Tuesday, January 30, 2024

Việt Nam nói đã thu hồi được tài sản tham nhũng cao nhất từ trước tới nay
VOA Tiếng Việt
30/01/2024
VOA

Tòa nhà trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo ở Quận 1 của TPHCM.

Bộ Tư pháp Việt Nam hôm 30/1 cho biết rằng Việt Nam đã thu hồi 20.000 tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong năm 2023.

Tờ Dân Trí dẫn lời một đại diện của Bộ này nói rằng tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức hệ thống thi hành án dân sự “đã tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp”.

Đại diện này được dẫn lời nói thêm rằng “mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và số tiền thụ lý thi hành đều tăng, nhưng kết quả thi hành án năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc”.

Theo Dân Trí, hơn 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ bị thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế – tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.

Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra xét xử một số vụ đại án tham nhũng, trong đó có tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan. Đây được xem là vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam với số tiền mà bà Lan bị cáo buộc tham ô bằng cách “rút ruột” từ ngân hàng SCB là 304.000 tỷ đồng, tương đương 3% GDP của Việt Nam.

Bộ Tư pháp không cho biết họ đã thu hồi được bao nhiêu tài sản từ vụ tham nhũng này. Tuy nhiên, Bộ Công an hồi tháng 11 năm ngoái được VnExpress trích dẫn nói rằng cơ quan điều tra đã thu hồi nhiều nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu USD, kê biên 1.237 bất động sản và một lượng lớn cổ phần cùng tài sản khác để khắc phục hậu quả vụ án.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi tháng 11 năm ngoái, chủ trì cuộc họp tại của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ca ngợi công tác phòng chống tham nhũng đang ngày càng làm tốt.

Ông Trọng cũng lưu ý về việc xử lý chậm chạp, trì trệ. Ông nói công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “cần phải làm triệt để, hiệu quả, chứ không phải làm ví dụ, làm để cho có”, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải tăng cường phối hợp, “hợp đồng tác chiến” hiệu quả hơn, chứ “đừng cua cậy càng, cá cậy vây” hay “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” để chống tham nhũng vào năm 2016, rất nhiều quan chức đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng hoặc bỏ tù vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây đã mô tả chiến dịch này như một cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

No comments:

Post a Comment