Nguyễn Ngọc Chính - Tiểu thuyết “feuilleton” trong làng báo Sài Gòn
lundi 30 octobre 2023
Thuymy
“Feuilleton” phát nguồn từ Pháp để ám chỉ những bài viết đăng nhiều kỳ trên báo. Khởi đầu với truyện “La Comtesse de Salisbury” của nhà văn Alexandre Dumas, đăng năm 1836, từ ngày 15/07 đến 11/09, trên tờ Press. Sau đó là truyện “La Vieille Fille” của Balzac từ 23/10 đến 30/11/1836.
Du nhập vào làng báo Việt là một sinh hoạt độc đáo của báo chí quốc ngữ thời xa xưa tại Miền Nam. Có thể nói, đi đầu trong thể loại này là “Vè Tam Cang” bằng văn vần được đăng liên tục tám kỳ trên báo “Thông Loại Khóa Trình” (1888-1889) của Trương Vĩnh Ký.
Riêng về tiểu thuyết “feuilleton” đầu tiên xuất hiện trên báo Nam kỳ phải kể đến loại truyện 1.001 đêm với hai truyện “Bảy chuyến đi của Sinbad” và “Chuyện người thợ cao vô duyên bạc phận” thuộc loại bài đăng nhiều kỳ nhất trên “nhựt trình”.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng nổi tiếng với những tác phẩm “feuilleton” như “Nhơn tình ấm lạnh”, “Nợ đời”, “Tiền bạc bạc tiền”... đăng trên các báo Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập. Cũng có tiểu thuyết lại đăng trên cả hai tờ báo, đó là “Châu về hiệp phố” của Phú Đức, nửa đầu đăng trên báo Công Luận, nửa sau đăng báo Trung Lập.
Với báo chí Sài Gòn xưa, “feuilleton” là món ăn không thể thiếu của người đọc báo. Chính vì truyện luôn là sáng tác mới của các nhà văn, nhà báo nên nhiều người mê tiểu thuyết phải mua và đọc báo hằng ngày, không phải vì tin tức thời sự mà chỉ vì... tiểu thuyết hấp dẫn.
Nhà văn viết tiểu thuyết “feuilleton” có tên tuổi ở miền Nam phải kể đến Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Ngọc Sơn, An Khê, Bình Nguyên Lộc, Bà Tùng Long, Lê Xuyên…
An Khê có tiểu thuyết “Sóng tình”, do nhà xuất bản Miền Nam in năm 1960, dài đến 695 trang. Nhà văn Lê Xuyên viết tác phẩm “Chú Tư Cầu”, đăng trên báo Sàigòn Mai từ tháng 2 năm 1961 đến tháng 2 năm 1963, xuất bản thành sách vào tháng 3 năm 1963, dài đến 907 trang.
Nhà văn Bình Nguyên Lộc cho biết, ông thích viết “feuilleton” trên giấy kẻ hàng của vở học trò. “Nghề dạy nghề” nên ông cũng rất rành trong việc cần phải viết bao nhiêu trang giấy thì đủ in một kỳ cho nhật báo. Thông thường, các nhật báo in trên tờ giấy báo khổ 74x58 cm, gấp đôi thành 4 trang báo, tiểu thuyết in ở trang trong. Mỗi trang báo được chia làm 4 “cột” theo chiều dọc, tiểu thuyết in theo phần đó cũng chia làm 4 “cột”.
Sang đến thời truyện chưởng của Kim Dung dịch từ trên báo ở tận Hồng Kông, hầu như báo nào ở Sài Gòn cũng đăng truyện kiếm hiệp do Hàn Giang Nhạn hay Từ Khánh Phụng dịch. Đa số độc giả, từ trí thức đến người lao động, thấy “Cô Gái Đồ Long” quá hấp dẫn nên các tờ báo đua nhau có truyện chưởng.
Hai nhân vật chính của “Cô Gái Đồ Long” là Vô Kỵ và Triệu Minh nổi tiếng trong giới mê chuyện kiếm hiệp. Ngay như “ông tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ còn tự nhận mình là Vô Kỵ, bà vợ Đặng Thị Tuyết Mai lại đổi thành Triệu Minh!
“Cô Gái Đồ Long” xuất hiện vào thập niên 60, thực ra thì tác giả Kim Dung không hề dùng tựa đề đó cho bộ truyện kiếm hiệp. Tựa nguyên thủy là “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” nhưng khi qua đến Sài Gòn dịch giả Từ Khánh Phụng đã đổi tựa thành “Cô Gái Đồ Long”!
Hằng ngày cộng tác viên của các báo ra ngồi chầu chực ở sân bay Tân Sơn Nhứt chờ chuyến bay từ Hồng Kông về để có đoạn mới nhất. Bữa nào chuyến bay gặp trục trặc, các báo đành phải để trang trống với lời xin lỗi độc giả. Người đọc sẽ không ngạc nhiên khi tờ báo đăng “cáo lỗi” vì lý do… báo bên Hồng Kông gửi qua trễ!
“Feuilleton” luôn đòi hỏi phải là truyện mới nên các tiểu thuyết đăng báo đều phải là sáng tác. Theo Bình Nguyên Lộc, là người viết tiểu thuyết “feuilleton” chuyên nghiệp, có lúc ông phải viết đến 11 tiểu thuyết hàng ngày để đăng trên các báo. Nhà văn An Khê còn viết đến 12 tiểu thuyết cho các báo cũng trong một ngày!
Bà Tùng Long (1915 – 2006), ngoài việc phụ trách chuyên mục giải đáp, tâm tình với nữ giới còn viết khá nhiều “feuilleton”. Hồi ký của Bà Tùng Long có ghi lại:
“Tôi thường ghé tòa soạn mỗi buổi sáng, vào thẳng nhà in lấy tờ ruột đã in trang 2 và 3, để coi lại feuilleton của mình đã in đến đâu. Nếu hôm nào người ấn loát trưởng (chef typo) cho biết bài của tôi đã hết, phải đưa thêm, tôi liền ngồi vào bàn tại phòng sắp chữ, viết nối theo đoạn tiểu thuyết hôm trước, đưa liền cho thợ kịp sắp chữ, lên khuôn.
Tôi luôn luôn lập sẵn dàn bài, tóm lược cốt truyện, phân chương và ghi chi tiết từng chương, định hình nhân vật … cho mỗi truyện. Trước khi viết tiếp cho báo nào, tôi luôn xem lại dàn bài này, nhờ vậy không bao giờ lẫn lộn cốt truyện, hoặc nhân vật truyện này qua truyện nọ. Nói cho đúng, tôi nhờ nghề viết văn mà lần hồi nuôi được chín đứa con, đứa nào cũng vào đại học…’’
(Hết trích)
Nhà văn Hoàng Hải Thủy lại đánh giá có phần “tiêu cực” dù ông cũng sống bằng nghề viết tiểu thuyết “feuilleton”:
“Đa số các feuilleton đều kém giá trị nghệ thuật là vì cách làm việc máy móc của các nhật báo: Đúng giờ đã định thì phải có bài, hay hoặc dở, hứng thú hoặc chán nản, mạnh khỏe hay đang đau yếu, người viết phải viết cho đủ bài. Đa số người viết lại là những văn nghệ sĩ làm việc tùy hứng, lười viết, chờ đến giây phút đòi hỏi cuối cùng mới ngồi vào bàn viết, tất nhiên không thể nào hay được”.
Để cạnh tranh, nhiều chủ báo thường mướn những nhà văn có tên tuổi viết riêng cho báo mình. Năm 1950, khi thấy Phú Đức viết hấp dẫn độc giả, chủ báo Đinh Văn Khai mời ông viết riêng cho báo Tiếng Chuông. Đó là truyện “Bách Si Ma” và cũng là tiểu thuyết cuối cùng trong đời sáng tác của Phú Đức.
Người viết “feuilleton” gây sóng gió trong làng báo Sài Gòn cũng là nhà văn Phú Đức. Năm 1924, ông chỉ là một thầy giáo tên Nguyễn Đức Nhuận, nhân khi rảnh rỗi đã viết tiểu thuyết đầu tay và gởi cho tờ Trung Lập Báo đề nghị… “đăng không lấy tiền”! Đó là tiểu thuyết “Câu chuyện Canh Tràng” được ký dưới bút danh Phú Đức. Sau đó, tay nghề đã cao, Phú Đức viết tiểu thuyết cho Trung Lập Báo với số lương kha khá…. 20 đồng/tháng (tiền thời đó).
Năm 1925, Phú Đức cho ra đời tiểu thuyết “Châu về hiệp phố”, được đánh giá là hay nhứt của ông khi xuất hiện trên Trung Lập Báo. Chủ báo khi ấy là ông De Lachevrotière tăng lương cho ông lên 40 đồng rồi sau đó lên đến mức 80 đồng/tháng, tương đương với lương Đốc phủ sứ thời bấy giờ! Nhận thấy “feuilleton” của mình ăn khách quá, Phú Đức bèn nghĩ cách ra một tờ báo riêng cho mình lấy tên là Bình Dân chỉ đăng toàn tiểu thuyết “feuilleton”. Ấy thế mà chỉ sau 3 tháng ra báo riêng, ông đã tậu được nhà lầu!
Vào thập niên 1950-1960 là thời vàng son của những nhà viết tiểu thuyết “feuilleton” tại Sài Gòn, bởi vì thời đó có nhiều nhật báo tại Miền Nam và cũng đây cũng là mảnh đất trù phú dành cho văn học quốc ngữ phát triển, gồm có báo chí và tiểu thuyết.
Sau năm 1975, “feuilleton” biến mất trên các mặt báo vì có quá nhiều tin bài mà tờ báo thì số trang hạn hẹp, nhưng cũng có thể vì không còn những tác giả làm chuyện phi thường là mỗi ngày viết một hai ngàn chữ hấp dẫn để đăng báo?
Tiểu thuyết “feuilleton” là truyện chưa viết xong, chưa in thành sách nhưng đã đăng báo. Nhà văn có thể viết một đoạn rồi đăng báo hoặc viết tới đâu đăng báo tới đó… Thế cho nên, tác giả viết năm bảy trang đủ đăng một kỳ báo rồi đưa cho báo hàng ngày, hằng tuần hay hàng tháng.
Nhà văn Lê Hoằng Mưu thuở sơ khai của tiểu thuyết Miền Nam, cũng như nhà văn Ngọc Sơn vào thập niên 1950, được trả lương cao nhất cho tiểu thuyết của họ và được biệt đãi. Sau này, người làm Chủ bút, người lại có tiền thưởng cao vào dịp cuối năm.
Về phần mình, nhà văn Hoàng Hải Thủy tâm sự:
“Năm 1956 tôi bắt đầu viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho nhật báo Ngôn Luận, tiền trả mỗi tháng cho truyện của tôi là 4.000 đồng, sau đó lên 5.000 đồng. Đồng bạc Việt Nam Cộng Hòa vững giá trong thời chính phủ Ngô Đình Diệm – cũng có lạm phát nhưng tỉ lệ không đáng kể – và mất giá thê thảm trong những năm sau đó. Năm 1966, 1967 tôi viết tiểu thuyết “Môi Thắm Nửa Đời” – bị anh em gọi là “Môi Thắm Nửa Đùi” – cho nhật báo Chính Luận, được trả 7.000 đồng một tháng (…)
Gần năm mươi năm sau ngày tôi viết bộ tiểu thuyết phơi-ơ-tông thứ nhất của tôi – truyện “Nổ Như Tạc Đạn” – năm nay lưu lạc quê người, nhớ và viết về những truyện phơi-ơ-tông, những người viết phơi-ơ-tông ở Sài Gòn ngày xưa, tôi thấy trái tim tôi trĩu nặng. Tôi nhớ những tác giả tiểu thuyết phơi-ơ-tông nổi tiếng một thời ở Sài Gòn nay đã không còn ở cõi đời này: anh Chu Tử trúng đạn thù chết trên đường ra biển ngày 30 Tháng Tư 1975, Trọng Nguyên mất vì ung thư phổi năm 1982, anh Hoàng Ly, tác giả Một Thời Ngang Dọc, Giặc Cái, mất năm 1983, Chú Tư Cầu Lê Xuyên chết năm 2000, anh An Khê, Duyên Anh qua đời ở Pháp…’’
(Hết trích)
Như đã thấy, trước năm 1975, tiểu thuyết feuilleton giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành một tờ báo ở Sài Gòn. Một tiểu thuyết feuilleton hấp dẫn, ăn khách, giúp tờ báo có được nhiều độc giả.
Từ đó, tờ báo có thể sống vững, dù phần thời sự, nghị luận nơi trang ngoài của tờ báo không có gì hơn những báo khác. Chỉ nhờ có tiểu thuyết “feuilleton” ăn khách, một tờ nhật báo ở Sài Gòn cũng có thể trở thành một tờ báo lớn, bán chạy.
NGUYỄN NGỌC CHÍNH 30.10.2023
No comments:
Post a Comment