2024 : Năm của những cuộc bầu cửPhan Minh
Đăng ngày: 01/01/2024 - 10:48
RFI
Ảnh ghép : Donald Trump (T) và Joe Biden, hai ứng cử viên tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. AFP
Theo giới quan sát, các nước tổ chức bầu cử sẽ đối mặt với nhiều thách thức, như thông tin sai lệch, tin giả, sự thao túng liên quan đến trí thông minh nhân tạo (AI).
Dưới đây là một số cuộc bầu cử đáng chú ý nhất :
Hoa Kỳ : Biden-Trump tái đấu ?
Ngày 05/11, hàng chục triệu người Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra các “đại cử tri”, những người có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn ai làm chủ nhân Nhà Trắng.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 60 có thể sẽ giống như một sự kiện “déjà vu” (đã từng thấy), với trận lượt về giữa tổng thống 81 tuổi sắp mãn nhiệm thuộc đảng Dân Chủ Joe Biden và người tiền nhiệm 77 tuổi thuộc đảng Cộng Hòa Donald Trump.
Nếu cuộc đối đầu giữa hai nhân vật lão làng này thành hiện thực, cuộc bỏ phiếu năm 2024 sẽ rất được chú ý sau những tranh cãi và thông tin sai lệch xung quanh cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trump chưa bao giờ thừa nhận thất bại và một bộ phận cử tri Mỹ vẫn quả quyết cho rằng cuộc bầu cử đã bị ông Biden và đảng Dân Chủ “đánh cắp”.
Quốc Hội Mỹ, ngày 14/12, đã thông qua nghị quyết mở cuộc điều tra luận tội tổng thống Joe Biden, bị cáo buộc “làm ngơ” trước những thương vụ làm ăn đáng ngờ ở nước ngoài của người con trai Hunter. Tuy nhiên, thủ tục này dường như sẽ không mang lại kết quả gì.
Nga : Phe đối lập bị bịt miệng
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Vladimir Putin, hôm 08/12, tuyên bố sẽ tái ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3.
Nhân vật cai trị nước Nga trong vòng 23 năm đã sửa đổi Hiến Pháp vào năm 2020. Về mặt lý thuyết, điều này cho phép tổng thống Putin tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036 và vượt qua kỷ lục của Joseph Stalin về thời gian tại chức ở điện Kremlin.
Trong những năm gần đây, phe đối lập và xã hội dân sự Nga đã bị bịt miệng trong bối cảnh xung đột ở Ukraina vẫn hoành hành : các đối thủ chính trị chính của ông Putin đều bị lưu đày hoặc bỏ tù, như Alexeï Navalny, kẻ thù số một của điện Kremlin.
Ấn Độ : Gần một tỷ cử tri đi bầu
Khoảng 945 triệu người Ấn Độ sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 5 cho cuộc tổng tuyển cử ở một đất nước đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, sau khi vượt qua Trung Quốc.
Đảng Nhân Dân Ấn Độ (BJP) của thủ tướng Narendra Modi, đương chức từ năm 2014, đang có khả năng chiến thắng cao nhất trong các cuộc thăm dò, bởi chủ nghĩa dân tộc của đảng BJP quyến rũ đa số cử tri theo đạo Hindu.
Theo tổ chức phi chính phủ Freedom House, cuộc bầu cử này sẽ diễn ra trong bối cảnh các quyền chính trị và tự do dân sự bị suy thoái.
Được lãnh đạo bởi Rahul Gandhi, đảng Quốc Đại từng là thế lực rất có ảnh hưởng giờ bị suy yếu, đã tìm cách thành lập một liên minh lớn với các đảng đối lập khác nhau trong khu vực để thách thức thủ tướng Modi.
EU : Bầu cử Nghị Viện châu Âu
Hơn 400 triệu cử tri từ 27 quốc gia châu Âu sẽ đi bỏ phiếu bầu ra 720 dân biểu châu Âu vào đầu tháng 6, trong một cuộc bỏ phiếu quy mô xuyên quốc gia.
Sự kiện này có thể để lại dấu ấn với một làn sóng mới của những lực lượng hoài nghi về châu Âu, điển hình là chiến thắng của đảng cực hữu bài Hồi Giáo PVV trong cuộc bầu cử Quốc Hội Hà Lan.
Cuộc bầu cử này sẽ diễn ra vào thời điểm vấn đề nhập cư là chủ đề được tranh luận sôi nổi ở một số quốc gia trong Liên Âu và hầu bao của người dân châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát.
Mêhicô : Chạm trán giữa hai ứng viên nữ
Vào tháng 6, lần đầu tiên một người phụ nữ có thể sẽ trở thành tổng thống Mêhicô, một biểu tượng quan trọng ở đất nước này, nơi ghi nhận hàng nghìn vụ sát hại phụ nữ mỗi năm.
Hai người phụ nữ đang có nhiều triển vọng kế nhiệm tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador là cựu thị trưởng thành phố Mexico, Claudia Sheinbaum, thuộc đảng Morena cầm quyền (cánh tả), đang áp đảo trong các cuộc thăm dò, và thượng nghị sĩ Xochitl Galvez, thuộc liên minh tập hợp ba đảng đối lập.
Iran : 18 tháng sau cái chết của Mahsa Amini
Cuộc bầu cử lập pháp sẽ được tổ chức vào ngày 01/03 tại Iran, 18 tháng sau cái chết của Mahsa Amini. Sự kiện cô gái người Kurdistan chết sau khi bị cảnh sát bắt giữ vì đeo khăn trùm đầu không đúng quy cách đã gây ra những cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài nhiều tháng chống lại các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo. Phong trào biểu tình này bị đàn áp một cách thô bạo, khiến hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị bắt giữ.
Cuộc bầu cử năm 2020 trước đó được đánh dấu bằng sự kiện hàng loạt các ứng viên theo chủ nghĩa cải cách và ôn hòa bị đồng loạt đánh trượt, gần như biến cuộc bầu cử thành một trận chiến giữa những ứng viên bảo thủ và ứng viên cực đoan.
Senegal : Cuộc bầu cử căng thẳng ?
Trong khi sẽ có 10 cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào năm 2024 ở châu Phi, nơi xảy ra 8 cuộc đảo chính trong vòng 3 năm qua, cuộc bầu cử ở Senegal, được tổ chức vào ngày 25/02, có thể diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.
Tổng thống Macky Sall, nắm quyền từ năm 2012, đã chọn thủ tướng Amadou Ba là ứng cử viên đại diện cho phe của ông vào tháng 9, một quyết định gây tranh cãi trong nội bộ.
Về phía phe đối lập, người về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019 là Ousmane Sonko, có được ra tranh cử hay không, vẫn còn là ẩn số. Vào ngày 14/12, tư pháp Senegal đã ra phán quyết điền tên ông Sonko trở lại vào danh sách những ứng viên tranh cử, bước ngoặt mới trong cuộc chiến pháp lý của ông chống lại Nhà nước, được đánh dấu bằng hàng loạt những cuộc biểu tình bạo lực chết người.
Venezuela : Liệu phe đối lập có thể thách thức chế độ Chavez ?
Tại một đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng khiến hơn 7 triệu người phải sống lưu vong, tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, người kế nhiệm ông Hugo Chavez (1999-2013), đang hướng tới việc đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào nửa cuối năm 2024.
Cuộc bầu cử giúp ông Maduro tái đắc cử vào năm 2018 bị nhiều nước coi là gian lận, không được nhiều quốc gia công nhận, trong đó có Hoa Kỳ.
Một phần lớn phe đối lập, bị chia rẽ từ nhiều năm, đã đoàn kết ủng hộ Maria Corina Machado theo chủ nghĩa tự do, bất chấp việc bà bị bãi miễn quyền ra ứng cử.
Sau khi nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ vào tháng 10 trong vòng 6 tháng đối với Venezuela, quốc gia nắm giữ trữ lượng vàng đen lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ đang kêu gọi chính quyền Caracas dỡ bỏ các biện pháp bãi miễn quyền ra ứng cử của một số ứng viên đối lập, bao gồm Maria Corina Machado.
No comments:
Post a Comment