VNTB – Con đường miễn viện phí: xa như con đường xã hội chủ nghĩa
Cảnh Chân
11.04.2025 3:18
VNThoibao

Tô Lâm vừa có thêm một phát biểu đáng chú ý về y tế khi hứa rằng sẽ chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân. Nghe tin được miễn viện phí thì chắc chắn người dân rất vui mừng, vì trước nay cứ nghĩ tới bệnh viện là dân lại lo lắng, có người tán gia bại sản để điều trị. Tuy nhiên, ông Tô Lâm chỉ nói “tiến tới miễn viện phí”, chứ chưa biết khi nào mới miễn thật sự. (1)
Coi lại những lời hứa của các quan chức Bộ Y tế trước nay thì có lẽ con đường miễn viện phí này sẽ rất gian truân. Ví dụ, cuối năm 2020, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn làm lãnh đạo Bộ Y tế, ông này cũng từng hứa rằng “tới đây, mỗi người dân sẽ có 1 ‘bác sĩ riêng’ để chăm sóc sức khoẻ. Mục tiêu cao nhất của chuyển đổi số trong y tế là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân”. (2)
Tới cuối năm 2022, lời hứa chưa thành mà ông Đam đã phải nộp đơn từ chức. Rồi cũng chẳng biết khi nào mỗi người dân Việt Nam mới có một bác sĩ riêng.
Trước ông Đam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng từng có cam kết cụ thể về thời gian chấm dứt tình trạng nằm ghép trong bệnh viện, khi bà này mới nhận chức Bộ trưởng Bộ Y tế hồi năm 2011. (3)
Năm 2019 bà Tiến kết thúc 2 nhiệm kỳ, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường. Thậm chí tới cuối năm ngoái, Bộ Y tế lại ban hành Thông tư 39/2024/TT-BYT, trong đó có quy định về việc nằm ghép 2-3 người/giường.
Cụ thể, tại Điều 4c, Thông tư 39 quy định về cách xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính theo tiêu chuẩn 1 người/giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thanh toán 1/3 mức giá ngày giường bệnh tương ứng. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức bằng 50% mức giá. (4)
Thông tư 39 của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tức là tới bây giờ vẫn còn tình trạng 3 bệnh nhân nằm chung 1 giường. Giường bệnh còn không đủ, nằm chung chật chội mà vẫn phải trả tiền, thì thử hỏi khi nào mới có chuyện miễn viện phí?
Bởi vậy lời hứa miễn viện phí của Tô Lâm cũng giống như lời hứa về thiên đường xã hội chủ nghĩa của cộng sản vẽ cho người dân. Suốt hơn 100 năm chủ nghĩa cộng sản tồn tại trên thế giới, từ thời Liên Xô tới nay, có nước nào xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công đâu.
Mà giả sử là có miễn viện phí, thì các loại phí khác sẽ như thế nào? Chất lượng dịch vụ y tế sẽ ra sao? Giá thuốc bao nhiêu?
Lấy chuyện miễn học phí gần đây để so với chuyện miễn viện phí. Sau khi học phí trường công được miễn, thì các trường lại tăng thêm phí điện, nước, bán trú, tiền quỹ, tiền vệ sinh, quỹ lớp, cơ sở vật chất, bảo dưỡng điều hoà, các khoản “tự nguyện bắt buộc” khác. Chưa kể các khoản thu hộ gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể… Rồi tiền đồng phục, sách vở, tiền tham quan, ngoại khoá… Vẫn là đủ thứ tiền phải đóng, nhưng chất lượng giáo dục thì không hề tăng, mà càng ngày càng tệ hơn.
Nhìn “tấm gương” miễn học phí mới thấy chuyện miễn viện phí cũng nhiêu khê lắm. Có chăng là miễn viện phí bệnh viện công, nhưng lại thu thêm các phí khác, tăng tiền thuốc, giảm chất lượng dịch vụ… Buộc người bệnh phải “chạy” qua các bệnh viện tư để chữa trị.
Chưa kể một tiêu cực có thể xảy ra nữa là các quan chức có thể đầu tư cổ phần vào bệnh viện tư, thì họ càng bỏ rơi các bệnh viện công, chất lượng dịch vụ công chắc chắn sẽ càng giảm đi. Người giàu thì có thể chấp nhận giá cao để được dịch vụ tốt. Còn người nghèo thì chịu chết. Mà Việt Nam được bao nhiêu phần trăm dân số ở mức giàu, có thể đủ sức chạy chữa ở các bệnh viện tư?
Thật sự, nền kinh tế Việt Nam hiện nay và thậm chí 10 năm tới vẫn chưa đủ sức để có thể miễn hoàn toàn viện phí. Nếu miễn cái này thì phải tăng cái khác để bù vô. Cho nên nghe lãnh đạo CSVN hứa sẽ miễn phí chuyện gì là lại đáng lo hơn đáng mừng.
___________________
Tham khảo:
(1) https://laodong.vn/thoi-su/tien-toi-mien-vien-phi-cho-tat-ca-nguoi-dan-1488766.ldo
(3) https://vnexpress.net/loi-hua-hai-nhiem-ky-cua-bo-truong-y-te-4015947.html
(4) https://plo.vn/bo-y-te-quy-dinh-gia-giuong-benh-khi-phai-nam-ghep-post821410.html
No comments:
Post a Comment