Wednesday, March 27, 2024

Phát thải từ nhà máy điện than của Việt Nam cao kỷ lục vào đầu năm 2024
Reuters
28/03/2024
VOA


Một công nhân điện lực ở Cần Thơ.


Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam tăng cao chưa từng thấy trong tháng đầu tiên của năm 2024 khi các nhà sản xuất điện của nước này điều chỉnh sản lượng để tránh xảy ra mất điện trở lại như năm ngoái, theo Reuters.

Việt Nam tăng nhập khẩu than gần gấp đôi tính đến thời điểm này năm nay so với cùng kỳ năm 2023 để sản xuất điện khi chính phủ cố gắng trấn an các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rằng nguồn cung cấp điện sẽ không bị gián đoạn vào năm 2024.

Sự gia tăng nhập khẩu than của quốc gia tiêu thụ than lớn thứ 10 thế giới cho thấy lượng khí thải từ đốt than có thể còn tăng cao hơn trong những tháng tới, làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ô nhiễm.

Dữ liệu từ tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho thấy, lượng khí thải từ đốt than trong tháng 1/2024 là 11 triệu tấn CO2 và các loại khí tương đương, đây là con số cao nhất được ghi lại về tháng 1.

Tổng lượng phát thải trong tháng 1/2024 cao hơn gần 70% so với tải lượng phát thải trong cùng tháng 1/2023 và cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình của tháng 1 trong 5 năm qua - cho thấy có sự chuyển hướng rõ ràng khỏi xu hướng sản xuất năng lượng của những năm trước.

Sản lượng điện than là 12,75 terawatt giờ (TWh) trong tháng 1/2024, tăng 68% so với tháng 1/2023 và là tổng sản lượng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Điện than cung cấp 55% tổng lượng điện của cả nước trong tháng 1, tăng từ mức trung bình 46% vào năm 2023 nói chung.

Tổng sản lượng điện từ tất cả các nguồn là 23,35 TWh, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng sản lượng điện than và tổng sản lượng điện đều cao cho thấy các công ty điện lực của Việt Nam rõ ràng cam kết tăng sản lượng, có thể là để đáp lại áp lực từ chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng mất điện như đã diễn ra vào năm 2023 làm ảnh hưởng đến sản lượng tại một số nhà máy và dây chuyền sản xuất lớn.

Hoạt động công nghiệp phục hồi ở nước láng giềng Trung Quốc cũng có khả năng thúc đẩy các nhà sản xuất điện của Việt Nam tăng sản lượng, vì một số ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và có xu hướng tăng đơn hàng bất cứ khi nào nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tăng.

Nếu lượng mưa trong nước tăng lên trong những tháng tới, hoạt động sản xuất thủy điện có thể phục hồi mạnh mẽ và cho phép hạn chế điện than vào cuối năm nay.

Sản lượng cao hơn từ các trang trại năng lượng mặt trời và gió cũng có thể cho phép các nhà cung cấp điện hạn chế sử dụng than, đặc biệt là trong những tháng nắng nhất trong năm khi nhu cầu điều hòa nhiệt độ ở mức cao nhất.

Sản xuất điện gió đã đạt kỷ lục trong tháng 1 khi các trang trại gió mới đi vào hoạt động và sản lượng điện gió sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm khi các cơ sở mới hòa vào lưới điện.

Tuy nhiên, các trang trại năng lượng mặt trời và gió chỉ tạo ra 13,6% tổng điện năng của Việt Nam vào năm 2023 và có thể sẽ gặp khó khăn trong việc nâng tổng sản lượng điện của họ lên cao hơn nhiều trong thời gian tới trong bối cảnh đang có những lo ngại về lợi nhuận của các dự án năng lượng tái tạo mới.

Điều đó có nghĩa là các công ty điện lực sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào than để đáp ứng phần lớn nhu cầu điện của Việt Nam trong tương lai gần và có thể tiếp tục nâng lượng phát thải từ đốt than lên mức cao mới trong vài năm nữa.

Ông Phan Xuân Dũng, nhà nghiên cứu về Việt Nam thuộc viện nghiên cứu ISEAS có trụ sở tại Singapore, nói với Reuters rằng Việt Nam bị hạn chế về khả năng sử dụng năng lượng tái tạo và có các cam kết tránh cắt điện khiến việc nhập khẩu thêm than là điều “bắt buộc”.

Dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu than, chủ yếu từ Australia và Indonesia, đã tăng khoảng 88% tính đến ngày 15/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính chính thức, trong hai tháng đầu năm, sản lượng cũng tăng 3,3% từ các mỏ trong nước, thường đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu của Việt Nam.

Một thương nhân tại Việt Nam cho Reuters biết nhập khẩu than dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong nửa cuối năm nay, khi các nhà sản xuất thép và các ngành sử dụng nhiều năng lượng khác dự kiến sẽ thúc đẩy sản xuất.

Theo nhà điều hành mạng lưới điện Việt Nam, vẫn chưa có thông tin chi tiết về sản lượng điện trong năm nay, nhưng hôm 25/3, các nhà máy điện than chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện.

Tổng cộng lượng nhập khẩu và sản lượng trong nước cho thấy nguồn cung than vượt 8 triệu tấn/tháng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, cao hơn gần 9% so với mức trung bình hàng tháng trong hai năm qua.

Việt Nam, nằm trong số 20 quốc gia sử dụng than nhiều nhất thế giới tính theo khối lượng, muốn cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu này.

Trong khi các kế hoạch thúc đẩy năng lượng tái tạo và khí đốt có nguy cơ bị chậm trễ, chính phủ muốn hoàn thành đường dây truyền tải điện từ miền trung đất nước tới miền bắc công nghiệp hóa vào tháng 6. Đó là nơi xảy ra hiện tượng mất điện do thời tiết nóng vào năm ngoái và hình thái khí hậu El Nino làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng này trong năm nay.

No comments:

Post a Comment