AP: Tù nhân Mỹ, một phần lực lượng lao động bí mật, liên hệ hàng trăm thương hiệu thực phẩm nổi tiếng
AP
31/01/2024
VOA
Hàng rào kẻm gai tại nhà tù tiểu bang Louisiana ở Angola, nơi những người đàn ông bị kết án lao động khổ sai và buộc phải làm việc, chỉ nhận được vài xu mỗi giờ hoặc đôi khi không có gì cả.
Một con đường được che dấu, dẫn đến nhiều bàn ăn tối của người Mỹ, bắt đầu từ đây, tại một nơi chốn ít ai ngờ tới - một đồn điền nô lệ miền Nam trước đây, mà nay là nhà tù an ninh tối đa lớn nhất đất nước.
Những chiếc xe tải không nhãn hiệu chở đầy gia súc nuôi trong tù lăn bánh ra khỏi Nhà tù Tiểu bang Louisiana, nơi những người đàn ông bị kết án lao động khổ sai và buộc phải làm việc, chỉ nhận được vài xu mỗi giờ hoặc đôi khi không có gì cả. Sau khi chạy ầm ì trên con đường nông thôn đến một nhà đấu giá, những con bò được một chủ trang trại địa phương mua và sau đó được hãng thông tấn AP theo sau gần 1000 km nữa đến một lò mổ ở Texas, nơi cung cấp cho chuỗi cung ứng của những công ty khổng lồ như McDonald, Walmart và Cargill.
Những mạng lưới vô hình, phức tạp như thế này liên kết một số những công ty thực phẩm lớn nhất thế giới và những thương hiệu phổ thông nhất với việc làm của các tù nhân Mỹ trên toàn quốc, theo một cuộc điều tra sâu rộng kéo dài hai năm của AP về lao động trong tù có liên hệ đến hàng trăm triệu đô la trị giá nông sản cho đến hàng hóa bán trên thị trường mở.
Các tù nhân này nằm trong số những người lao động dễ bị tổn thương nhất ở Mỹ. Nếu họ từ chối làm việc, một số người có thể làm hại đến cơ hội được tha của họ hoặc phải đối mặt với hình phạt như bị biệt giam. Họ cũng thường bị loại khỏi các biện pháp bảo vệ được đảm bảo cho hầu hết những người lao động toàn thời gian khác, ngay cả khi họ bị thương nặng hoặc tử vong trong khi làm việc.
Hàng hóa mà các tù nhân này sản xuất được đưa vào chuỗi cung ứng với vô số sản phẩm được tìm thấy trong hầu hết các nhà bếp ở Mỹ, từ ngũ cốc Frosted Flakes và xúc xích Ball Park đến bột mì Huy chương Vàng, Coca-Cola và gạo Riceland. Chúng có mặt trên kệ của hầu hết các siêu thị trong nước, bao gồm Kroger, Target, Aldi và Whole Foods. Và một số hàng hóa được xuất khẩu, bao gồm cả sang các quốc gia có sản phẩm bị cấm vào Hoa Kỳ vì sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động tù nhân.
Nhiều công ty mua trực tiếp từ các nhà tù đang vi phạm chính sách của chính họ về việc sử dụng lao động như vậy. Nhưng việc này hoàn toàn hợp pháp, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu lao động để giúp xây dựng lại nền kinh tế tan vỡ của miền Nam sau Nội chiến. Được quy định trong Hiến pháp theo Tu chính án thứ 13, chế độ nô lệ và các dịch vụ không tự nguyện đều bị cấm - ngoại trừ hình phạt cho một tội ác.
Điều khoản đó hiện đang bị thách thức ở cấp liên bang và những nỗ lực nhằm loại bỏ ngôn từ tương tự khỏi hiến pháp các tiểu bang dự kiến sẽ được bỏ phiếu ở khoảng chục tiểu bang trong năm nay.
Một số tù nhân làm việc trên cùng một đồn điền nơi nô lệ thu hoạch bông, thuốc lá và mía cách đây hơn 150 năm, với một số hình ảnh ngày nay trông giống quá khứ một cách kỳ lạ. Ở Louisiana, nơi có tỷ lệ ngồi tù cao nhất cả nước, những người đàn ông làm việc trên “dòng trang trại” vẫn khom lưng trên những cánh đồng trải dài đến tận xa.
Ông Willie Ingram đã thu hoạch mọi thứ từ bông đến đậu bắp trong suốt 51 năm ở nhà tù tiểu bang, được biết đến nhiều hơn với cái tên Angola.
Trong thời gian làm việc trên cánh đồng, ông được giám sát bởi những người bảo vệ có vũ trang trên lưng ngựa và nhớ lại đã nhìn thấy những người đàn ông làm việc với ít hoặc không có nước, bất tỉnh trong cái nóng hơn 100 độ F. Ông nói, có những ngày, công nhân sẽ ném dụng cụ của họ lên không trung để phản đối, mặc dù biết rõ hậu quả có thể xảy ra.
“Họ sẽ đến, có thể là bốn người ngồi trong xe tải, có miếng che mặt, dùng dùi cui và đánh bạn ngay trên đồng ruộng. Họ đánh bạn, còng tay bạn và đánh bạn lần nữa”, ông Ingram, người đã nhận bản án chung thân sau khi nhận tội về một tội ác mà ông nói rằng mình không phạm phải. Ông được thông báo rằng ông sẽ thụ án 10 năm rưỡi và có thể tránh được án tử hình, nhưng phải đến năm 2021, một thẩm phán, với lòng trắc ẩn, cuối cùng đã trả tự do cho ông. Lúc đó ông đã 73 tuổi.
Số người ngồi sau song sắt ở Hoa Kỳ bắt đầu tăng vọt vào những năm 1970 ngay khi ông Ingram gia nhập hệ thống, với tỷ lệ người da màu cao một cách không tương xứng. Giờ đây, với khoảng 2 triệu người bị giam giữ, lao động trong tù của Hoa Kỳ thuộc mọi lĩnh vực đã biến thành một đế chế trị giá hàng tỷ đô la, vượt xa những hình ảnh kinh điển về các tù nhân đóng các biển số xe, làm việc cho đội làm đường hoặc chữa cháy rừng.
Mặc dù hầu hết mọi tiểu bang đều có một số loại chương trình nông nghiệp, nhưng nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lực lượng lao động của nhà tù. Tuy nhiên, một phân tích dữ liệu mà AP thu thập được từ các cơ sở cải huấn trên toàn quốc cho thấy doanh số bán hàng nông sản và vật nuôi cho các doanh nghiệp trong sáu năm qua trị giá gần 200 triệu đô la – một con số dè dặt, không bao gồm thêm hàng chục triệu đô la nữa hàng bán cho các cơ quan nhà nước và chính phủ. Phần lớn dữ liệu được cung cấp không đầy đủ, mặc dù rõ ràng là doanh thu lớn nhất đến từ các hoạt động mở rộng ở miền Nam và cho các công ty thuê tù nhân.
Các quan chức cải huấn và những người ủng hộ chương trình lao động tù nhân lưu ý rằng không phải tất cả công việc đều bị ép buộc và công việc trong tù giúp tiết kiệm tiền của người nộp thuế. Ví dụ, trong một số trường hợp, thực phẩm sản xuất được phục vụ trong bếp của nhà tù hoặc tặng cho những người cần giúp đỡ ở bên ngoài. Họ cũng nói rằng các công nhân đang học những kỹ năng có thể được sử dụng khi họ được trả tự do và có ý thức về mục đích, điều này có thể giúp tránh tái phạm. Ở một số nơi, việc làm cho phép tù nhân được giảm bớt thời gian thụ án. Họ nói rằng việc làm là một cách để trả nợ cho xã hội.
Trong khi hầu hết các chỉ trích không tin rằng nên loại bỏ tất cả công việc, họ cho rằng những người bị giam giữ phải được trả lương công bằng, đối xử nhân đạo và mọi công việc phải mang tính tự nguyện. Một số lưu ý rằng ngay cả khi mọi người được đào tạo chuyên môn, như chữa cháy, hồ sơ tội phạm của họ có thể khiến họ gần như không thể được tuyển dụng ở bên ngoài.
“Phần lớn họ không được trả lương, họ bị buộc phải làm việc và không an toàn. Họ cũng không học được những kỹ năng sẽ giúp ích cho họ khi được trả tự do,” giáo sư luật Andrea Armstrong, một chuyên gia về lao động trong tù tại Đại học Loyola New Orleans, nói. “Nó đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta vẫn buộc mọi người phải làm việc trên đồng ruộng.”
Một lực lượng lao động trong bóng tối ít được bảo vệ
Ngoài việc khai thác lực lượng lao động giá rẻ, đáng tin cậy, các công ty đôi khi còn nhận được ưu đãi thuế và các ưu đãi tài chính khác. Những người lao động bị giam giữ cũng thường không được bảo vệ bởi những biện pháp bảo vệ cơ bản nhất, bao gồm bồi thường cho người lao động và các tiêu chuẩn an toàn liên bang. Trong nhiều trường hợp, họ không thể nộp đơn khiếu nại chính thức về điều kiện làm việc tồi tệ.
Những tù nhân này thường làm việc trong các ngành công nghiệp thiếu lao động trầm trọng, làm một số công việc bẩn thỉu và nguy hiểm nhất đất nước.
AP đã xem xét hàng nghìn trang tài liệu và nói chuyện với hơn 80 người hiện đang hoặc từng bị giam giữ, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ bị kết án về các tội từ giết người đến trộm cắp hàng hoá trong các cửa hàng, viết ngân phiếu không tiền bảo chứng, trộm cắp hoặc các hành vi bất hợp pháp khác liên quan đến sử dụng ma túy. Một số bị tuyên án dài hạn vì các tội bất bạo động do họ đã từng có tiền án, trong khi những người khác được thả sau khi chứng minh mình vô tội.
Các phóng viên đã tìm thấy những người bị thương hoặc bị mất tay chân trong công việc, đồng thời cũng phỏng vấn những phụ nữ bị quấy rối hoặc lạm dụng tình dục, đôi khi bởi những người giám sát dân sự hoặc các quan chức cải huấn giám sát họ. Mặc dù những người liên quan đến tai nạn lao động thường gần như không thể khởi kiện, nhưng AP đã kiểm tra hàng chục trường hợp đã tìm cách lọt vào hệ thống tòa án.
Các phóng viên cũng nói chuyện với người nhà của các tù nhân thiệt mạng.
Một trong số đó là ông Frank Dwayne Ellington, người bị kết án tù chung thân với khả năng được ân xá sau khi dùng súng cướp ví của một người đàn ông – hậu quả của việc phạm tội nhiều lần ở Alabama. Vào năm 2017, ông Ellington, 33 tuổi, đang rửa máy gần “dây chuyền giết” gà ở Ashland tại Koch Foods – một trong những công ty chế biến gia cầm lớn nhất đất nước – thì những chiếc răng xoáy của nó quấn vào cánh tay ông và hút ông vào trong, nghiền nát hộp sọ của ông. Ông chết ngay lập tức.
Trong cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm, lúc đầu công ty Koch Foods lập luận rằng ông Ellington về mặt kỹ thuật không phải là nhân viên, và sau đó nói rằng gia đình ông nên bị cấm nộp đơn do chết oan vì công ty đã thanh toán chi phí tang lễ cho ông. Vụ việc cuối cùng đã được giải quyết theo các điều khoản không được tiết lộ. Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp đã phạt công ty này 19.500 đô la vì công nhân không được đào tạo bài bản và máy móc của họ không có đủ biện pháp bảo vệ an toàn.
Mẹ của ông Ellington, bà Alishia Powell-Clark, nói: “Đó là con của ai đó, là bố của ai đó, là chú của ai đó, là gia đình của ai đó. Đúng, họ đã làm sai, nhưng họ đang phải trả giá cho điều đó.”
AP phát hiện ra rằng lao động tù nhân ở Mỹ nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa được vận chuyển khắp thế giới thông qua các công ty đa quốc gia, bao gồm cả những quốc gia bị Washington áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trong những năm gần đây. Ví dụ, Hoa Kỳ đã chặn các chuyến hàng bông đến từ Trung Quốc, nhà sản xuất hàng đầu của các nhãn hiệu quần áo nổi tiếng, vì nó được sản xuất bởi lao động cưỡng bức hoặc lao động tù nhân. Nhưng mùa màng do tù nhân Mỹ thu hoạch đã lọt vào chuỗi cung ứng của các công ty xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong khi lao động tù nhân thâm nhập vào chuỗi cung ứng của một số công ty thông qua các nhà cung cấp bên thứ ba mà họ không hề hay biết thì những công ty khác lại mua trực tiếp. Các nhà kinh doanh hàng hóa khổng lồ đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp lương thực cho toàn cầu như Cargill, Bunge, Louis Dreyfus, Archer Daniels Midland và Consolidated Grain and Barge – cùng nhau đạt doanh thu hàng năm hơn 400 tỷ đô la – trong những năm gần đây đã thu về được hàng triệu đô la đậu nành, ngô và lúa mì trực tiếp từ các nhà tù, cạnh tranh với nông dân địa phương.
AP đã liên hệ để yêu cầu bình luận đối với các công ty mà họ xác định là có liên quan đến lao động trong tù, nhưng hầu hết đều không phản hồi.
Cargill thừa nhận việc mua hàng từ các trang trại của nhà tù ở Tennessee, Arkansas và Ohio, nói rằng chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng của công ty. Công ty nói thêm rằng “chúng tôi hiện đang trong quá trình xác định để có những hành động khắc phục thích hợp.”
McDonald's nói sẽ điều tra các mối liên hệ với bất kỳ hoạt động lao động nào như vậy, trong khi Archer Daniels Midland và General Mills, nhà sản xuất bột mì Huy chương Vàng, chỉ ra các chính sách của họ hiện tại hạn chế các nhà cung cấp sử dụng lao động cưỡng bức. Whole Foods trả lời thẳng thừng: “Whole Foods Market không cho phép sử dụng lao động tù nhân trong các sản phẩm bán tại cửa hàng của chúng tôi”.
Bunge cho biết họ đã bán tất cả các cơ sở đang tìm nguồn cung ứng từ các cơ quan cải huấn vào năm 2021, vì vậy chúng “không còn thuộc về Bunge nữa”.
Dairy Farmers of America, một hợp tác xã tự nhận mình là nhà cung cấp sữa nguyên liệu hàng đầu trên toàn thế giới, cho biết mặc dù họ mua từ các cơ sở cải huấn nhưng hiện tại họ chỉ có một “thành viên sản xuất sữa” tại một nhà tù, với phần lớn số sữa đó được sử dụng trong tù.
Để hiểu rõ hoạt động kinh doanh lao động trong tù và sự di chuyển phức tạp của hàng nông sản, AP đã thu thập thông tin từ tất cả 50 tiểu bang, thông qua các yêu cầu hồ sơ công khai và yêu cầu gửi tới các cơ quan cải huấn. Các phóng viên cũng đi khắp đất nước, theo dõi những chiếc xe tải vận chuyển cây trồng và vật nuôi liên quan đến công việc của nhà tù, đồng thời bám đuôi những chiếc xe tải vận chuyển từ nhà tù và địa điểm lao động đến những nơi như nhà máy gia cầm, trang trại trứng và nhà hàng thức ăn nhanh. Sự thiếu minh bạch và đôi khi những tổn thất khó hiểu trong kiểm toán đã làm tăng thêm thách thức trong việc theo dõi đầy đủ tiền bạc.
Các mặt hàng có giá trị lớn như cây trồng và vật nuôi được bán trên thị trường mở, với lợi nhuận được đưa trở lại vào các chương trình nông nghiệp. Chẳng hạn, khoảng chục trang trại nhà tù ở các bang, bao gồm cả các hoạt động ở Texas, Virginia, Kentucky và Montana, đã bán số gia súc trị giá hơn 60 triệu đô la kể từ năm 2018.
Cũng như các hoạt động mua bán khác, việc sở hữu bò có thể phải trải qua một con đường ngoằn ngoèo. Bởi vì chúng thường được bán trực tuyến tại các nhà đấu giá hoặc các bãi chăn nuôi nên gần như không thể xác định được thịt bò cuối cùng sẽ được chuyển đến đâu.
Đôi khi chỉ có một cách để biết chắc chắn.
Tại Louisiana, một phóng viên của AP đã chứng kiến ba chiếc xe kéo dài chở hơn 80 con gia súc rời khỏi nhà tù của tiểu bang. Những con bò do tù nhân nuôi đã di chuyển khoảng một giờ trước khi được đưa ra bán tại Chợ Chăn nuôi Dominique ở Baton Rouge.
Khi chúng bị lùa qua cổng vào chuồng quan sát, người bán đấu giá đã cảnh báo đùa người mua rằng “Hãy coi chừng!” Ông nói, những con bò vừa mới trốn thoát khỏi nhà tù.
Chỉ trong vòng vài phút, lô súc vật ở Angola được một người buôn gia súc địa phương mua lại, người này sau đó bán số gia súc đó cho một nhà chế biến thịt bò ở Texas, nơi cũng mua bò trực tiếp từ các nhà tù ở tiểu bang đó. Thịt từ lò mổ được đưa vào chuỗi cung ứng của một số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, siêu thị và các nhà xuất khẩu thịt lớn nhất đất nước, bao gồm Burger King, Sam's Club và Tyson Foods.
Ông Jermaine Hudson, người đã thụ án 22 năm ở Angola về tội cướp tài sản trước khi được tha, nói: “Thật là một cái tát vào mặt khi biết tất cả những con gia súc đó sẽ đi đâu”.
Ông nói điều đó đặc biệt khó chịu vì thức ăn phục vụ trong tù có vị như nước bẩn.
Hudson nói: “Đó là một số bữa ăn thiếu tôn trọng nhất mà tôi từng phải chịu đựng trong đời”.
Sự gia tăng của lao động tù nhân
Angola đang áp đặt một mức độ rộng lớn. Cái gọi là “nhà tù Alcatraz của miền Nam” nằm ẩn mình ở rất xa, được bao quanh bởi những đầm lầy đầy cá sấu ở khúc quanh của Sông Mississippi. Nó trải rộng 18.000 mẫu Anh – một khu vực lớn hơn đảo Manhattan – và có mã số bưu điện riêng.
Đồn điền trước thế kỷ 19 trước chiến tranh từng thuộc sở hữu của một trong những kẻ buôn bán nô lệ lớn nhất ở Hoa Kỳ. Ngày nay, nó chứa khoảng 3.800 người đằng sau những bức tường thép gai, khoảng 65% trong số họ là người da đen. Trong vài ngày sau khi đến, họ thường ra đồng, đôi khi dùng cuốc, xẻng hoặc thu hoạch hoa màu bằng tay. Ban đầu họ làm việc không công nhưng sau đó có thể kiếm được từ 2 xu đến 40 xu một giờ.
Ông Calvin Thomas, người đã làm việc hơn 17 năm ở Angola, cho biết bất cứ ai từ chối làm việc, không sản xuất đủ hoặc chỉ bước ra ngoài những hàng dài thẳng tắp đều biết sẽ có hậu quả.
Ông Thomas nói: “Nếu ông ta bắn chỉ thiên vì bạn đã vượt qua ranh giới đó, điều đó có nghĩa là bạn sẽ bị nhốt và bạn sẽ phải trả tiền cho viên đạn mà ông ta đã bắn”. Ông Thomas nói thêm có một số ngày nóng đến mức ngựa của lính canh ngã gục.
“Bạn không thể gọi nó là bất cứ điều gì khác,” ông nói. “Đó là nô lệ.”
Phát ngôn viên cơ quan cải huấn Louisiana Ken Pastorick gọi mô tả đó là “vô lý”. Ông cho biết cụm từ “kết án lao động khổ sai” là thuật ngữ pháp lý để chỉ một tù nhân bị kết án trọng tội.
Ông Pastorick nói cơ quan đã biến Angola từ “nhà tù đẫm máu nhất ở Mỹ” trong nhiều thập niên qua với “những cải cách tư pháp hình sự quy mô lớn và tái đầu tư vào việc tạo ra các chương trình phục hồi chức năng, dạy nghề và giáo dục được thiết kế để giúp các cá nhân cải thiện bản thân và thành công trở lại cộng đồng.” Ông lưu ý rằng mức lương được quy định theo quy định của tiểu bang.
Các tù nhân hiện tại và trước đây ở cả Louisiana và Alabama đã đệ đơn kiện tập thể trong 4 tháng qua nói rằng họ bị buộc phải cung cấp lao động giá rẻ - hoặc không được trả công - cho các tiểu bang đó và các công ty bên ngoài, một hành vi mà họ cũng mô tả là chế độ nô lệ.
Các tù nhân đã bị bắt làm việc từ trước khi nô lệ được giải phóng, khi nô lệ đôi khi bị cầm tù và sau đó được chính quyền địa phương cho thuê.
Nhưng sau Nội chiến, điều khoản ngoại lệ của Tu chính án thứ 13 cho phép lao động trong tù tạo ra vỏ bọc pháp lý để truy bắt hàng nghìn thanh niên da đen, chủ yếu là thanh niên. Nhiều người đã bị bỏ tù vì những tội nhỏ nhặt như lảng vảng và lang thang. Sau đó, họ được các tiểu bang cho các đồn điền như Angola và một số công ty lớn nhất nước thuê, bao gồm các mỏ than và đường sắt. Họ thường xuyên bị đánh đòn vì không đáp ứng chỉ tiêu trong khi làm những công việc nguy hiểm chết người.
Thời kỳ cho thuê tù nhân chính thức kết thúc vào năm 1928 đã giúp vạch ra con đường dẫn đến khu phức hợp công nghiệp-nhà tù hiện đại của Mỹ.
Việc tống giam không chỉ được sử dụng để trừng phạt hoặc cải tạo mà còn vì lợi nhuận. Một đạo luật được thông qua vài năm sau đó quy định việc cố ý vận chuyển hoặc bán hàng hóa do những người lao động bị giam giữ sản xuất qua các ranh giới tiểu bang là bất hợp pháp, mặc dù có một ngoại lệ đối với các sản phẩm nông nghiệp. Ngày nay, sau nhiều năm nỗ lực của các nhà lập pháp và doanh nghiệp, các tập đoàn đang thành lập liên doanh với các cơ quan cải huấn, cho phép họ bán hầu hết mọi thứ trên toàn quốc.
Công nhân dân sự được OSHA và các luật như Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng đảm bảo các quyền cơ bản và bảo vệ, nhưng tù nhân, những người thường không được coi là nhân viên hợp pháp, bị từ chối nhiều quyền lợi đó và không thể phản đối hoặc thành lập công đoàn.
Bà Jennifer Turner, tác giả chính của phúc trình của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ năm 2022 về lao động trong tù, nói: “Họ có thể làm công việc giống hệt như những người không bị giam giữ, nhưng họ không được đào tạo, không có kinh nghiệm và không có thiết bị bảo hộ”. Phúc trình cho biết hầu như tất cả các nhà tù dành cho người lớn ở cấp tiểu bang và liên bang đều có một số loại chương trình làm việc, tuyển dụng khoảng 800.000 người. Phúc trình lưu ý rằng phần lớn những công việc đó có liên quan đến các nhiệm vụ như bảo trì nhà tù, giặt giũ hoặc làm bếp, những công việc thường được trả vài xu một giờ nếu có. Và một số ít người tìm được việc làm trong ngành công nghiệp nhà nước được trả lương cao nhất có thể chỉ kiếm được một đô la một giờ.
Phúc trình của ACLU cho biết, tổng cộng, lao động gắn liền với hàng hóa và dịch vụ được sản xuất thông qua các ngành công nghiệp của nhà tù tiểu bang đã mang lại hơn 2 tỷ đô la vào năm 2021. Điều đó bao gồm mọi thứ, từ sản xuất nệm đến tấm pin mặt trời, nhưng không tính đến việc làm việc tự giác và các chương trình khác được thực hiện thông qua các nhà tù, trung tâm giam giữ và di trú địa phương và thậm chí cả các cơ sở cai ma túy và rượu.
Một số công nhân bị giam chỉ còn vài tháng hoặc vài năm mãn hạn đã được tuyển dụng ở khắp mọi nơi, từ các chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Burger King đến các cửa hàng bán lẻ lớn và các nhà máy chế biến thịt. Không giống như các đội nhặt rác trong bộ áo liền quần màu cam, họ hầu như không được chú ý và thường mặc đồng phục giống như các đồng nghiệp dân sự của họ.
Những công việc làm bên ngoài có thể được mong muốn vì chúng thường được trả nhiều tiền hơn và một số tiểu bang gửi một tỷ lệ nhỏ tiền kiếm được vào tài khoản tiết kiệm của những tù nhân được trả tự do sau này. Mặc dù nhiều công ty trả mức lương tối thiểu, nhưng một số tiểu bang vẫn giữ hơn một nửa tiền lương của họ cho các hạng mục như tiền phòng, tiền ăn và phí tòa án.
Đó là một câu chuyện khác đối với những người ở trang trại nhà tù. Các hoạt động lớn nhất vẫn diễn ra ở miền Nam và cây trồng vẫn được thu hoạch trên một số đồn điền trước đây của nô lệ, bao gồm ở Arkansas, Texas và tại Trang trại Parchman khét tiếng ở Mississippi. Những tiểu bang đó, cùng với Florida, Alabama, South Carolina và Georgia, không phải trả lương cho hầu hết các loại công việc.
Hầu hết các trang trại lớn, bao gồm cả Angola, phần lớn đã cơ giới hóa nhiều hoạt động của họ, sử dụng máy kéo, xe tải và máy liên hợp cỡ thương mại để trồng ngô, đậu nành, lúa và các loại cây trồng khác. Nhưng tù nhân ở một số nơi vẫn tiếp tục làm những công việc khác bằng tay, bao gồm cả việc dọn sạch bụi cây bằng dao.
“Tôi đang ở trên cánh đồng với chiếc cuốc trên tay cùng với khoảng hàng trăm phụ nữ khác. Chúng tôi đứng thành một hàng rất gần nhau và phải giơ cuốc lên cùng lúc và đếm ‘Một, hai, ba, cuốc!’” bà Faye Jacobs, người làm việc tại trang trại nhà tù ở Arkansas, nói.
Bà Jacobs, người được trả tự do vào năm 2018 sau hơn 26 năm, cho biết tiền lương duy nhất bà nhận được là hai cuộn giấy vệ sinh mỗi tuần, kem đánh răng và vài miếng băng vệ sinh mỗi tháng.
Bà kể lại việc bị bắt phải vác đá từ đầu này sang đầu kia của cánh đồng và quay lại hàng giờ đồng hồ, đồng thời cho biết bà cũng phải chịu đựng những lời chế nhạo của lính canh rằng “Nào, đó là đội cuốc!” Bà nói sau đó bà bị đưa trở lại cánh đồng ở một nhà tù khác sau khi phụ nữ ở đó phàn nàn về việc nhân viên bên trong cơ sở quấy rối tình dục.
“Chúng tôi nghĩ ‘Đây có phải là một hình phạt không?'” Bà nói. “‘Chúng tôi đang nói với các bạn rằng chúng tôi đang bị quấy rối tình dục, và các bạn quay lại và điều đầu tiên các bạn muốn làm là đưa tất cả chúng tôi vào đội cuốc.’”
Ông David Farabough, người giám sát 20.000 mẫu trang trại nhà tù của tiểu bang, nói các hoạt động của Arkansas có thể giúp xây dựng tính cách.
Ông nói: “Rất nhiều người trong số này đến từ những gia đình mà họ chưa bao giờ hiểu công việc và họ chưa bao giờ hiểu được cảm giác cuối ngày khi hoàn thành tốt công việc”. “Chúng tôi đang cho họ mục đích. … Và rồi cuối cùng, họ nhận được sự đền đáp bằng việc có những món ăn ngon hơn trong bếp.”
Ông Joshua Sbicca, giám đốc Phòng thí nghiệm Nông nghiệp Nhà tù tại Đại học tiểu bang Colorado, cho biết, ngoài các trang trại khổng lồ, ít nhất 650 cơ sở cải huấn trên toàn quốc có các tù nhân làm các công việc như cảnh quan, chăm sóc nhà kính và vườn tược, chăn nuôi, nuôi ong và thậm chí nuôi cá. Ông lưu ý rằng các quan chức cải huấn sử dụng quyền lực bằng cách quyết định ai xứng đáng được đảm nhận các công việc xây dựng thương mại, như hàn chẳng hạn, và ai làm việc trên đồng ruộng.
Ở một số tiểu bang, ngoài chăn nuôi gà, bò và lợn, các cơ quan cải huấn còn có nhà máy chế biến, nhà máy sữa và nhà máy đóng hộp riêng. Nhưng nhiều tiểu bang cũng thuê tù nhân làm công việc tương tự tại các công ty tư nhân lớn.
AP đã gặp những phụ nữ ở Mississippi bị nhốt tại các trung tâm bồi thường, tương đương với nhà tù dành cho con nợ, để trả các chi phí do tòa án yêu cầu. Họ làm việc tại Popeyes Louisiana Kitchen và các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh khác, đồng thời cũng được thuê cho các cá nhân sử dụng để làm các công việc như cắt cỏ hoặc sửa nhà.
Ông Cliff Johnson, giám đốc Trung tâm Tư pháp MacArthur tại Đại học Mississippi, nói: “Không có gì sáng tạo hoặc thú vị về hệ thống lao động cưỡng bức này như hình phạt cho vấn đề mà trong rất nhiều trường hợp là vấn đề nghèo đói hoặc lạm dụng chất gây nghiện”.
Tại Alabama, nơi các tù nhân được các công ty thuê, các phóng viên AP đã theo dõi các xe tải chở tù nhân đến các nhà máy gia cầm do Tyson Foods điều hành, công ty sở hữu các thương hiệu như Hillshire Farms, Jimmy Dean và Sara Lee, cùng với một công ty cung cấp thịt bò, thịt gà và cá cho McDonald's. Những chiếc xe tải cũng dừng lại ở một cơ sở chế biến thịt gà thuộc liên doanh với Cargill, công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ. Công ty mang lại doanh thu kỷ lục 177 tỷ đô la trong năm tài chính 2023 và cung cấp hàng cho các tập đoàn như PepsiCo.
Mặc dù Tyson không trả lời các câu hỏi về mối liên hệ trực tiếp với các trang trại nhà tù, nhưng họ nói rằng các chương trình làm việc tự giác của họ là tự nguyện và những công nhân bị giam giữ được trả lương ngang bằng với các đồng nghiệp dân sự của họ.
Một số người bị bắt ở Alabama thậm chí còn bị đưa đi làm trước khi họ bị kết án. Một chương trình làm việc tự giác bất thường chấp nhận các bị cáo trước khi xét xử, cho phép họ tránh phải ngồi tù trong khi kiếm được tiền bảo lãnh tại ngoại. Nhưng với nhiều khoản phí được khấu trừ từ tiền lương của họ, điều đó có thể mất thời gian.
AP từng đưa ra thông tin chi tiết về công việc tại một nơi ở Florida, với tù nhân bị cùm chân, mặc đồng phục sọc đen trắng và cùm mắt cá chân, được thành lập sau khi Cảnh sát trưởng hạt Brevard, Wayne Ivey, nhậm chức vào năm 2012. Ông cho biết công việc không lương này là tự nguyện và phổ biến đến mức nó được ưa chuộng và có cả một danh sách chờ.
“Đó là đôi bên cùng có lợi,” ông nói. “Tù nhân làm việc đó đang học một bộ kỹ năng. … Họ đang khiến thời gian trôi qua nhanh hơn. Mặt khác của đôi bên cùng có lợi là nó thường tiết kiệm tiền cho người nộp thuế.”
Ông Ivey lưu ý rằng đây là một trong những nơi duy nhất còn lại trên đất nước duy trì hình thức tù nhân bị cùm chân thành từng nhóm trong lúc lao động.
“Tôi không cảm thấy họ nên được trả tiền,” ông nói. “Họ đang trả nợ cho xã hội vì đã vi phạm pháp luật.”
Ở những nơi khác, một số cựu tù nhân nói tích cực về kinh nghiệm làm việc của họ, ngay cả đôi khi họ cảm thấy bị lợi dụng.
Ông William “Buck” Saunders nói: “Tôi thực sự không nghĩ về điều đó cho đến khi tôi ra ngoài, và tôi nghĩ, 'Chà, bạn biết đấy, tôi thực sự đã rút ra thứ gì đó từ đó và áp dụng nó ở đây'". Ông nói thêm ông có chứng chỉ vận hành một chiếc xe nâng trong công việc xếp thức ăn chăn nuôi tại Cargill trong khi bị giam giữ ở Arizona.
Các công ty thuê tù nhân có được lực lượng lao động dồi dào, đáng tin cậy ngay cả trong tình trạng thiếu lao động chưa từng có do các cuộc trấn áp di dân và gần đây hơn là đại dịch do vi-rút Corona gây ra.
Vào tháng 3 năm 2020, mặc dù tất cả các công việc khác của công ty bên ngoài đã bị tạm dừng, bộ phận cải huấn Arizona thông báo khoảng 140 phụ nữ đã đột ngột được chuyển từ nhà tù của họ đến một nhà kho giống như nhà chứa máy bay bằng kim loại trên khu đất thuộc sở hữu của Trang trại Gia đình Hickman, nơi tự coi mình là nhà sản xuất trứng lớn nhất Tây Nam.
Hickman's đã tuyển dụng tù nhân trong gần 30 năm và cung cấp hàng cho nhiều cửa hàng thực phẩm, bao gồm Costco và Kroger, tiếp thị các thương hiệu như Eggland's Best và Land O' Lakes. Đây là nhà thầu lao động lớn nhất của cục cải huấn tiểu bang, mang lại doanh thu gần 35 triệu đô la trong sáu năm tài chính vừa qua.
Bà Brooke Counts, người sống tại địa điểm sa mạc Hickman, nơi hoạt động được 14 tháng, nói: “Lý do duy nhất họ đưa chúng tôi ra ngoài đó là vì họ không muốn mất hợp đồng đó vì nhà tù kiếm được rất nhiều tiền từ nó”. Bà đang thụ án liên quan đến ma túy và cho biết bà sợ mất đặc quyền hoặc bị chuyển đến một nhà tù có an ninh nghiêm nhặt hơn nếu bà từ chối làm việc.
Bà Counts nói bà biết những tù nhân bị thương nặng, trong đó có một phụ nữ bị đâm vào hông và phải nhờ trực thăng đưa đến bệnh viện và một người khác bị mất một phần ngón tay.
Hickman, đã và đang đối mặt với một số vụ kiện bắt nguồn từ thương tích của tù nhân, đã không trả lời các câu hỏi được gửi qua email hoặc tin nhắn điện thoại yêu cầu phản hồi. Các quan chức của cục cải huấn không bình luận về lý do tại sao những người phụ nữ này bị chuyển ra ngoài địa điểm, nói rằng điều đó đã xảy ra dưới thời quản giáo trước đó. Tuy nhiên, một tuyên bố vào thời điểm đó cho biết động thái này được thực hiện nhằm “đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm ổn định đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của những người bị chúng tôi giam giữ”.
Một số phụ nữ làm việc cho Hickman's kiếm được ít hơn 3 đô la một giờ sau khi bị khấu trừ, trong đó có 30% được nhà nước thu cho tiền ăn ở, mặc dù họ đang sống trong ký túc xá tạm bợ.
Bà Counts nói: “Khi ở ngoài đó, chúng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà tù. “Để làm gì?”
Theo đuổi tiền
Công việc lao động trong tù rất rộng lớn và phức tạp nên việc truy tìm số tiền có thể gặp nhiều thách thức. Một số chương trình nông nghiệp thường xuyên bị mắc nợ, đặt ra các câu hỏi trong kiểm toán nhà nước và thúc đẩy các cuộc điều tra về khả năng tham nhũng, quản lý yếu kém hoặc kém hiệu quả nói chung.
Chẳng hạn, gần một nửa số hàng nông sản được sản xuất ở Texas từ năm 2014 đến năm 2018 bị thua lỗ, và một báo cáo tương tự ở Louisiana đã phát hiện ra khoản lỗ khoảng 3,8 triệu đô la trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2016 đến 2018. Một cuộc điều tra liên bang riêng rẽ về cánh thu lợi nhuận của cục cải huấn của Louisiana đã dẫn đến việc bỏ tù hai nhân viên.
Các quan chức cải huấn cho biết chi phí canh tác cao và các biến số không thể đoán trước như thời tiết có thể làm mất lợi nhuận. Và trong khi một số hàng hóa có thể mang lại lợi nhuận kém, họ lưu ý, những hàng hóa khác lại có mức lời cao hơn.
Đôi khi, các nhà tù đã tạo ra doanh thu bằng cách khai thác các thị trường riêng biệt hoặc các loại thực phẩm đặc trưng của tiểu bang.
Trong khoảng thời gian sáu năm mà AP đã kiểm tra, sữa nguyên liệu dư thừa từ một nhà tù ở Wisconsin đã được chuyển đến Công ty Phô mai BelGioioso, nơi sản xuất phô mai thanh tròn hay vuông Polly-O và các sản phẩm khác có mặt tại các cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc như Whole Foods. Một nhà tù ở California đã cung cấp hạt hạnh nhân cho Công ty Minturn Nut, một nhà sản xuất và xuất khẩu lớn. Và cho đến năm 2022, Colorado vẫn nuôi trâu để lấy sữa bán cho nhà sản xuất phô mai mozzarella khổng lồ Leprino Foods, nơi cung cấp cho các công ty pizza lớn như Domino's, Pizza Hut và Papa John's.
Nhưng đối với nhiều tiểu bang, chính các chương trình việc làm tự giác đã trở thành nguồn tạo ra tiền mặt lớn nhất, phần lớn là do chi phí thấp. Ví dụ, ở Alabama, tiểu bang đã thu về hơn 32 triệu đô la trong 5 năm tài chính vừa qua sau khi thu giữ 40% tiền lương của tù nhân.
Ở một số tiểu bang, các chương trình làm việc tự giác được thực hiện ở cấp địa phương, với cảnh sát quận hạt thường xuyên chịu trách nhiệm xử lý sổ sách và trao hợp đồng. Mặc dù các chương trình này được nhà nước, người sử dụng lao động và thường là chính các tù nhân ca ngợi rộng rãi – vẫn có các báo cáo về tình trạng lạm dụng.
Ở Louisiana, nơi có hơn 1.200 công ty thuê tù nhân thông qua việc làm tự giác, cảnh sát các quận hạt nhận được từ khoảng 10 đến 20 đô la một ngày cho mỗi tù nhân tiểu bang mà họ giam giữ trong các nhà tù địa phương để giúp giảm bớt tình trạng quá tải. Và họ có thể khấu trừ hơn một nửa số tiền lương mà những người ký hợp đồng với các công ty kiếm được – một nguồn doanh thu khổng lồ cho các quận nhỏ.
Ông Jack Strain, cựu cảnh sát trưởng lâu năm ở Quận St. Tammany của tiểu bang, đã nhận tội vào năm 2021 trong một âm mưu liên quan đến việc tư nhân hóa một chương trình làm việc tự giác, trong đó gần 1,4 triệu đô la đã được đưa vào và chuyển cho ông Strain, các cộng sự thân cận và các thân nhân trong gia đình. Ông bị kết án 10 năm tù, cùng với bốn bản án chung thân liên tiếp vì một vụ bê bối tình dục rộng hơn liên quan đến cùng chương trình đó.
Những người bị giam giữ cũng đã được ký hợp đồng với các công ty hợp tác với các nhà tù. Tại Idaho, họ đã phân loại và đóng gói loại khoai tây nổi tiếng của tiểu bang để xuất khẩu và bán cho các công ty trên toàn quốc. Ở Kansas, họ đã được làm việc tại công ty sản xuất sôcôla Russell Stover và Cal-Maine Foods, nhà sản xuất trứng lớn nhất đất nước. Mặc dù công ty đã ngừng sử dụng tù nhân nhưng trong những năm gần đây, tù nhân đã được thuê ở Arizona bởi Taylor Farms, nơi bán salad ở nhiều cửa hàng thực phẩm lớn trên toàn quốc và cung cấp cho các chuỗi nhà hàng và chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng như Chipotle Mexican Grill.
Một số tiểu bang không cung cấp tên của các công ty tham gia vào các chương trình làm việc chuyển tiếp trong tù, với lý do lo ngại về an ninh. Vì vậy, các phóng viên của AP đã xác nhận rằng một số chủ nhân tư nhân của tù nhân cùng với các quan chức đang điều hành các hoạt động trên thực địa và cũng bám theo các phương tiện vận chuyển tù nhân khi họ chạy ngoằn ngoèo qua các thành phố và lái xe dọc các con đường nông thôn. Những chiếc xe tải dừng lại khắp nơi, từ những nhà máy chế biến thịt khổng lồ đến một nhà hàng gà và nhà hàng bán rượu daiquiri.
Một chiếc xe chạy vào khu đất được cắt tỉa cẩn thận của một đồn điền nô lệ trước đây đã được chuyển đổi thành địa điểm du lịch và khách sạn nổi tiếng ở St. Francisville, Louisiana, nơi du khách chụp ảnh cưới dưới những cây sồi già phủ đầy rêu Tây Ban Nha.
Khi một phóng viên theo dõi, một chiếc xe tải của Quận Tây Feliciana có trang trí “Chương trình làm việc chuyển tiếp của cảnh sát Quận hạt” đã dừng lại. Hai người đàn ông da đen nhảy ra và nhanh chóng bước qua cửa sau của nhà hàng. Một người nói rằng ông đến đó để rửa bát trước khi được sếp gọi vào trong.
Myrtles, hay còn gọi là ngôi nhà thời kỳ tiền nội chiến, chỉ cách nơi những người đàn ông làm việc vất vả trên cánh đồng ở Angola 20 dặm.
Ông Curtis Davis, người đã ở tù hơn 25 năm và hiện đang đấu tranh để thay đổi luật tiểu bang cho phép lao động cưỡng bức trong các nhà tù, nói: “Chế độ nô lệ vẫn chưa bị bãi bỏ”.
“Hiện nay nó vẫn đang hoạt động,” ông nói. “Không có gì thay đổi.”
No comments:
Post a Comment