VNTB – Chẳng có mấy quốc gia có điều kiện làm giàu hơn Việt Nam
Anh Khoa dịch
28.01.2024 3:13
VNThoibao
Một cơn hoảng loạn thoáng chốc nhưng bộc lộ nhiều điều xảy ra ở Việt Nam trong tháng này. Ngày 12/1, nhà lãnh đạo 79 tuổi Nguyễn Phú Trọng đã không gặp Tổng thống Indonesia trong chuyến công du Việt Nam. Tên ông Trọng bị xóa khỏi lịch trình chính thức mà không có lời giải thích. Dân chúng đồn rằng ông đã chết. Trong suốt ba ngày, các tiệm phở sôi sục với những lời đồn đoán về người kế nhiệm ông. Liệu đó sẽ là một kẻ tham nhũng? Hay thân Trung Quốc hơn? Đảng Cộng sản cầm quyền, một nhóm bí mật, không tiết lộ gì cả.
Sau đó, vào ngày 15 tháng Giêng, các phương tiện truyền thông chính thức đăng hình ông Trọng có vẻ yếu ớt đang tham dự một phiên họp buồn tẻ của Quốc hội ở Hà Nội, như thể để hét lên “Tôi chưa chết!” giống như nạn nhân của bệnh dịch hạch trong một bộ phim hài Monty Python. Công chúng có thể không bao giờ biết được liệu bệnh tật hay điều gì khác đã khiến Tổng bí thư biến mất. Nhưng không có gì ngạc nhiên khi sự vắng mặt của ông có thể làm hỏng cuộc gặp với một nhà lãnh đạo thế giới. Hiện này, nước nào cũng muốn trở thành bạn của Việt Nam.
Điều này một phần là vì lý do địa chính trị. Việt Nam, một quốc gia có 100 triệu dân, nằm ở giữa Trung Quốc và Mỹ, khiến cả hai siêu cường phải ve vãn Việt Nam. Năm 2023, đây là quốc gia duy nhất đón cả Joe Biden và Tập Cận Bình trong các chuyến thăm cấp nhà nước. Vào tháng 9, họ đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, ngang hàng với Nga và Trung Quốc.
Mặc dù đảng cầm quyền của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng người Việt Nam bình thường vẫn hết sức nghi ngờ người hàng xóm khổng lồ và thích bắt nạt. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông thuộc về Việt Nam; tàu Trung Quốc quấy rối ngư dân và tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Một cuộc thăm dò của Asian Barometer cho thấy chỉ 25% người Việt Nam thích Trung Quốc, trong khi 85% thích Mỹ. Chính quyền Biden, mong muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, đã cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần duyên để bảo vệ vùng biển của mình. Mỹ đề nghị giúp đỡ nhiều hơn nhưng Việt Nam loại trừ khả năng liên minh chính thức.
Tầm quan trọng về địa chính trị ngày càng tăng của quốc gia này dựa trên thành tích kinh tế mạnh mẽ cũng như vị trí địa lý. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa vào giữa những năm 1980, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ bằng một nửa Kenya. Nhờ các chính sách thực dụng và ngày càng ủng hộ doanh nghiệp, GDP đã tăng gấp sáu lần lên 3.700 USD. Tham vọng của Chính phủ đưa Việt Nam trở thành nước giàu vào năm 2045 là có cơ sở. Về mặt kinh tế, có lẽ Việt Nam chưa bao giờ có được một môi trường toàn cầu thuận lợi hơn.
Địa chính trị đang thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, khi Mỹ tìm cách tách khỏi Trung Quốc và các công ty tư nhân các nước cảm nhận được rằng gió đã đổi chiều. Hầu hết các nhà sản xuất không thể đơn giản rút khỏi Trung Quốc. Nhưng để giảm bớt chi phí do các rào cản thương mại gây ra, họ có thể phòng ngừa bằng cách sản xuất hàng hóa ở nơi khác (chiến lược “Trung Quốc + 1”). Nhiều quốc gia cũng hy vọng sẽ giảm bớt khả năng bị các chính sách tùy tiện ở Trung Quốc ảnh hưởng — ký ức về các đợt cách ly do Covid ở Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn. “Đại dịch… cho thấy chúng tôi quá tập trung ở Trung Quốc,” một nhà sản xuất nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sang phương Tây đang chuyển sản xuất sang Việt Nam. Các thương hiệu như Samsung và Apple đang sản xuất các thiết bị ở đó. Các nhà cung cấp, bao gồm cả các nhà cung cấp Trung Quốc, đang tập trung xung quanh hai công ty này. Ông chủ một công ty điện tử cho biết: “Khách hàng của chúng tôi nhất quyết đòi chúng tôi chuyển đến Việt Nam” vì lý do địa chính trị. “Chúng tôi đã nghĩ đến điều đó vì chi phí lao động ở Trung Quốc đang tăng lên và giới trẻ Trung Quốc không còn muốn làm việc trong các nhà máy nữa”. Trong ba quý đầu năm 2023, tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trên GDP lớn gấp đôi Indonesia, Philippines hoặc Thái Lan, theo tính toán của Ngân hàng CLSA (xem biểu đồ).
IMF nhận định nếu thế giới tiếp tục bị chia cắt thành các khối thương mại đối thủ, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Với tỷ lệ linh kiện Trung Quốc cao trong nhiều sản phẩm được dán nhãn “Made in Vietnam”, không rõ Mỹ thực sự đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào bằng cách chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Nhưng cho đến nay thay đổi này vẫn có lợi cho Việt Nam.
Tăng trưởng GDP rất không ổn định: sụt giảm trong thời kỳ đại dịch, tăng trở lại 8% vào năm 2022, giảm xuống 4,7% vào năm 2023 trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng và dự kiến sẽ phục hồi lên 5,8% trong năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ở vị trí thuận lợi để tiếp tục thu hút đầu tư, Tony Nafte của CLSA lập luận. Quốc gia này cởi mở hơn với thương mại so với các nước Đông Nam Á khác. Thương mại vào năm 2022 tương đương với mức đáng kinh ngạc là 186% GDP, so với 45% ở Indonesia, 72% ở Philippines và 134% ở Thái Lan.
Lực lượng công nhân sản xuất trẻ, dồi dào của Việt Nam rất siêng năng, có trình độ học vấn khá cao và chi phí chỉ bằng một nửa so với công nhân ở các vùng ven biển Trung Quốc. Một ông chủ nhà máy nói rằng Việt Nam, không giống như Indonesia và Philippines, không có chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Việt Nam cung cấp những ưu đãi béo bở cho các nhà đầu tư nước ngoài, cả công khai (giảm thuế, đất giá rẻ) lẫn ngấm ngầm (công nhân công nghệ cao nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid). Và mặc dù là một quốc gia độc đảng như Trung Quốc nhưng lại thân thiện hơn. Người nước ngoài ở Bắc Kinh phàn nàn về bầu không khí sợ hãi; những người ở Việt Nam có vẻ thoải mái.
Tuy nhiên, đất nước này đang gặp phải một vấn đề chính trị lớn: chính phủ bị tê liệt vì tình trạng thiếu quyết đoán. Ông Trọng phải từ chức vào năm 2026. Nỗi lo sợ về lời đồn ông Trọng chết nhắc nhở rằng người kế vị ông vẫn chưa rõ ràng. Không biết lấy lòng ai trong vài năm tới, các quan chức ngần ngại đưa ra những quyết định quan trọng.
Công cuộc “đốt lò” để trấn áp tham nhũng do ông Trọng khởi xướng, đã khiến quan chức càng lo lắng hơn. Hàng trăm người đã bị bắt; năm ngoái chủ tịch nước (người đứng thứ ba trong hệ thống chính trị) đã phải từ chức. Các quan chức cấp thấp hơn đã miễn cưỡng phê duyệt các dự án lớn vì sợ bị truy tố. Trong kỳ thay đổi nhân sự sắp tới, bất kỳ một vụ bê bối nào cũng có thể hủy hoại sự nghiệp của họ, hoặc tệ hơn. Nhiều người kết luận rằng không làm gì hết là an toàn nhất.
Hãy xem về lĩnh vực năng lượng. Việt Nam đã làm rất tốt việc kết nối lưới điện đến các hộ gia đình (gần 100% dân cư nông thôn có điện, tăng từ 14% năm 1993). Nhưng khi ngành công nghiệp phát triển thì nhu cầu về điện cũng tăng theo. Ông chủ một hãng sản xuất cho biết nguồn cung nặng lượng có thể không đáng tin cậy: việc cắt điện năm ngoái rất “khủng khiếp”.
Và các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng muốn nói với khách hàng và cổ đông rằng họ sử dụng năng lượng sạch. Về điều này, Việt Nam đang gặp khó khăn. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào than đá, khiến không khí ở Hà Nội tệ hơn Thượng Hải. Nỗ lực lắp đặt pin mặt trời nhiều hơn đã giúp ích được đôi chút, nhưng lời hứa đạt mức phát thải khí carbonic bằng 0 vào năm 2050 có vẻ viển vông trừ khi họ tận dụng được gió từ bờ biển dài 3.000 km.
Điều đó có thể xảy ra, nhưng phải cần nhiều thời gian. Giám đốc một công ty năng lượng gió phàn nàn rằng quy trình cấp phép khảo sát đáy biển để tìm những địa điểm thích hợp “cực kỳ chậm” do cán bộ phải rất cẩn thận khi ra quyết định. Ông thở dài: không có khung pháp lý cho việc lắp đặt tua-bin hoặc bán điện lên lưới. Các bộ liên quan hầu như không trao đổi với nhau, mọi việc đều phải thông qua nhà cung cấp điện quốc doanh EVN luôn lừ đừ như ông từ vào đền. Các nhà bảo vệ môi trường phàn nàn rằng các nhóm lợi ích (tức các ông lớn đã đầu tư vào điện than) đang cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của nước này. Một số nhà bảo vệ môi trường đã bị bỏ tù vì tội “gian lận thuế”.
Một số đảng viên, chẳng hạn như thủ tướng Phạm Minh Chính, hiểu Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng như thế nào bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đồng bằng sông Mê Kông, phần lớn miền Tây Nam Việt Nam, sẽ bị nhấn chìm khi mực nước biển đang dâng cao, có nghĩa là biển cuối cùng có thể nuốt chửng khu vực này.
Các quan chức thực dụng lập luận rằng nếu Việt Nam muốn trở thành một cường quốc công nghiệp thì nên đặt cược vào công nghệ sạch của tương lai chứ không phải công nghệ bẩn mà khắp nơi trên thế giới đang cố gắng loại bỏ. Do đó, chính phủ ngầm ủng hộ VinFast, công ty sản xuất xe điện đầy tham vọng nhưng đang thua lỗ của tập đoàn tư nhân lớn nhất nước này. Nhưng nếu Việt Nam muốn đáp ứng các cam kết về khí hậu hoặc chuẩn bị cho một thế giới ấm hơn thì cần cải cách nhanh hơn.
Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại và môi trường kinh doanh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng nên các nhà hoạch định chính sách cần phải theo kịp. Đôi khi, họ không làm được như vậy. Ví dụ, chính sách giảm thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã trở nên kém hấp dẫn hơn kể từ khi OECD, câu lạc bộ các nước giàu, đồng ý áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Một giám đốc nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, các công ty đa quốc gia đóng thuế ít hoặc không đóng gì ở Việt Nam có thể phải chịu mức phí cao hơn ở những nơi khác.
Ông cho rằng thay vì đề nghị giảm thuế, chính phủ nên đơn giản hóa các quy định. Bruno Jaspaert, người đứng đầu Deep C, một khu công nghiệp ở thành phố Hải Phòng, đồng tình: “Cơ hội là rất lớn nhưng tệ quan liêu là vấn đề lớn nhất”. Luật lệ thường mâu thuẫn nhau; một số dự án cần được hàng chục bộ phê duyệt. Cần nhiều cơ sở hạ tầng hơn. Giao thông công cộng còn kém nên giao thông ở các thành phố lớn còn chậm.
Dù bị trấn áp nhưng tham nhũng vẫn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Một doanh nhân nước ngoài phàn nàn về việc phải tuân theo hai bộ luật: luật chính thức, chẳng hạn như nộp thuế và đảm bảo luật phòng cháy chữa cháy, và luật không chính thức, chẳng hạn như trả tiền cho quan chức địa phương để không bị họ bóp cổ bằng các cuộc kiểm tra.
Việt Nam đã vươn lên từ tình trạng nghèo đói trầm trọng đến mức thịnh vượng khiêm tốn chỉ trong một thế hệ. Nhưng quốc gia này cần phải tiếp tục cải cách. Những cơn gió địa chính trị có thể thay đổi. Các quốc gia khác có thể trở nên cạnh tranh hơn. Theo một ước tính, Việt Nam đang già đi nhanh chóng: dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm sau năm 2038. Và người dân Việt có thể chán đảng cầm quyền nếu mức sống không tiếp tục tăng nhanh. Chính quyền cũng như lãnh đạo đều không trường tồn.
________________
Nguồn:
The Economist – Few countries are better placed than Vietnam to get rich (economist.com)
No comments:
Post a Comment