Tuesday, January 30, 2024

Thái Lan 'vô địch' ASEAN về du khách quốc tế: Khi nào tới Việt Nam?
29.01.2024
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,SIRACHAI ARUNRUGSTICHAI/BLOOMBERG VIA GETTY IMAGES
Du khách Trung Quốc tại ngôi chùa Wat Arun ở Bangkok vào ngày 17/1/2024

'Xứ sở Chùa Vàng' đã có sự trở lại ngoạn mục sau Covid. Câu hỏi đặt ra là khi nào sẽ tới Việt Nam?

Thái Lan đứng đầu ASEAN về thu hút khách du lịch nước ngoài trong năm 2023, tăng hơn 150% so với năm trước.

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan, bà Sudawan Wangsuphakijkosol, cho biết lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm 2023 là hơn 28 triệu lượt, tăng hơn 11 triệu, tương đương gần 154% so với năm 2022.

Du lịch là động lực phát triển kinh tế chính của Thái lan, nền kinh tế lớn thứ hai trong Đông Nam Á.

Trong khi đó, Việt Nam đón hơn 12 triệu lượt du khách quốc tế, tăng từ 3,66 triệu người vào năm 2022, vượt mục tiêu 8 triệu lượt du khách được đề ra đầu năm 2023.

Trong khối ASEAN, tính về số lượng du khách nước ngoài trong năm 2023 thì xếp sau Thái Lan là Singapore (12,37 triệu), Việt Nam (12,06 triệu), Campuchia và Philippines đều 5,45 triệu và Brunei đón 82.109 lượt du khách.

Bà Sudawa cho biết trung bình các quốc gia trong khối ASEAN chứng kiến mức tăng du khách quốc tế là 153% trong năm ngoái, và theo bà thành công là từ hai chiến dịch phát triển du lịch được các quốc gia thành viên cùng khởi động.

Bộ trưởng du lịch từ 10 quốc gia thành viên cũng đã nhóm họp tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024, diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào từ 22-27/1. Tại sự kiện này, các bên đã nhất trí thúc đẩy du lịch chất lượng, bền vững và có trách nhiệm để cải thiện tính cạnh tranh của khu vực trong thị trường toàn cầu.

Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN đã đặt ra tầm nhìn cho nền du lịch của ASEAN trong thập niên từ 2016-2025 với nội dung: "Trước năm 2025, ASEAN sẽ là địa điểm du lịch chất lượng mang đến trải nghiệm ASEAN đa dạng, độc đáo và cam kết vì sự phát triển du lịch cân bằng, quan tâm đến các nhóm yếu thế, bền vững, có trách nhiệm, để đóng góp lớn vào phúc lợi kinh tế, xã hội của người dân ASEAN."

Cuộc họp tiếp theo của các bộ trưởng du lịch ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 25/1/2025 tại Malaysia.

'Hiếu khách là quan trọng nhất'
NGUỒN HÌNH ẢNH,FRANK BIENEWALD/LIGHTROCKET VIA GETTY IMAGES
Một phụ nữ bán tại cửa hàng hoa ở Bangkok

Thái Lan là điểm đến yêu thích của du khách Việt Nam. Theo một thống kê vào tháng 8/2023, "ước tính người Việt Nam chi 11.000 tỷ đồng đi du lịch Thái Lan năm 2023" và hàng trăm ngàn lượt khách đã đến Thái Lan trong năm ngoái.

Về lý do du lịch Thái Lan phát triển vượt bậc sau Covid, Thượng nghị sĩ Weerasak Kowsurat, nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, đánh giá rằng việc mở lại đường bay và bắt đầu các chuyến bay chuyển tiếp đến Thái Lan đã đóng vai trò quan trọng, mặc dù Thái Lan là một trong những quốc gia mở cửa du lịch sau dịch Covid trễ nhất trong Đông Á.

"Việc nối lại thêm các đường bay hoặc khởi động lại các chuyến bay chuyển tiếp đến những sân bay của Thái Lan và các hãng hàng không thực hiện thêm nhiều hoạt động để giới thiệu các tuyến đường bay của mình đóng vai trò quan trọng. Hoạt động quảng bá đó luôn nhấn mạnh các lợi thế của Thái Lan và bản sắc Thái [Thainess], khiến mọi người đặc biệt quan tâm tới các hoạt động, điểm đến và ẩm thực Thái Lan", Thượng nghị sĩ Weerasak Kowsurat nhận định khi trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 29/1.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất, theo ông Weerasak Kowsurat, chính là sự thân thiện của người dân địa phương.

"Điều hấp dẫn nhất đối với nhiều khách trong 'thực đơn du lịch' tại Thái Lan chính là tính cách vui vẻ và thân thiện của người dân địa phương. Sự thân thiện của người dân địa phương là chìa khóa quan trọng nhất."

Ông Weerasak Kowsurat cũng đề cập đến một biện pháp quan trọng khác, đó là việc chính phủ Thái Lan đã nới lỏng chính sách thị thực.

"Chính phủ Thái Lan đã thương thảo thành công với các đối tác liên quan từ nhiều vùng để nới lỏng yêu cầu thị thực."

Thái Lan và Trung Quốc đã đồng thuận vào hôm Chủ nhật 28/1 về việc miễn yêu cầu thị thực cho công dân mỗi nước để thúc đẩy du lịch đôi bên, sau dịch Covid.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-nukara và người đồng cấp Vương Nghị của Trung Quốc đã ký thỏa thuận miễn thị thực trong cuộc gặp tại Bangkok, có hiệu lực từ ngày 1/3.

"Kỷ nguyên miễn thị thực sẽ giúp thúc đẩy hoạt động giao lưu giữa người dân hai nước lên một tầm cao mới," ông Vương Nghị phát biểu trong một cuộc họp báo chung.

"Lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan đang tăng mạnh," ông Vương Nghị nói.

Năm 2023 ghi nhận số lượt du khách Trung Quốc đến Thái Lan đạt 3,5 triệu, tăng từ mức hơn 273.000 lượt vào năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 11 triệu lượt vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Bắc Kinh và Bangkok cũng cam kết tăng tốc việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Thái Lan và phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, theo ông Vương Nghị.

Khi nào tới Việt Nam?
NGUỒN HÌNH ẢNH,RAMBAUD /ALPACA /ANDIA/UNIVERSAL IMAGES GROUP VIA GETTY IMAGES
Khu trung tâm Sài Gòn

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 29/1, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, đánh giá: "Thái Lan là 'bậc thầy' làm sao để du khách đến chơi và chi tiêu dù không cho phép mở sòng bài như Việt Nam, biến không thành có, biến điều bình thường thành du lịch, cùng với đó là tinh thần hiếu khách, tinh thần phục vụ không cần tốn tiền."

Ông Mỹ cũng rất ấn tượng trước những mô hình khác mà người Thái đang tận dụng.

"Du lịch của Thái Lan là công nghiệp, được chuẩn hóa. Việt Nam đang làm kiểu dịch vụ trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm."

"Tôi rất ấn tượng du lịch của Thái Lan, biến không thành có, rất chuyên nghiệp như tour ngắm đom đóm Amphawa... hoặc các sản phẩm độc đáo từ massage hoa dừa. Tại sao Việt Nam có nhiều dừa mà hiện chỉ có một nhóm làm sản phẩm mật dừa và bán rất đắt? Trong khi đó, ở Thái Lan họ bán giá rất rẻ. Tôi khá bức xúc về chuyện này và sẵn sàng tình nguyện đưa công dân Việt Nam sang Thái Lan để học hỏi."

"Tôi đã kêu gọi rất nhiều lần, nhưng chưa thấy kết quả ở Việt Nam. Đó là cách người Thái sử dụng trái cây 'điếc', tức là trái không chín mà không bị hư. Người Thái đã đốt những trái cây này để làm than hoạt tính, để sử dụng đuổi côn trùng, đuổi muỗi trong các resort. Tôi đã hỏi họ ai hướng dẫn họ cách làm, thì các bạn ấy nói là Tổng cục Du lịch Thái Lan. Khi tôi hỏi tiếp là ai bao tiêu sản phẩm, thì các bạn nói tiếp là Tổng cục Du lịch Thái Lan."

Một yếu tố khác khiến Thái Lan có nền du lịch phát triển còn là thái độ hiếu khách.

"Đối với người Thái Lan, khách du lịch đến Thái Lan là của mọi người dân Thái Lan, sử dụng bất cứ dịch vụ nào, ở bất cứ đâu, đều là của người Thái cả. Không có chuyện họ cạnh tranh, đốt phong long, lườm nguýt, làm khó làm dễ du khách. Tôi không nghĩ đó là chuyện mà Việt Nam khó làm, đây là những thứ không tốn tiền, mà Việt Nam có thể làm ngay," ông nói.

Tổng cục Du lịch Thái Lan là một tổ chức nhà nước trực thuộc sự quản lý của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan và có văn phòng tại 27 quốc gia.

Về tính ưu việt trong bộ máy quản lý công nghiệp du lịch của Thái Lan, ông Mỹ đánh giá thêm:

"Bộ Du lịch của Thái Lan chỉ là ban tham mưu, Tổng cục mới là người điều hành quyết định, được tổ chức theo hệ thống ngành dọc. Tất cả các nước đều theo hệ thống ngành dọc, trừ Việt Nam. Tổng cục Du lịch mới bổ nhiệm các giám đốc sở, các giám đốc sở mới bổ nhiệm trưởng phòng du lịch của cấp thị xã, quận huyện, không chỉ bổ nhiệm mà là trả lương và có thể cách chức."

"Trong khi ở Việt Nam thì vì đặc thù của thể chế thì cơ chế cán bộ của Việt Nam, tôi nói đùa là hình ngôi sao, giám đốc sở thì về mặt nhân sự là do Đảng quyết định, ủy ban nhân dân thành phố trả lương, cơ quan bên trên thì chỉ đạo về chuyên môn thôi. Đặc thù của cơ chế - tôi không nói tốt, xấu - đã ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, quản lý trong ngành du lịch," ông Mỹ nói.

"Nếu xét về tính hiệu quả của du lịch, về tỷ lệ lượng khách du lịch trên dân số thì hiện Lào và Campuchia làm du lịch rất hiệu quả, hơn cả Việt Nam," ông nhận xét.

Tin liên quan




No comments:

Post a Comment