VNTB – “Ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng” là tội danh gì?
Hoài Nguyễn
26.03.2024 7:54
VNThoibao
“Ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật” – đây là mẫu câu thường thấy trong các thông cáo báo chí của Ủy ban kiểm tra trung ương.
Ở thông cáo báo chí mới nhất của Ủy ban kiểm tra trung ương, viết khá chung chung về lý do: “…đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.
Thông cáo báo chí trên không cụ thể vụ việc, nhưng xác lập một tình tiết đắt giá: “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, qua đó cho thấy sự bất lực của chính sách quản trị nhân sự trong đảng ở Ban Tổ chức trung ương đảng. Theo đó, chức năng được quy định cho ban chuyên trách này là: “cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đồng thời, là cơ quan chuyên môn – nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương”.
Nếu tính từ khi bắt đầu nhiệm kỳ khóa đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đến nay đã có các nhân vật sau đây giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức trung ương đảng: Tô Huy Rứa, Phạm Minh Chính và hiện tại là Trương Thị Mai. Ngoài ra kể từ khi Phạm Minh Chính nắm giữ ghế Trưởng Ban Tổ chức trung ương thì cũng đồng thời giữ Trưởng tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương. Hiện tại thì chức vụ này có người đứng đầu là Trương Thị Mai, và phó Trưởng tiểu ban là Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Như vậy về nguyên tắc phân công trách nhiệm thì các đương sự kể trên phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những phận sự chức trách mà mình được giao; đặc biệt là với chính khách đang giữ “hai vai” là Bộ trưởng Công an Tô Lâm – nơi quyết định cho những bắt bớ, “thanh trừng”, và là quan chức cấp phó trong “công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương”.
Lưu ý ở đây một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng cũng là thành viên tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.
Trên hết, Ban Bí thư Trung ương Đảng là cơ quan quyết định cho vấn đề nhân sự và ban hành về mặt văn bản các quyết định về công tác cán bộ. Người đứng đầu Ban Bí thư là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhìn một cách tổng thể thì để xảy ra những vụ việc gọi là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng”, có nghĩa đây là chuỗi hành động kéo dài là điều bất thường đầy khó hiểu trong chính sách quản trị quốc gia của đảng; đặc biệt là Tổng bí thư vẫn thường xuyên tự nhủ phải rất tỉnh táo, tinh tường “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”…
Liệu có phải “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng” đang trở thành là “lỗi hệ thống” trong đảng? Nếu xác lập đó là “lỗi” thì cần phải “sửa lỗi” như thế nào là đều cần bàn luận tường minh, chứ không đơn thuần chỉ là “áp” tội danh hình sự, hoặc là “đồng ý cho thôi chức” như trường hợp mới đây của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Nói một cách khác, cơ chế chính trị của Việt Nam dù là chế độ một đảng cầm quyền cũng rất cần có sự cân bằng quyền lực về một phương diện nào đó…
No comments:
Post a Comment