VNTB – Băng nhóm tội phạm nguy hiểm nhất Việt NamTrần Quý Thường
29.10.2023 7:17
VNThoibao
Bộ công an vừa trình Quốc hội dự thảo thành lập “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”, đồng thời xin ngân sách số kinh phí lên tới 3.505 tỷ mỗi năm để nuôi lực lượng này. Tuy nhiên tình hình an ninh trật tự ngày càng bất ổn, xã hội ngày càng nhiều tệ nạn. Cho thấy đất nước đang tốn rất nhiều tiền cho một lực lượng kiêu binh vô dụng nhưng vô cùng nguy hiểm này.
Đông nhưng không hiệu quả
Dự thảo do Bộ Công an chủ trì soạn thảo có tên là “Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”. Theo giải trình của bộ công an, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, công an chính quy tại xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn.
Cùng với nhu cầu tiếp cận để hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nên rất cần lập ra “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”.
Hiện có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong các lực lượng gồm: đội dân phòng, bảo vệ dân phố; công an xã bán chuyên trách. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 84.721 thôn, tổ dân phố. Mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự.
Với dự thảo này, công an đã thừa nhận rằng dù lực lượng chính quy hiện nay đã có mặt khắp nơi, cùng với gần 300.000 dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên vẫn không thể đảm bảo được an ninh xã hội. Trộm cướp, cờ bạc, ma tuý và nhiều tệ nạn khác vẫn diễn ra khắp nơi. Nhưng vẫn chưa có cách nào ổn định xã hội, mà thậm chí càng ngày càng nguy hiểm, tính chất các vụ án càng ngày càng phức tạp hơn.
Kiêu binh: băng nhóm tội phạm nguy hiểm nhất Việt Nam
Cũng theo công an, “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” không phải là lực lượng chính quy, do đó không thuộc biên chế nhà nước để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Thực chất đây là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập quản lý. Lực lượng này có tính chất hoạt động hỗ trợ lực lượng công an chính quy cấp xã, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn cấp xã theo hướng dẫn phân công của công an xã.
Việc lập ra lực lượng này sẽ dẫn đến nguy cơ chồng chéo giữa các bên. Nếu không chuyên nghiệp hoá hoặc có cơ chế rõ ràng cho lực lượng đông đảo này thì càng dẫn tới nhiều hệ luỵ tiêu cực cho xã hội. Cùng với đó là sự nhập nhằng trong phân bổ ngân sách, lương thưởng và các khoản chi phí khác.
Bản chất nhà nước cộng sản Việt Nam là một thể chế độc tài công an trị. Việc luồn sâu vào từng ngóc ngách xã hội để kiểm soát người dân là công thức chung của loại nhà nước này. Để cho công an càng ngày càng mở rộng, tăng cường số lượng, và trao quyền hạn vô tội vạ sẽ dẫn tới tình trạng “kiêu binh”. Biến những người vốn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh này trở thành tội phạm. Và thực tế, họ chính là lực lượng phạm tội nhiều nhất Việt Nam.
Hiện nay, những người làm dân phòng, dân phố thậm chí cũng không nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình khiến cho tình trạng lạm quyền diễn ra khắp nơi. Nhiều trường hợp dân phòng, dân phố lộng quyền, tuỳ tiện chặn xe người đi đường để xử phạt vi phạm giao thông, vi phạm hành chính. Thậm chí có nhiều nơi lực lượng này còn đứng ra thu tiền bảo kê cho các ổ cờ bạc, đá gà, số đề, mại dâm và nhiều hoạt động bất hợp pháp khác tại địa phương.
Thế nhưng một khi bộ trưởng bộ công an Tô Lâm đã quyết tâm thành lập, thì khó đại biểu quốc hội nào dám phản đối. Vì mọi cán bộ cộng sản Việt Nam đều bị bộ công an nắm thông tin, từ chuyện tham nhũng tới tình cảm, gia đình, đời tư. Lên tiếng trái ý Tô Lâm, chẳng khác nào tìm đường chết. Muốn xoá bỏ lực lượng kiêu binh này thì phải tìm cách thay đổi thể chế công an trị. Chỉ có con đường dân chủ hoá Việt Nam thì mới có thể giải quyết tận gốc mọi nan đề hiện nay.
No comments:
Post a Comment