Friday, May 30, 2025

Vì sao chưa có luật về đảng?
Thúc Kháng
29/05/2025
Posted on 30/05/2025 by Boxit VN
Boxitvn

Tại sao Việt Nam có luật cho mọi tổ chức trừ Đảng Cộng sản? Bài viết phân tích nguyên nhân sâu xa và các đề xuất từng bị bỏ qua.

Nguồn ảnh: TTXVN, Media Quốc hội. Đồ hoạ: Thiên Tân / Luật Khoa.

Ở Việt Nam, chúng ta có đủ thứ luật.

Có luật về quốc hội, luật về chính phủ, luật về chính quyền địa phương; Có luật về tòa án, về viện kiểm sát, về Mặt trận tổ quốc, về doanh nghiệp, về tổ chức xã hội… Nói chung, hầu hết các tổ chức đều có luật để quy định hoạt động. 

Nhưng có một tổ chức lãnh đạo tất cả thì lại không chịu sự điều chỉnh của bất kỳ luật nào. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại sao lại như vậy? 

Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. 

Đảng là nơi quyết định ai làm bộ trưởng, ai vào quốc hội, ai ngồi ghế chánh án. Đảng định hướng chính sách, ra nghị quyết, ra chỉ thị. Nói nôm na, đảng “cầm trịch” toàn bộ hệ thống chính trị. 

Thế nhưng, chẳng có luật nào quy định đảng phải đăng ký như thế nào, có quyền và nghĩa vụ gì, giới hạn ra sao, chịu trách nhiệm thế nào nếu làm sai. Trong khi mọi tổ chức khác – từ doanh nghiệp tới các tổ chức xã hội – đều có luật ràng buộc thì đảng lại đứng ngoài mọi ràng buộc. 

Không phải chưa từng có ai đề xuất

Thật ra, chuyện này đã từng được mang ra bàn. 

Trong nghiên cứu mang tên Constitutionalizing Single Party Leadership in Vietnam: Dilemmas of Reform(2016), Tiến sĩ Khoa học Chính trị Bùi Hải Thiêm, đã chỉ ra rằng đã từng có rất nhiều người đề xuất việc phải đặt đảng vào khuôn khổ pháp luật [1].

Một điều thú vị là những người đề xuất đều là những người có chức vụ trong chính quyền.

Trước Đại hội Đảng lần thứ 11, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với báo VietNamNet, ông bày tỏ sự bất mãn với những giới hạn hiến định hiện tại đối với quyền lực của Đảng Cộng sản VN và kêu gọi ban hành một đạo luật về đảng để giải quyết các “vấn đề mang tính hệ thống”.

Một cựu quan chức khác là ông Hoàng Thái, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhận xét trong một cuộc họp của Mặt trận vào tháng 2/2013 rằng: “Có luật về Nhà nước, về Quốc hội, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng không có luật về đảng. Phải có luật về đảng để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tránh sự tùy tiện”. 

Bên cạnh đó còn nhiều quan chức khác cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm này. Những đề xuất như vậy từng rộ lên vào thời điểm sửa Hiến pháp năm 2013 nhưng rồi mọi chuyện cũng chìm xuồng [2].

Có luật thì phải có giới hạn

Nếu có một luật về đảng tồn tại thì nó sẽ quy định rõ các nội dung như: quy trình đăng ký thành lập và giải thể đảng phái chính trị; quy định về tài chính của đảng phái chính trị; chế độ báo cáo thuế và hoạt động; cơ chế giám sát hoạt động; cũng như các chế tài áp dụng trong trường hợp đảng phái vi phạm pháp luật, v.v. 

Một khi có luật, tức là có giới hạn. Còn không có luật, thì không ai biết ranh giới của đảng nằm ở đâu. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy gần như mọi văn bản luật đối với doanh nghiệp, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo đều có một danh sách những hành vi bị cấm. Đây là thực hành tốt trong  việc soạn thảo luật, đúng theo hướng luật đặt ra điều cấm, những gì không cấm thì được làm. Một đạo luật về đảng phái chính trị cũng cần một danh sách những điều cấm như vậy.

Đây là điều mà tiến sĩ Bùi Hải Thiêm chỉ ra trong nghiên cứu của ông: Khoảng trống về vai trò và nhiệm vụ cụ thể của Đảng Cộng sản Việt Nam là nguyên nhân làm dấy lên nhiều câu hỏi về quyền và trách nhiệm mà đảng phải chịu trước nhân dân và trước pháp luật.

Quay lại với câu hỏi chính của bài viết này: Vì sao chưa có luật về đảng và có thể sẽ chẳng bao giờ có?

Câu hỏi này không khó trả lời. Đơn giản vì có luật thì sẽ có ràng buộc. Mà chẳng có ai lại muốn tự buộc tay mình.

Luật sinh ra để giới hạn quyền lực, buộc người có quyền phải minh bạch và chịu trách nhiệm. Nếu có luật về đảng, thì đảng sẽ phải minh bạch rất nhiều chuyện và phải chịu sự giám sát từ nhiều hướng.

Tất cả những điều đó tưởng như bình thường, nhưng lại có thể làm lung lay nền móng của cơ chế chính trị hiện tại. 

Đó là lý do tại sao dù có nhiều người từng đề xuất chuyện ban hành luật về đảng, nhưng mọi thứ vẫn luôn rơi vào im lặng.

Nếu nhìn ở góc độ rộng hơn, thì chuyện này hoàn toàn nằm trong mô hình của một hệ thống chính trị mang tính toàn trị mà Tiến sĩ Juan Linz chỉ ra trong bài viết Totalitarian and Authoritarian Regimes của mình [3].Ba trong số sáu điều đó là:

– Một ý thức hệ duy nhất (ở Việt Nam là Mác-Lênin).

– Một đảng chính trị duy nhất cầm quyền (Đảng Cộng sản Việt Nam).

– Sự kiểm soát toàn diện.

Trong hệ thống như vậy, việc ban hành luật để hạn chế quyền lực của đảng cầm quyền không chỉ là điều không mong muốn mà còn là điều gần như không thể xảy ra.

Nói cách khác: việc không có luật về đảng không phải là thiếu sót, mà là một sự lựa chọn có chủ đích.

Và chừng nào Đảng Cộng sản Việt Nam còn giữ thế độc tôn trong hệ thống chính trị, thì chừng đó một đạo luật đặt ra giới hạn cho đảng vẫn sẽ là điều khó có thể xảy ra.

—–

Chú thích

1.  BUI, T. H. (2016). Constitutionalizing Single Party Leadership in Vietnam: Dilemmas of Reform. Asian Journal of Comparative Law11(2), 219–234. https://doi.org/10.1017/asjcl.2016.22

2.  Bảo Khánh. (2025, May 7). Nhìn lại đợt góp ý sôi nổi cho Hiến pháp 2013. Luật Khoa Tạp Chí. https://luatkhoa.com/2025/05/nhin-lai-dot-gop-y-soi-noi-cho-hien-phap-1992/3.  

3. Linz, J. J. (n.d.). Totalitarian and authoritarian regimes (pp. 1–40). Masaryk University.https://is.muni.cz/el/1423/podzim2016/POL501/um/Linz_-_Totalitarian_and_Authoritarian_Regimes_-_1-40.pdf

T.K.

Nguồn: Luatkhoa.com

This entry was posted in Luật pháp cộng sảnThúc Kháng. Bookmark the permalink.

No comments:

Post a Comment