VNTB – Người Sài Gòn mệt mỏi vì kẹt xeBan Mai
28.01.2024 2:53
VNThoibao
Giờ là những ngày gần Tết Giáp Thìn 2024, đường phố ở Sài Gòn đông đúc hơn không chỉ ban đêm mà còn cả ban ngày. Dòng xe chen chúc nhích từng chút một trong không gian ngột ngạt dưới cái nắng gay gắt, thiếu vắng bóng cây xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều người kiệt sức, mệt mỏi.
Ghi nhận vào thời điểm sáng và trưa ngày 26.1 và 27.1 (nhằm 16 – 17 tháng Chạp Âm lịch), tại nhiều tuyến đường ở Sài Gòn: Phan Đăng Lưu, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Phạm Ngọc Thạch, Lê Duẩn, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Nguyễn Oanh, Cao Thắng…, hòa cùng dòng người với đủ loại trang phục, màu sắc đang tranh thủ lưu giữ lại khung cảnh đẹp bằng hình ảnh, người dân tranh thủ đi mua sắm, chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn 2024…, xe ô tô, xe gắn máy và cả xe buýt chen chúc nhau di chuyển.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, thường ngày tình trạng ùn ứ giao thông chỉ xảy ra vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, những ngày cận tết, đường này có thể xảy ra kẹt xe mọi lúc trong ngày.
“Giờ học của mình là ca chiều, tức là vào khoảng 17h45. Trường lại nằm ở khu vực trung tâm. Những ngày bình thường, đi học đã phải chen lấn với vô số các loại xe. Giờ những ngày cận Tết, đường sá còn đông hơn nhiều lần. Sáng đông, trưa đông, chiều thì thôi khỏi nói luôn. Có lúc mình đi học trễ luôn”, sinh viên Nguyễn Trường lắc đầu ngao ngán trước cảnh kẹt xe ở Sài Gòn những ngày này.
Đồng cảnh ngộ với sinh viên Trường, nói về đường phố Sài Gòn những ngày giáp Tết, cựu sinh viên Nhật Minh cho hay: “Sáng mình đi sớm, ra ngồi chờ chuyến đầu tiên của xe buýt. Đến cũng đúng giờ, nhưng cái đoạn từ trung tâm thành phố lên đến làng đại học, ngồi nhìn dòng người chen chúc ngoài kia, mình nóng cả ruột. Bữa đó mình học thể dục, sáng bắt đầu học tới 9h. Đi sớm, kẹt xe, lên tới đó, nếu mình nhớ không lầm là 8h, rồi còn phải lết bộ vô. Học hành gì nữa? Leo lên xe buýt đi về luôn”.
Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao vào các ngày cuối năm âm lịch khiến nhiều tuyến đường ở Sài Gòn có lúc rơi vào cảnh kẹt xe.
“Đông phải nói là kinh hoàng, không tưởng tượng được. Di chuyển phải nói là lắc đầu ngao ngán. Gì đâu mà thấy toàn xe là xe. Xe hơi thì lấn cả sang làn của xe máy. Rồi đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường rộng vậy đó, 5 – 6 làn đường vậy đó, vậy mà xe tải, xe container này nọ đồ, lấn hết đường của xe máy. Xe máy có chạy được đâu, buộc phải lách. Mà lách ra thì nguy hiểm, phải chấp nhận leo lề, chạy trên hệ thống cống, vừa nguy hiểm vừa khó chịu. Khi đụng chuyện thì đổ thừa do xe máy nên kẹt xe. Ra ngoài quan sát đi, coi có đúng 100% như vậy không?”, bà Út, một cư dân ở tỉnh Bình Dương có việc xuống Sài Gòn chia sẻ.
“Đi làm, đi chụp hình check-in, đi mua sắm, có người “đi cúng” theo nghĩa bóng nữa, nên đường phố đông đúc hơn. Chạy xe cũng thật sự khó khăn. Không khí đang ô nhiễm, nắng nóng còn gặp kẹt xe. Mà nếu như bạn không có việc gì, còn kiên nhẫn, vui vẻ lách hay chờ được. Với người bệnh thì thôi… hiểu luôn. Nuôi có khi không mệt, không áp lực bằng chạy ngoài đường.”, đang nuôi người bệnh trong bệnh viện, một người dân ở Sài Gòn nói trong sự mệt mỏi.
Để nhanh hơn trong di chuyển, bên cạnh lên lề để chạy, nhiều phương tiện cũng chọn biện pháp đi ngược chiều.
“Mình biết họ làm vậy là để tiện cho họ. Có khi do kẹt xe từ hai bên cứng ngắc nên họ cũng không thể qua đường được. Nhưng điều này theo quan sát của mình thấy, nó càng thêm kẹt mà thôi. Có đi ngược chiều hay đi đúng chiều thì diện tích của đường cũng thêm 1 cái xe, rồi cũng cứng ngắc”, sinh viên Nguyễn Trường nói tiếp.
“Thôi thì đành chờ tới những ngày Tết. Khi đó, đường phố sẽ vắng hơn, sẽ được tận hưởng một thành phố không kẹt xe, khỏe khoắn hơn so với… bây giờ”…
No comments:
Post a Comment