Việc làm luật cần mang tinh thần duy lý thực dụngNgô Ngọc Trai
31-5-2025
Tiengdan
Năm 2021 tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội, dù không thành công nhưng như mọi người có thể thấy là những năm qua bản thân mình vẫn luôn tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho xây dựng pháp luật.
Liên quan tới nội dung thảo luận về án tử hình hiện nay, điều mà mình có thể nhắn nhủ tới các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia pháp lý hay những người trên cộng đồng mạng xã hội, khi thảo luận về vấn đề này thì nên mang theo tinh thần duy lý và thực dụng.
Duy lý ở đây là sự hợp lý phù hợp với hiểu biết nhận thức thông thường, duy lý cũng là muốn nói đến tính có căn cứ bằng chứng cho những lập luận quan điểm. Còn sự thực dụng là hướng tới những lợi ích đem lại, ví như kết quả là sự tăng trưởng kinh tế hoặc là sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho những ngành nghề lĩnh vực cụ thể. Sự thực dụng trái ngược với những điều chỉ đem đến thoả mãn về mặt cảm xúc nhưng lại ít đem đến lợi ích kinh tế xã hội.
Nếu việc thảo luận xây dựng pháp luật được dựa trên tinh thần duy lý và thực dụng sẽ giảm tránh được những quan điểm kiểu như “việc sản xuất thuốc giả hay thực phẩm chức năng giả không khác gì giết người hàng loạt” hoặc kiểu như quan điểm “nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào”.
Nếu việc làm luật được dẫn dắt bởi những thành kiến cá nhân hoặc những nỗi lo lắng sợ hãi, khi đó pháp luật sẽ đặt nặng trên cơ sở trừng phạt thay vì sửa chữa phục hồi, sẽ tạo ra một môi trường pháp lý kinh tế xã hội mà có lẽ chính những người thúc đẩy cũng không hề mong muốn.
Đối với các hành vi tham ô, nhận hối lộ, nhiều người cho rằng cần duy trì hình phạt tử hình đối với tội danh này. Mình thấy rằng trừng phạt vi phạm chỉ là một công đoạn của tiến trình đời sống pháp luật, trong đó bao gồm các công đoạn như nghiên cứu ban hành ra khung khổ pháp luật, quá trình thực thi pháp luật, hoạt động giám sát thực thi. Xử lý vi phạm chỉ là một công đoạn trên tiến trình đó của đời sống pháp luật.
Nếu nhìn nhận đời sống pháp luật như thế thì sẽ thấy để khắc phục tình trạng tham ô, hối lộ cần chú trọng ở khâu thiết lập ban hành thể chế chính sách và giám sát quá trình thực hiện. Ví dụ như những quy định về đấu thầu, mua sắm tài sản công, phê duyệt cấp giấy phép v.v… nếu được thiết lập một cách khoa học đúng đắn và công khai minh bạch, bên cạnh đó nếu khoan dung với những thảo luận về thể chế và giám sát, sẽ giảm tránh đi tình trạng tham nhũng.
Bởi thế cho nên việc duy trì hay lược bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, hối lộ sẽ tuỳ thuộc vào tính duy lý thực dụng của quan điểm.
Là người lâu nay có quan điểm cho rằng nên bãi bỏ hoàn toàn án tử hình và tích cực tham gia thảo luận xây dựng pháp luật, trong quá trình đó mình luôn phát biểu dựa trên tinh thần duy lý và thực dụng. Qua đó, hy vọng những người đọc sẽ được soi sáng khai mở tri thức, trưởng thành về mặt nhận thức, để mọi người có thể tự đưa ra được đánh giá quyết định của mình.
No comments:
Post a Comment