chuẩn bị cho khả năng ăn mừng : Nếu PSG thắng, một cuộc diễu hành sẽ được tổ chức ngày 1/6 trên đại lộ Champs-Élysées, tiếp theo là lễ hội ở Parc des Princes và buổi tiếp đón tại Điện Elysée.

Chính quyền Pháp đang huy động tối đa lực lượng và lên phương án chi tiết nhằm đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau trận chung kết Champions League có liên quan đến PSG. Mục tiêu là ngăn chặn bạo loạn và tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ. 

No comments:

Post a Comment