Tuesday, January 30, 2024

Việt-Mỹ cùng quan ngại Trung Quốc, nhưng ‘Hà Nội cần khôn khéo’
VOA Tiếng Việt
31/01/2024
VOA

Tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu cảnh sát biển Philippines trên Biển Đông hồi tháng Tám năm 2023

Việt Nam và Mỹ cùng quan ngại về những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và cùng mong muốn duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các nhà nghiên cứu cho biết, nhưng do Việt Nam nằm sát Trung Quốc nên ‘cần duy trì quan hệ tốt’ với nước này.

Đó là nhận định do các học giả đưa ra tại phiên thảo luận về Hợp tác An ninh và Chiến lược trong khuôn khổ Hội thảo Mỹ-Việt do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 23/1 tại thủ đô Washington D.C.

‘Xây dựng tính chống chịu’

Nếu như Washington nhìn nhận mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam dưới góc độ ‘răn đe’ Trung Quốc thì dưới cái nhìn của Hà Nội, mối quan hệ này giúp họ ‘tăng cường sức chống chịu’ trước những rủi ro về kinh tế và chính trị, ông Nguyễn Hùng Sơn, phó giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.

“Nó giúp tăng cường khả năng chống chọi sức ảnh hưởng cũng như giảm sự lệ thuộc vào các cường quốc lân cận,” ông Sơn giải thích.

Theo ông Sơn, bắt đầu từ những năm 1980, triết lý về sức chống chịu của Việt Nam trước hết là xây dựng nền kinh tế mạnh, mở cửa đất nước về ngoại giao và cuối cùng mới là xây dựng nền quốc phòng mạnh.

“Đó chính là mục tiêu của Việt Nam khi nâng cấp quan hệ với Mỹ,” ông Sơn, từng là nhà ngoại giao của Việt Nam tại Canada và Thụy Điển, nói.

Do đó, thay vì tập trung quá nhiều vào khía cạnh an ninh của việc nâng cấp quan hệ, ông kêu gọi Mỹ hãy nhìn vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam ‘dưới góc độ kinh tế nhiều hơn’.

“Sức mạnh mềm của Mỹ rất được đánh giá cao trong khu vực,” ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Sơn, người phụ trách các nghiên cứu về chiến lược và Biển Đông của Học viện Ngoại giao, dự đoán sẽ có lúc hợp tác an ninh sẽ trở thành một trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ với trọng tâm là ‘thực thi và bảo đảm luật pháp quốc tế’.

“Mọi việc đang đi theo hướng đó,” ông cho biết và dẫn chứng việc Mỹ cung cấp tàu, huấn luyện cảnh sát biển cho Việt Nam là để giúp Việt Nam thực thi luật pháp quốc tế trong vùng biển của mình cũng như giúp phơi bày chiến thuật vùng xám của Trung Quốc.

Ông chỉ ra việc Việt Nam tổ chức Triển lãm quốc phòng lần đầu tiên hồi cuối năm 2022 và sắp sửa tổ chức lần nữa vào cuối năm nay với sự tham gia hùng hậu của Mỹ cho thấy ‘Việt Nam đang muốn đa dạng hóa mua sắm vũ khí’, trong đó có vũ khí của Mỹ.

Tuy nhiên, ông bày tỏ nghi ngờ về khả năng Mỹ sẽ bán chiến đấu cơ F-16 cho Việt Nam vào lúc này và cho rằng những ai mong chờ điều này ‘là hồ hởi quá mức’.

‘Không cứng nhắc’ 

Phương châm đối ngoại của Việt Nam được nêu trong Sách Trắng quốc phòng mới nhất hồi năm 2019 là ‘Bốn Không’ và ‘Một Tùy’. Đề cập đến cách tiếp cận này của Việt Nam, bà Bích Trần, nghiên cứu sinh hậu tiến sỹ tại trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nhấn mạnh rằng ‘Bốn Không nên được hiểu là được áp dụng trong thời bình’.

Theo nguyên tắc ‘Bốn Không’, Việt nam không đi theo bên này chống lại bên kia, không tham gia liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.

“Điều đó không có nghĩa là Việt Nam tự trói tay mình trong thời kỳ chiến tranh hay khi có xung đột,” bà Bích cho biết tại hội thảo.

Dẫn ra nguyên tắc ‘Một Tùy’, tức ‘tùy vào tình hình và điều kiện cụ thể mà Việt Nam có thể xem xét hợp tác quân sự và quốc phòng với nước khác’, bà Bích nói điều đó ‘gửi đi thông điệp đối với các nước gây hấn khả dĩ, ngăn ngừa xung đột và cho phép Việt Nam có sự linh động trong quan hệ với các quân đội nước ngoài, trong đó có Mỹ’.

Theo lời bà Bích Trần thì việc Hà Nội thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và và các nước khác như Nhật và sắp tới là Úc, Singapore và Indonesia là nhằm thực thi ‘đại chiến lược’ của Đảng Cộng sản Việt Nam là ‘hòa bình, phát triển và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ thông qua đường lối đối ngoại ‘độc lập, tự chủ, cởi mở, đa dạng hóa và đa phương hóa’.

Tuy nhiên kể từ năm 2014, theo bà Bích, Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận trợ giúp an ninh từ một số đối tác, trong đó có Mỹ, nhưng điều này ‘không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ nguyên tắc tự chủ trong việc hiện đại hóa quân đội’.

“Sự hỗ trợ của Mỹ đã giúp Việt Nam nâng cao đáng kể nhận thức biển [maritime awareness],” chuyên gia này phân tích. “Hà Nội đang làm việc với Washington ngày càng thoải mái [trong lĩnh vực này].”

Phát biểu tại hội thảo, bà Lindsey Ford, trợ lý thứ trưởng Quốc phòng phụ trách nam Á và đông nam Á của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực nhận thức biển, đào tạo lực lượng, đối phó với các hành vi quấy rối…

Theo lời bà, hợp tác an ninh trên biển giữa hai nước hiện nay tập trung vào các lĩnh vực, như hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ thiên tai, gìn giữ hòa binh, y tế quốc phòng.

“Những lĩnh vực hợp tác đó cho phép Mỹ và Việt Nam cùng nhau suy nghĩ bằng cách nào hai nước có thể đem đến những lợi ích chung [public goods] cho khu vực.”

‘Cùng quan ngại về Trung Quốc’

Vị quan chức quốc phòng này nhìn nhận cả hai nước có cùng quan ngại về cách hành xử của Bắc Kinh trên Biển Đông và đều rất quan tâm đến duy trì luật pháp quốc tế, nhưng điều này ‘không có nghĩa là hai nước hợp tác với nhau tất cả chỉ vì Trung Quốc’.

“Khi nói về đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, anh không thể chỉ nói là anh tin lãnh thổ đó là của anh là được,” bà Ford nhấn mạnh. “Tuyên bố chủ quyền đó phải dựa trên luật pháp quốc tế.”

“Chúng tôi tin vào phán quyết của Tòa thường trực Quốc tế hồi năm 2016,” bà nói, ngụ ý đề cập đến phán quyết của tòa ở La Haye vốn bác hỏi đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông theo đường chín đoạn là không có cơ sở pháp lý. “Chúng tôi tin rằng hoạt động của lực lượng quân sự và lực lượng chấp pháp phải tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Về phần mình, ông Sơn, của Học viện Ngoại giao ở Hà Nội, cho rằng Hà Nội và Washington đều có cùng quan điểm về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ‘những vi phạm rõ ràng về luật pháp quốc tế trên Biển Đông’.

“Là láng giềng ngay sát Trung Quốc, mối nguy của hành động sai lầm đối với Việt Nam là cao hơn nhiều so với Mỹ,” ông nhận định. “Cho nên Hà Nội rất thận trọng trong cách xử lý quan hệ với Trung Quốc.”

“Chúng tôi cần có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc,” ông nói thêm.

Còn bà Bích Trần thì lưu ý rằng nếu như Mỹ tập trung vào khía cạnh canh tranh với Trung Quốc thì Việt Nam nhấn mạnh vào khía cạn hợp tác với nước này do hoàn cảnh địa lý cũng như chế độ chính trị.

No comments:

Post a Comment