VNTB – Doanh nghiệp thép Việt lo bị đẩy đến bờ vực phá sản vì thép Trung Quốc
Hàn Lam
26.03.2024 7:41
VNThoibao
Trong bối cảnh đó thì từ thượng tuần tháng 3-2024, Canada khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu có xuất xứ hoặc nhập khẩu đến từ Việt Nam; trong danh sách này còn bao gồm Trung Quốc và Ai Cập.
Thép ngoại ‘chảy’ mạnh vào Việt Nam
Số liệu nhập khẩu mới nhất của VSA cho hay, tính trong cả năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn với trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% về lượng nhưng giảm 12,55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là quốc gia cung cấp nhiều nhất với hơn 62% tổng lượng và hơn 54% về tổng giá trị.
Bước sang năm 2024, lượng nhập khẩu đã tăng mạnh hơn. Cụ thể, ngay từ tháng 1, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,488 triệu tấn thép, tăng 27,25% so với cuối năm 2023 và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước về lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 1,059 triệu USD, tăng 22,3% so với tháng trước và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), Việt Nam đã nhập 1,8 triệu tấn với trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 72% tổng sản lượng, tương ứng 1,4 triệu tấn.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ cung cấp thép chính cho Việt Nam gồm Trung Quốc 67,6%, Nhật Bản 9,12%, tiếp theo là Đài Loan, Hàn Quốc… Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc đạt hơn 5 triệu tấn, còn năm 2023 lên 8,2 triệu tấn.
Theo đại diện Công ty cổ phần Thép Việt, nguyên nhân nhập khẩu tăng cao từ thị trường này là do có giá rẻ hơn các thị trường khác nhờ lợi thế từ thuế. Hiện, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0% (trừ thép cốt bê tông).
Còn Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thời gian qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản thậm chí đóng băng khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu. Trong khi đó, mỗi ngày nước này sản xuất tới vài triệu tấn thép – bằng sản lượng cả tháng của ngành thép Việt Nam, vì thế họ đẩy mạnh xuất khẩu bằng nhiều cách, gây áp lực lên nhiều nước nhập khẩu, không chỉ riêng Việt Nam. Đơn cử, thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1-2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4-2023. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Hàng rào kỹ thuật được bãi bỏ càng giúp thép Trung Quốc vào Việt Nam
Ngoài ra việc hàng rào kỹ thuật với thép nhập khẩu đã được bãi bỏ, càng khiến việc gia tăng nguồn nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tại Việt Nam, trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015, để được thông quan, thép nhập khẩu phải được kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định, sau đó doanh nghiệp phải đem giấy kiểm định qua cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng. Tuy nhiên, ngày 21-9-2017, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 18/2017 bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015. Từ đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm của mình; trình tự, thủ tục xác nhận, kiểm tra chất lượng… cũng được hủy bỏ.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng cần thiết xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu; Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, về sản xuất thép trong nước, tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Thực tế năm 2023, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép sản xuất gần 28 triệu tấn, tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn; trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.
Như vậy, năng lực sản xuất trong nước cơ bản là đáp ứng nhu cầu trong nước. Không những thế, thép Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Việc thép ngoại liên tiếp tràn vào trong nước là vấn đề cần lưu tâm, bởi sẽ “hút” thị phần của doanh nghiệp sản xuất trong nước trong khi các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ tại Việt Nam chưa mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước, đại diện VSA nhận định.
Từ đầu quý I, giá nguyên vật liệu (quặng sắt, than coke, phế, ..) giảm, nhưng các chi phí tài chính và tỷ giá USD tăng khá cao, cộng với nhu cầu tiêu thụ thép thấp khiến các nhà máy thép ở Việt Nam phải điều chỉnh giảm giá bán nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng. Đến đầu tháng 3, với sự cạnh tranh gay gắt thị phần, các nhà máy đã có các thông báo điều chỉnh giảm giá bán để mở rộng hoặc giữ thị phần. VSA cho rằng hiện nay các nhà máy trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp và các chi phí tài chính.
Bên cạnh đó, cạnh tranh về giá cũng là một vấn đề mà các nhà sản xuất lo ngại. Giá thép nhập khẩu vốn đã rẻ nay còn rẻ hơn khi giảm liên tiếp trong vài tháng qua. Giá thép trung bình nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ khoảng 623 USD/tấn – mức đáy ít nhất kể từ tháng 1-2022, là tháng có giá giảm thứ 6 liên tiếp.
Thay lời kết
Tiêu thụ và xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong nước sụt giảm, trong khi lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào, theo các doanh nghiệp là nghịch lý.
Theo thống kê từ VSA, giai đoạn 2016 – 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc.
…
No comments:
Post a Comment