Sunday, October 15, 2023

VNTB – Quà cho Tập Cận Bình
Nguyễn Ngọc Tâm
16.10.2023 3:51
VNThoibao



(VNTB) – Phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” khi được lồng Hoa ngữ, thì đây sẽ là “quà văn hóa” để Hà Nội dâng tặng Tập Cận Bình khi có tin ông sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng này.

 Chiếc áo lông ngỗng thế kỷ 21

Ngày xửa ngày xưa, nước Việt nhờ có nỏ thần của rùa thần mà giặc Bắc bao lân tràn qua xâm lược đều phải cong đuôi tháo chạy.

Người Bắc họ không biết đất Việt bé nhỏ tại sao lại chống lại phương Bắc hùng mạnh. Thế là họ lấy kế giảng hoà gả Trọng Thuỷ cho Mỵ Châu, con gái của vua Hùng.

Trọng Thuỷ một mặt là ở rể đất Việt hay như mưu đồ chính trị là làm con tin, một mặt là thám thính tình hình nước Việt và nghiên cứu loại vũ khí đã đẩy lùi được quân đội nước Bắc.

Mỵ Nương sau một thời gian sống chung thì nảy sinh tình cảm chân thật, thật tình chỉ dẫn tận tường đường đi nước bước trong cung cho chồng. Cuối cùng thì mục đích của Trọng Thuỷ cũng đạt được khi nàng chỉ cho gã cách lắp nỏ thần.

Trọng Thuỷ nắm được bí mật thì ăn cắp lấy móng rùa và chạy về nước, dẫn quân đánh nước Việt. Vua Hùng đem nỏ thần ra bắn thì không thấy hiệu nghiệm. Quân giặc tràn vào, hai cha con đành phải chạy trốn.

Trong lúc tháo chạy, Mỵ Nương nhớ lời giao hẹn với chồng, bèn rải lông ngỗng dọc đường đi để Trọng Thuỷ có thể tìm được nàng nếu có thất lạc. Vua Hùng dẫn con chạy tới bờ biển thì rùa thần hiện lên. Nhà vua trách tại sao nỏ không hoạt động thì rùa nói móng rùa đã mất nên nỏ không hoạt dộng, còn nhà vua thì đang chở giặc ở sau lưng.

Nhà vua quay lại nhìn con gái thì thấy dọc đường đi là lông ngỗng trắng xoá, còn giặc Bắc thì thúc ngựa phía sau. Giận con, vua Hùng cắt đầu Mỵ Nương rồi tự sát. Máu Mỵ Nương nhuộm đỏ áo lông ngỗng. Nàng hoá thành viên trân châu. Người đời kể, Trọng Thuỷ khóc thương vợ mà chết.

Chuyện trên kể ra chắc người nào cũng biết. Và chiếc áo lông ngỗng oan nghiệt ấy đã được ‘chuyển thể điện ảnh’ trong phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”, mà một trong những chủ bỏ tiền đầu tư là một nam diễn viên gốc Hoa kiều ở Chợ Lớn.

“Thiên địa hội ở Nam kỳ”

Nhà văn Hà Thanh Vân có đề nghị đổi tựa phim thành “Thiên địa hội ở Nam kỳ” thay vì “Đất rừng phương Nam”. Ông đưa ra lập luận như sau – trích:

Trong suốt bộ phim không có bóng dáng của Việt Minh. Nhưng cũng không có cả bóng dáng những người cộng sản hoạt động của Nam Bộ trước 1945. Nếu có, chỉ được thể hiện rất mờ nhạt qua 2 cuộc họp, một cuộc họp chung với Thiên Địa Hội, một cuộc họp riêng với nhau, nhưng cũng không có một từ ngữ nào để chỉ “cộng sản” hay Việt Minh, chỉ có thể lờ mờ tự hiểu là có hai phe, đều yêu nước, chống Pháp, lúc thì hợp tác, lúc thì mâu thuẫn nhau, trong đó có một phe là “cách mạng”, phe kia là Thiên Địa Hội.

Vậy cứ cho là đạo diễn Quang Dũng và người viết kịch bản là Trần Khánh Hoàng cố tình lùi về một khoảng thời gian xa trước đó, thì có mấy điều lấn cấn sau đây: Logic lịch sử là sai vì Thiên Địa Hội đã không còn hoạt động chống Pháp kể từ sau cuộc nổi dậy cứu Phan Xích Long năm 1916, huống chi Thiên Địa Hội còn có một khuynh hướng khác là băng nhóm xã hội đen.

Còn cách mạng hay cộng sản thì kể từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản thành lập, hoặc có lùi trước đó là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội từ cũng là từ năm 1925 và bắt đầu từ Quảng Châu.

Toàn bộ phim chỉ mang dấu ấn đậm nét của Thiên Địa Hội. Nhân vật “bé An” cũng thắp hương bái vào Thiên Địa Hội, học võ theo Thiên Địa Hội, sống theo Thiên Địa Hội.

Các đại cảnh toàn là hành động của Thiên Địa Hội. Các nhân vật như anh Tiều (Tiến Luật đóng), Võ Tòng (Mai Tài Phến) và một loạt các nhân vật khác đều là của Thiên Địa Hội, từ giọng nói đến trang phục.

Dĩ nhiên là thời kỳ này ở Nam Bộ thì sự cộng cư và hỗn dung văn hóa giữa Việt – Hoa – Khmer là rất rõ. Song về mặt xây dựng nhân vật thì cho thấy tuyến nhân vật phụ lấn át nhân vật chính. Nhân vật người cha của bé An được xây dựng là người cách mạng yêu nước, nhưng rất mờ nhạt với những nhân vật của Thiên Địa Hội.

Thậm chí một số người yêu nước, cách mạng là đồng chí của nhân vật Hai Thành (ba bé An) còn tỏ ra nhỏ nhen, kém cỏi so với những nhân vật “anh hùng Thiên Địa Hội”.

Ở đây thậm chí người viết kịch bản và đạo diễn cũng không phân biệt được Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, mà gộp chung làm một, thể hiện rất rõ qua các câu thoại!

Một khi bộ phim với chuyện lấy “Thiên Địa Hội” làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, thì cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ”, vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn thấy là Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật) đi mãi võ.

Nhưng cũng nên lưu ý là gọi anh Tiều có ý bảo là anh ấy người Tiều (Triều) Châu. Thưa rằng các gánh “Sơn Đông mãi võ” thì đều là người Sơn Đông nên mới chết danh.

Người miền Nam quá ác?

Một cựu Tổng biên tập nói rằng khi nghe ý kiến chê khen, bao gồm cả đồn đoán ‘phong bì’ rất đậm cho giới báo chí, ông quyết định tự bỏ tiền túi ra đi coi và theo lời ông, “coi phim gần đến cuối thì… tức”.

Ông kể qua góc nhìn là một người xứ Tiên Thủy – Bến Tre quê hương ông: “Có lẽ nhân vật Tư Mắm đã phá hỏng hết mọi ý đồ minh hoạ cho những thứ tốt đẹp thuộc về con người và vùng đất phương Nam. Kịch bản điện ảnh đã chế ra một nhân vật ác nữ làm nhân tố đẩy kịch tính tới cao trào, nhưng lại làm cho người xem bật ngửa khi muốn hiểu tại sao cô ấy rắp tâm thù hận một đứa bé lưu lạc đáng thương đến thế.

Đào đâu ra ở cái xứ hồn hậu này một người đàn bà chỉ vì theo Tây mà ra sức truy đuổi, chực bóp cò vào một đứa trẻ, nã đạn điên cuồng vào bà con mình, đem xuân sắc của mình mồi chài một ông chệch sơn đông mãi võ để dò thám hành động của hội kín?

Tư Mắm là một kiểu sáng tạo xàm xí đế khó bỏ qua nhứt. Còn thôi, ba cái chuyện trang phục hay tạo hình nhân vật, là chuyện nhỏ. Nhưng kèm theo đây là xác định của con một thợ may nhà quê xưa: cái nút áo trong mấy bộ bà ba trong phim bà già tui kêu là nút tàu. Chớ nút vải của người Nam đơm kiểu khác. Cũng như phải nhà cô ba, cô bảy giàu có ở quê mới mặc áo cổ bâu lật, tay dún, chớ con bé lang thang con ông chệt Tiều “cửa” gì mà có mặc… Thành ra phim đi coi thì cứ coi, coi cũng tươi, mướt, chớ đừng kê con táng vùng đất, con người mà tức…”.


 

No comments:

Post a Comment