VNTB – Miền Tây đang… nấu canh khỏi bỏ muốiĐịnh Tường
28.03.2024 5:47
VNThoibao
Hội thảo “Sống chung với hạn mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại trường Đại học Cần Thơ hôm 27-3-2024 xoay quanh việc “thuận thiên”, bàn giải pháp để miền Tây sống chung với hạn – mặn.
Nắng nóng còn kéo dài đến tháng 5
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết đến thời điểm hiện tại, mức độ xâm nhập mặn tại Tiền Giang, Bến Tre cao hơn so với năm 2016. Tại Bến Tre ngày 26-3, độ mặn 1‰ xâm nhập vào Cửa Đại khoảng 69km; sông Hàm Luông 72km… Đặc biệt, độ mặn quan trắc được tại trạm Mỹ Tho ngày 12-3 là 6,8‰, cao hơn nhiều so với năm 2016 (3,9‰); các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà mau… mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm; mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang đã xấp xỉ so với năm 2016 – một trong những năm hạn, mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long. Riêng tại tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn ở mức xấp xỉ ranh mặn sâu nhất năm 2016, xâm nhập mặn trên sông Cổ Chiên đã sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016. Và đợt triều cường gần nhất đã đẩy mặn vào khá sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Các kênh rạch một số tỉnh miền Tây đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn còn tiếp tục tại một số tỉnh nam sông Hậu.
Trong lúc đó thì cuối tháng 3 năm 2024, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị kết thúc thu hoạch sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu 2024. “Nắng nóng vẫn gay gắt, lượng nước bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ nay đến cuối tháng 5, miền tây Nam bộ còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao”, ông Lê Ngọc Quyền nhận định.
“Thôi, nấu canh khỏi bỏ muối, mặn quá rồi, không xử lý được nữa…” là một nhận xét dí dỏm của một đại biểu đến từ Cà Mau.
Những kịch bản thiệt hại
Các nhà khoa học tính toán xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản hơn 70.000 tỷ đồng/năm. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn vào các năm 2030, 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt là 72.385 tỷ đồng, 73.530 tỷ đồng và 76.485 tỷ đồng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng nghịch lý là vùng đồng bằng sông Cửu Long là sống trên nước nhưng lại thiếu nước. Điều này là do hạn, mặn và phèn gây ra. Mặn dâng lên nhưng không xác định là bao lâu, độ mặn khác nhau và ngày càng tăng lên, lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi.
Theo tính toán, nhu cầu nước sạch đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần 2,5-2,7 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2040 cần 3-3,2 triệu m3. Ông Tuấn cảnh báo đồng bằng không thể lấy nước ngầm để sử dụng nữa vì sụt lún đất. Do vậy, phải tính toán nguồn nước mặt cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.
PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ phân tích: “Bên cạnh yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người tác động không nhỏ trong vấn đề mặn tác động. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước, đất hiện nay cũng chưa phù hợp dẫn đến tình trạng sụt lún của đồng bằng; cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông cũng dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông, tạo thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Việc chuyển đổi sử dụng đất có những nơi những chỗ chưa phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân đưa nước mặn vào sâu nội đồng”.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung nói rằng mặc dù các cơ quan chức năng đã có những giải pháp áp dụng để kiểm soát như xây dựng các hệ thống kênh rạch dẫn và trữ nước, các công trình ngăn mặn lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như hệ thống thủy lợi quản lộ Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở Bến Tre, cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, tình hình mặn xâm nhập vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.
Không phải chuyện một sớm một chiều
Thông thường, hệ thống sông Mekong sẽ ngập mỗi mùa mưa. Nước ngọt từ thượng nguồn sẽ chảy qua đồng bằng và vào biển. Biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, ước tính chiếm 30-35% nguồn cung cấp nước cho đồng bằng hạ nguồn, sẽ đầy tràn vào mùa mưa, rồi khi mùa khô tới, từ từ tuôn về đồng bằng. Điều này giúp duy trì nước ngọt ở hạ nguồn dù không có mưa.
Hồ Tonle Sap thường sẽ cạn vào khoảng tháng 3 cao điểm mùa khô, dẫn tới nước mặn cao hơn ở hạ nguồn, nhưng thường chỉ trong khoảng một tháng, trước khi lũ lại về. Nhưng những năm vừa qua, hồ Tonle Sap thường không có đủ nước. Thủ phạm chính là các đập thủy điện ở thượng nguồn, vốn kiểm soát lượng nước và phù sa một cách nhân tạo trong mùa mưa, và hoạt động khai thác cát ồ ạt ở hạ nguồn, vốn đào sâu thêm lòng sông và gây sạt lở.
Hiện có 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, hai ở Lào và ít nhất 300 đập nữa ở các chi lưu của sông Mekong. Như vậy với thực tế này biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường, mùa khô đôi khi kéo dài và tình trạng “no dồn đói góp” giữa lụt và hạn khiến tình hình thêm phức tạp. Đây cũng là vòng lẫn quẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra giải pháp cụ thế có tính bền vững ở hội thảo “Sống chung với hạn mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
No comments:
Post a Comment