Thursday, May 29, 2025

Phạm Công Luận – Thơ cà phê
jeudi 29 mai 2025
Thuymy


Giống như rất nhiều người trên trái đất này, tôi thích uống cà phê mỗi ngày. Từ đó, tôi dễ bị cuốn hút vào những bài viết về loại thức uống này. Đa số là bài nghiên cứu hoặc tản văn, nhưng thỉnh thoảng có vài bài thơ nhắc đến ly cà phê, như là cái cớ dẫn dắt cảm xúc của tác giả.

Bài thơ đầu tiên tôi biết trong số đó là bài “Thơ Ba Mén” của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Có lẽ nhiều người biết. Ngòi bút của ông thấm đậm tình quê hương qua các tập sách như “Mưa thu nhớ tằm”, “Những bước lang thang trên hè phố Sài Gòn”… và trong một số truyện ngắn.

Bài “Thơ Ba Mén” của ông dung dị như một lời kể chuyện nhưng dựng lại cả một trời dĩ vãng của đất Sài Gòn - Gia Định của những năm 1950-60.

Nhân vật trong thơ là những ai đó mà sao rất gần gũi, giống như ba tôi, dượng Hai taxi, dượng Mười nấu bếp… sống trong xóm. Cùng hoàn cảnh xa quê, kiếm sống mỗi ngày ở các công sở, trên chiếc xe chở khách, trong gian bếp chật chội của một nhà hàng. Có lúc, trên đường về nhà họ tấp vào một quán cà phê vỉa hè hay sát bên chợ nhỏ, nhìn mưa rơi ngoài hiên quán và bắt gặp những người đồng tâm trạng với mình :

Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,

Quán bên hè, uống tách cà-phê.

Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,

Rưng rưng nước mắt : tư bề người dưng.

Bến Ông Lãnh màn mưa bao phủ,

Ghe thương hồ ủ rũ dưới kia.

Ghe ơi, vài bữa ghe về,

Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không ?

Mùi đất nước ruộng bùn phảng phất,

Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu.

Năm năm, bao cuộc bể dâu ?

Phút giây in lại như hầu hôm qua.

Bàn bên cạnh, một ông bới tóc,

Liếc sang nhìn đang khóc trộm thầm.

Đoán mình là kẻ đồng tâm,

Lân la nói chuyện. Mưa dầm cứ rơi.

Cà-phê nóng lên hơi nghi ngút,

Lò than hồng lách tách nổ ran.

Nghe người kể chuyện xóm làng,

Cõi lòng ấm dịu, bàng hoàng bâng khuâng.

Viết lại đây mẩu đời luân lạc,

Thương những người chìm nổi, đầy vơi.

Thơ quê khôn tả hết lời,

Để ghi dấu vết một thời chiến tranh.

Khi gửi bài thơ này cho vài người quen ở tuổi bảy mươi, tám mươi…, họ bảo đó chính là cuộc sống mà họ từng biết thuở thiếu thời. Khi Sài Gòn không quá phồn hoa, người lao động nghèo lăn lộn kiếm sống ở các chợ, bến sông, ở trong những hẻm lầy lội khi mùa mưa đến. Khi đọc thơ, ký ức về những năm thập niên 1960 bừng bừng sống dậy và họ nhận ra quán cà phê chính là phần quan trọng tạo nên linh hồn của thành phố này.

Một bài khác, được viết khi tác giả đang sống phía bên kia trái đất ngồi nhớ lại từng cái ghế gỗ vuông thấp, cái bàn đóng bằng gỗ tạp ở quán cà phê quen một thời. Ông nhắn nhủ “đừng gửi cho ta” như không muốn nhìn lại bóng hình dĩ vãng ở quê nhà nhưng thật sự ông đang nhớ rất rõ về nó. Ông cảm giác nó đã mất dù vẫn còn đó, sự mất mát ở đây chính là sự hiện hữu của chính mình ở cái quán cà phê dưới bóng cây cạnh mặt bàn loang lổ.

Cà phê nay có còn đậm như ngày xưa ?

Ngày xưa…

Chiếc ảnh treo trên tường ố màu

tróc gỗ – chiếc trung hồ cầm

chắn đôi vú cô nhạc sĩ

xanh xao

Đừng gửi cho ta nữa

những cành cây khô rụng đầy

mặt bàn loang lổ,

những lá me li ti

mướt một màu xanh non rải trên bình trà

nguội tháng năm

Cũng đừng gửi cho ta nữa

những mái nhà xô đẩy bên kia đường

mặt tôn sáng loáng màu cơ cực

từ cửa sổ nhỏ cánh tay trần

đưa cao những đường gương lược tối tăm

Đừng gửi cho ta những câu chuyện trời trăng

ai nấy quen nói một mình – những đoản khúc mất đầu mất đuôi

mà vẫn trải dài mấy mùa lửa đạn

Hãy để yên ta với khúc bi thương

viết cho những quán cà phê lộ thiên

đã mất

(trích một số đoạn trong bài Khúc bi thương cho những quán cà phê lộ thiên - Hoàng Ngọc Biên đăng trên tienve.org)

Có lần tôi đọc được một bài thơ viết bằng tiếng Anh của tác giả người Indonesia tên là Mahendro Bhirowo. Tựa bài là “Triết lý cà phê của bạn ?” Tạm dịch như sau :

Cuộc sống phải chân thành như đường trong tách cà phê.

Khi cà phê không đủ ngọt

Người ta sẽ nói “thiếu đường”.

Nhưng sau đó khi hương vị được trông đợi hoàn toàn phù hợp,

Mọi người sẽ nói : "Cà phê ngon quá".

Đường có được ghi nhớ hay không, không quan trọng.

Miễn là nó đã thấm hết vị đắng của cà phê,

Đối với nó vậy là đủ rồi.

Mọi thứ có hương vị đều có cuộc sống

Bởi vì Thượng đế luôn có cách rất hay để làm cho tôi tớ Ngài luôn mỉm cười, dù họ đang rơi nước mắt.

Chẳng phải cà phê sẽ có vị đắng nếu không gặp và tan chảy với vị ngọt của đường sao ?

Và với đường cũng vậy.

Vị ngọt có nguồn gốc từ đường sẽ nhạt nhẽo và khó nhớ hơn,

Nếu chưa gặp và hòa lẫn với vị đắng của cà phê.

Sự hòa hợp của hai hương vị trong mạch sống, giống như bạn và tôi

Mà trong tách cà phê này chúng ta học được.

Bài thơ dung dị và sâu thẳm, từ câu chuyện cà phê và vị ngọt của đường thêm vào tác giả dẫn dắt đến suy nghĩ về con người trong mối liên quan với nhau. Cho dù hiện nay số người uống cà phê không đường ngày càng tăng, ký ức về cà phê vẫn gắn bó với vài muỗng, vài viên đường pha vào thức uống này. Sữa và bơ, trứng và muối… đã gắn bó với cà phê qua thời gian nhưng chưa thay được vị trí của đường trong hành trình đến với nhân loại của cà phê.

Góc nhìn này của nhà thơ thật lý thú. Chúng ta dễ bị thu hút bởi những điều nổi bật giữ vai trò chính mà quên đi những gì làm cho điều đó nổi bật và có ý nghĩa.

Hình như bài thơ nào viết về cà phê cũng chân thành và rõ rệt để cảm nhận như vị đường trong tách cà phê. Thức uống ấy thấm nhuần từ lâu trong chúng ta, không cần phải giả tạo khi muốn viết điều gì đó về nó.

PHẠM CÔNG LUẬN 28.05.2025

No comments:

Post a Comment