Saturday, May 31, 2025

Elon Musk : Ngôi sao vụt tắt trên chính trường Hoa Kỳ
Chi Phương
Đăng ngày: 31/05/2025 - 09:16
RFI

Elon Musk rời khỏi chính phủ Hoa Kỳ; Việt Nam được ve vãn trong bối cảnh chiến tranh thuế quan; Hoa Kỳ ngừng cấp visa cho sinh viên, giấc mơ du học nước Mỹ đổ bể. Trên đây là một số chủ đề chính trong Tạp chí Thế giới đó đây tuần này.

Elon Musk tại phòng Bầu Dục cùng tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Washington, ngày 11/02/2025. © Kevin Lamarque / Reuters

Vào thứ Sáu 30/05/2025, tại Phòng Bầu Dục, tổng thống Donald Trump cùng Elon Musk có buổi họp báo, khép lại nhiệm kỳ hơn 130 ngày của Elon Musk tại bộ Hiệu Quả Chính Phủ Mỹ (DOGE).

Trên mạng xã hội X, tổng thống Trump khẳng định "đó là ngày cuối cùng của Elon Musk, nhưng không hẳn là vậy, ông ấy sẽ vẫn sát cánh cùng chúng tôi, đi đến cuối con đường. Elon là một người tuyệt vời”.

Hôm thứ Tư 28/05, trên mạng xã hội mà tỷ phú gốc Nam Phi mua lại, Elon Musk viết: “Nhiệm kỳ của tôi với tư cách là một nhân viên chính phủ đặc biệt sắp kết thúc, tôi muốn cảm ơn tổng thống Donald Trump đã cho tôi cơ hội cắt giảm các chi tiêu không cần thiết”.

Quyết định rời chính phủ được đưa ra một ngày sau khi ông chủ Tesla lần đầu tiên chỉ trích Donald Trump về dự luật chi tiêu “quá đà”, khiến ngân sách thâm hụt hơn nữa, và ảnh hưởng đến nhiệm vụ của bộ Hiệu Quả Chính Phủ do ông đứng đầu.

Kể từ khi Donald Trump tái đắc cử, Elon Musk được coi là một trong những người quyền lực nhất Hoa Kỳ, được Trump ca ngợi là “ngôi sao”, là bậc “thiên tài”. Trong vòng 4 tháng dấn thân vào chính trị, cơ quan do Musk đứng đầu với nhiệm vụ cắt giảm 2 ngàn tỷ chi tiêu công, và hiện được cho là đã giảm được 170 tỷ (con số này khó kiểm chứng).

Các hành động của DOGE đã bị chỉ trích không ít vì các biện pháp “tàn nhẫn”, sa thải hàng loạt công chức, đôi khi đuổi việc nhầm các nhân viên giữ vị trí quan trọng, xóa bỏ nhiều viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ. Elon Musk cũng gây tranh cãi bởi quan điểm chính trị cực hữu, thậm chí bị cáo buộc là can thiệp vào các cuộc bầu cử ở châu Âu, ủng hộ cánh hữu lên ngôi, cụ thể là ở Đức.

Từ cuối tháng Tư, theo AFP, Elon Musk đã thông báo muốn “rút lui khỏi chính trường”, để chú tâm vào các doanh nghiệp của ông, đặc biệt là Tesla. Ảnh hưởng của Elon Musk gia tăng trên chính trường, đối nghịch với sự sa sút của Tesla. Riêng tại thị trường châu Âu, doanh số bán xe ô tô điện vào tháng Tư đã giảm đi một nửa.

Cả thành phố chống Tesla

Tại Úc, lập trường chính trị của Elon Musk cũng ảnh hưởng đến Tesla. Ở Marion, miền nam nước Úc, gần như cả thành phố phản đối dự án xây nhà máy tái chế bình điện của Tesla. Trong một cuộc tham vấn về việc bán đất công cho tập đoàn của Musk, 95 % dân của thành phố đã phản đối, không phải vì dự án, mà là phản đối Musk, với các lập trường cực hữu. Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse tường trình :

"Dự án này có thể tạo ra hàng trăm việc làm và bơm vào nền kinh tế địa phương hàng chục triệu đô la. Tuy nhiên, tại Marion City, gần như toàn bộ dân cư phản đối việc xây dựng nhà máy của Tesla ở đây, lý do chủ yếu không phải là dự án của Tesla, mà là do ông chủ Elon Musk với lập trường chính trị ngày càng phát xít.

Gần 1000 người đã trả lời trong khuôn khổ cuộc điều tra lấy ý kiến người dân. Đối với nghị viên của hội đồng thành phố, Sarah Luscombe, những người này coi đây là cơ hội để bày tỏ sự bất đồng với các phát biểu của người đàn ông giàu nhất thế giới. Bà nói : “Người dân muốn đưa ra ý kiến về các vấn đề của thế giới và theo tôi, trong cuộc tham vấn này, họ thấy có cơ hội để nói rằng thành phố Marion không có chỗ cho một nhà máy của Elon Musk”.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn cản hội đồng thành phố thông qua việc chuyển nhượng đất cho tập đoàn Tesla. Thị trưởng của Marion nhấn mạnh đến các lợi ích kinh tế cho thành phố từ dự án này. Tuy nhiên, quyết định của thị trưởng vẫn cần được chính phủ bang Nam Úc thông qua.

Cách nay gần một tháng, những người thuộc đảng Lao Động đã thắng lớn, tái đắc cử tại cuộc bầu cử liên bang, đặc biệt là vì đã phản đối các chính sách của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump."

Hoa Kỳ ngừng cấp visa cho sinh viên quốc tế, giấc mơ du học Mỹ đổ bể

Vẫn về thời sự Hoa Kỳ, ngoại trưởng Marco Rubio đã chỉ thị cho các sứ quán và lãnh sự Mỹ ở nước ngoài tạm thời đóng lịch hẹn xin visa của các sinh viên, trong lúc chờ triển khai công cụ rà soát mạng xã hội của người nộp đơn. Mặc dù hôm 29/05, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã trấn an, cho rằng quyết định này chỉ là tạm thời, nhưng cũng đã khiến các sinh viên quốc tế muốn sang du học tại Mỹ một phen điêu đứng, đặc biệt là đối với các sinh viên Ấn Độ, chiếm gần 30 % lượng du học sinh tại Mỹ trong năm học 2023-2024 (330 000 người).

Từ New Delhi, thông tín viên Léa Aujal tường trình :

"Priya là một sinh viên ngành luật. Các kế hoạch của cô đã đổ bể khi Hoa Kỳ đưa ra thông báo này. Đối với cô, đây là một dấu hiệu tồi tệ, gửi đến tất cả những ai muốn xây dựng tương lai tại Hoa Kỳ. Cô nói : "Điều này thực sự khiến các sinh viên Ấn Độ nản lòng, và cũng khiến mọi người rất lo lắng, liệu có được trường nhận học không, có gia hạn được visa hay không. Quyết định này rất bất thường, nhưng không ngạc nhiên nếu xét đến chính phủ hiện tại của Hoa Kỳ và các chính sách mới được triển khai gần đây. Nhưng chúng tôi vẫn nuôi hy vọng. Về phần mình, tôi muốn du học Mỹ năm nay, để học master tại trường đại học Pennsylvanie. 

Nila, sinh viên ngành văn học tại New Delhi cũng có cùng nỗi thất vọng : "Với quyết định này, Hoa Kỳ đơn giản là đóng lại các triển vọng, cơ hội cho sinh viên Ấn Độ, những người muốn ra nước ngoài để học tập. Các sinh viên phải được quyền làm điều họ muốn mà không bị ngăn cản. Ra nước ngoài học cao lên, học hỏi những gì mà họ muốn. Chúng tôi phản đối quyết định này."

Từ năm 2024, theo dữ liệu của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, chính quyền Donald Trump đã trục xuất 682 người mang quốc tịch Ấn Độ". 

Mỹ cũng là một điểm đến thu hút nhiều sinh viên Việt Nam, và hiện là thời điểm các sinh viên chuẩn bị làm thủ tục xin thị thực để du học tại Mỹ. Trong cuộc họp báo hôm 29/05, người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Việt Nam, Phạm Thu Hằng, khẳng định rằng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ đang làm việc với Mỹ để tìm hiểu thông tin. Bà Hằng nói thêm : "Chúng tôi mong muốn việc phỏng vấn và xin thị thực du học đối với học sinh, sinh viên Việt Nam được tiến hành thuận lợi, để giáo dục tiếp tục là một lĩnh vực hợp tác trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước".

Theo Viện giáo dục Quốc tế, Việt Nam là nguồn sinh viên lớn nhất từ các nước ASEAN tại Hoa Kỳ, lên đến 31.000 trong năm học 2023-2024, gồm tất cả các cấp bậc.

Sắc lệnh kinh tế của Donald Trump bị chặn là điều đã được lường trước

Về cuộc chiến thuế quan do tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khởi xướng, hôm thứ Tư vừa qua, một tòa án Hoa Kỳ đã chặn các mức thuế đối ứng mà tổng thống Trump ban hành, được áp dụng từ đầu tháng Tư đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Đây được coi là một thách thức đối với chính sách kinh tế của tổng thống Mỹ. Theo các thẩm phán, sắc lệnh mà ông Trump ban hành khi trở lại Nhà Trắng vượt quá quyền hạn của tổng thống, trong khi bất cứ quyết định nào về thương mại, đều thuộc thẩm quyền của Quốc Hội. Chính quyền Trump ngay lập tức đã kháng cáo và viện dẫn một đạo luật cho phép tổng thống được quyết định trong trường hợp khẩn cấp về kinh tế.

Theo nhà kinh tế Vincent Vicard, "thực sự không có lý do gì để nói về tình trạng khẩn cấp về kinh tế liên quan đến cán cân thương mại của Mỹ".

Trả lời RFI Pháp ngữ, ông giải thích : "Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên vì thông thường tại Hoa Kỳ, theo Hiến Pháp, quyền quyết định về chính sách kinh tế thuộc về Quốc Hội. Tổng thống Hoa Kỳ có thể sử dụng các công cụ chính sách thương mại nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp hoặc liên quan đến an ninh quốc gia/

Tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại của nền kinh tế Hoa Kỳ, không phải là điều mới mẻ, và cũng không phải là điều gây nguy hiểm cho nền kinh tế Hoa Kỳ về ngắn hạn.

Hoa Kỳ có thể gặp phải các vấn đề như phi công nghiệp hóa, nợ nước ngoài, nhưng không tạo ra tình trạng khủng hoảng. Đối với Hoa Kỳ, khi tổng thống đưa ra các sắc lệnh về các vấn đề thương mại, thì không có gì bất ngờ khi vấp phải các biện pháp pháp lý chống lại ông. Điều này đã được dự đoán. Hiện tại, có một phán quyết chống lại các quyết định của tổng thống Trump, nhưng còn nhiều điều sẽ diễn ra, và ông Trump đã kháng cáo. Chúng ta phải đợi xem tình hình sẽ diễn biến ra sao". 

Việt Nam được quốc tế "ve vãn"

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung do tổng thống Donald Trump khởi xướng, Việt Nam nổi lên như một điểm đến được nhiều cường quốc quốc tế “ve vãn”. Với vị trí địa lý chiến lược, môi trường chính trị ổn định và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam được xem là giải pháp thay thế tiềm năng cho vai trò "công xưởng thế giới" của Trung Quốc trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chỉ trong vòng hai tháng gần đây, Hà Nội đã liên tiếp đón tiếp nhiều nguyên thủ của các nước lớn, cho thấy vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên bàn cờ quốc tế.

Gần đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 27/05. Hai bên đã thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục đến quốc phòng và chuyển đổi năng lượng. Chuyến thăm được xem như một phần trong chiến lược mở rộng hiện diện của Pháp tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm của Việt Nam trong khu vực.

Trước đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đến thăm Việt Nam và được tiếp đón long trọng với 21 phát đại bác. Chuyến thăm mang thông điệp rõ ràng về việc củng cố quan hệ kinh tế song phương, duy trì ổn định trong bối cảnh các chính sách bảo hộ thương mại từ Washington tiếp tục gây sóng gió trên thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, trong tháng Tư, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez có chuyến thăm chính thức tới Hà Nội, chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ nước này kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Sanchez khẳng định mong muốn đóng vai trò “cầu nối Đông - Tây”, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu. 

Thực tế, Việt Nam không nằm ngoài “tầm ngắm” của cuộc chiến thuế quan. Với mức thặng dư thương mại lớn trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Việt Nam từng bị chính quyền Trump đe dọa áp thuế lên đến 46%. Dù sau đó quyết định này bị hoãn, nhưng Washington vẫn nhiều lần cáo buộc Việt Nam là “trạm trung chuyển” cho hàng hóa Trung Quốc, lách các rào cản thuế quan của Mỹ. Phía Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc, đồng thời đề xuất tháo gỡ toàn bộ rào cản thuế giữa hai nước.

Tấn công bằng drone : chiến lược của Putin

Liên quan đến cuộc chiến tại Ukraina, trong tuần vừa qua, hai bên đã đề xuất tiếp tục đàm phán, dự trù vào đầu tuần sau, 02/06. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Sáu, đã đề xuất tổ chức cuộc gặp ba bên giữa tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại nước này. Lãnh đạo ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng vòng đàm phán thứ hai này có thể đạt tiến triển, nhằm đạt lệnh ngừng bắn, tiến tới hòa bình.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc, Rosemary DiCarlo, lại không quá hy vọng vào cuộc đàm phán này, đồng thời lên án các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào Ukraina trong những ngày gần đây, đáng chú ý con số kỷ lục hơn 300 drone trong đêm Chủ Nhật, sáng thứ Hai tuần này. Tướng Jérôme Pelisrandi, tổng biên tập tạp chí Defense, trả lời RFI Pháp ngữ cho rằng cuộc tấn công bẳng drone là chiến lược của ông Putin : "Đối với tổng thống Nga, chiến tranh vẫn tiếp diễn, và không có lý do gì phải nhượng bộ hay giảm các nỗ lực quân sự. Chiến tranh là chiến tranh. Đó là cuộc chiến mà Vladimir Putin muốn thắng bằng mọi giá. Điều mà ông ấy muốn là Ukraina phải đầu hàng, và điều này theo tôi là thảm kịch mà người dân Ukraina đang phải chịu đựng ngày nay".

No comments:

Post a Comment