Monday, October 30, 2023

Phó Đức An - Than ôi, trời sinh Cường sao còn sinh Bình!
lundi 30 octobre 2023
Thuymy


Là một cây viết thích bình luận chính trường. Cái chết của cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường là một tin xứng đáng để lão rút gươm múa một bài.

Cái chết bất ngờ của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gây ra sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với các cuộc thảo luận liên quan trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc vẫn dùng nhiều phương pháp khác nhau để tưởng nhớ ông, người mà họ cho là quan chức cấp cao cuối cùng, đại diện cho con đường cải cách mở cửa dưới thời Tập Cận Bình.

Mọi người đăng clip trên mạng xã hội về những cuộc nói chuyện của ông, hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa với thế giới. Họ chia sẻ những bức ảnh ông lội trong bùn đen ngập đến mắt cá chân để thăm các nạn nhân lũ lụt. Họ thậm chí còn đề cập đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm đầu tiên ông làm thủ tướng: 7,5 %.

Cái chết của Lý Khắc Cường, 68 tuổi, hôm thứ Sáu đã khiến cư dân mạng cùng nhau dấn lên một làn sóng chia buồn tự phát. Lý Khắc Cường giữ chức thủ tướng trong 10 năm và là “người có quyền lực thứ hai” của Trung Quốc cho đến tháng Ba năm nay.

Trong lòng nhiều người dân Trung Quốc, cái chết của Lý Khắc Cường đã khơi dậy nỗi nhớ về thời đại mà ông đại diện: một thời đại có triển vọng kinh tế tốt hơn và cởi mở hơn với doanh nghiệp tư nhân. Phản ứng như vậy là vô cùng bất ngờ và thể hiện sự bất mãn trong nước của người dân đối với sự lãnh đạo của Tập Cận Bình - Nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn đã giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có vào năm ngoái sau khi tìm cách phế truất giới hạn hai nhiệm kỳ từ lâu nay.

Từ bài bình luận này đến bài phát biểu khác trên mạng xã hội, mọi người ca ngợi những chủ trương và phát ngôn của Lý Khắc Cường nhiều hơn là những thành tích chính trị của ông dưới thời Tập Cận Bình. Trong nhiệm kỳ thủ tướng của Lý Khắc Cường, người lãnh đạo việc hoạch định chính sách kinh tế lại là Tập Cận Bình.

Lý Khắc Cường có thể là thủ tướng ít quyền lực nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nỗi đau buồn trước cái chết của ông phản ánh sự vỡ mộng của công chúng về một kỷ nguyên cải cách và tăng trưởng đã bị bỏ rơi, cũng như cảm giác bất lực sâu sắc ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Một bài báo được lan truyền rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội cho biết nhiều người Trung Quốc nhìn thấy mình ở Lý Khắc Cường - "mười năm vất vả chống đỡ nhưng lại liên tiếp lụn bại".

Nội dung được chia sẻ nhiều nhất là đoạn video ngắn trong đó Lý Khắc Cường hứa rằng cánh cửa của Trung Quốc luôn mở rộng với thế giới bên ngoài : ”Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược”. Sau đó clip này bị xóa hoặc không thể chia sẻ được.

Nhiều bài đăng trên mạng xã hội Weibo bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết đột ngột của ông đều bị xóa. Những bình luận gọi ông là “thủ tướng tốt của nhân dân” và “vĩ nhân” cũng không tránh khỏi bị xóa. Những bình luận duy nhất được phép đăng là "RIP."

Đối với nhiều người Trung Quốc, cái chết của Lý Khắc Cường cho phép họ giải tỏa nỗi chán chường, tức giận và lo lắng dồn nén bấy lâu nay, về điều mà họ tin là cách xử lý sai trái của Tập Cận Bình đối với nền kinh tế. Cuộc đàn áp doanh nghiệp tư nhân của Tập Cận Bình đã làm suy yếu sự tăng trưởng của một số công ty thành công nhất Trung Quốc.

Tập đã xa lánh một số đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và tiến gần hơn đến các nước như Nga, đồng thời thay thế các nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách bằng những người trung thành với mình. Tập Cận Bình đã chuyển trọng tâm của chính phủ sang hệ tư tưởng hơn là kinh tế. Gần đây nhất, Tập đã huênh hoang phô trương sự đón tiếp nồng nhiệt của mình với Putin, một tên tội phạm chiến tranh đang bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giam. Những hình ảnh ấy khiến những ai yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đều cảm thấy ngang trái và khinh bỉ.

Theo con mắt mọi người, Lý Khắc Cường, người có học vị luật và kinh tế, đại diện cho những nhà kỹ trị thực dụng đã đưa đất nước thoát nghèo trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Họ đăng lại bài phát biểu của Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi ông nhậm chức thủ tướng vào năm 2013. Ông nói : ”Chúng tôi sẽ trung thành với Hiến pháp, trung thành với nhân dân và lấy nguyện vọng của nhân dân làm phương hướng hành động”.

Trong khi người dân thương tiếc ông qua đời, họ nhắc lại rằng họ không thể tin được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước vào thời điểm đó là 7,5 %. Năm 2022, Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5 %, mục tiêu năm nay không cao nhưng nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể đạt được.

Mọi người còn liệt kê những câu nói nổi tiếng nhất của Lý Khắc Cường như câu: “Có quyền nhưng không được sử dụng bừa bãi tùy hứng”.

Lý Khắc Cường là người luôn ủng hộ mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, nhiều chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư đã đăng những bức ảnh chụp khi ông đến thăm công ty của họ. Họ hoài niệm sự khuyến khích của ông đối với các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới, gọi đó là thời kỳ vàng son của tinh thần kinh doanh. “Ông đã đột ngột rời bỏ chúng tôi”, một doanh nhân Internet họ Ding viết. "Và cũng tiện thể mang theo mười năm hoàng kim."

Họ đăng lại những bức ảnh ông đến thăm Vũ Hán vào tháng 1 năm 2020 khi Covid -19 tàn phá thành phố. Phải đến gần hai tháng sau khi đợt bùng phát ban đầu được ngăn chặn thì Tập Cận Bình mới đến. Họ đăng ảnh Lý Khắc Cường đến thăm nạn nhân lũ lụt và động đất. Thái độ tránh xa các địa điểm thiên tai của Tập Cận Bình đã được nhiều người biết đến.

Họ cũng đăng lại hàng loạt ảnh Lý Khắc Cường trò chuyện thân tình với các lãnh đạo chính phủ, bạn bè các nước, trái ngược hoàn toàn với ngôn ngữ cơ thể vênh mặt hất hàm của Tập Cận Bình khi ông này xuất hiện cùng cấp dưới.

Một số người cảm ơn Lý Khắc Cường vì sự thẳng thắn của ông. Ông chỉ ra trong cuộc họp báo năm 2020 rằng mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng vẫn có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ. Tuyên bố này được coi là bác bỏ tuyên bố của Tập Cận Bình về xóa đói giảm nghèo thành công toàn diện.

“Không có con người hoàn hảo, không có chính trị gia hoàn hảo,” một cựu nhà báo tên là Nghiêm Hiểu Vân đã viết. "Nhưng mọi người không nên quên lòng dũng cảm của ông ta khi nói ra sự thật."

Phản ứng của công chúng hôm thứ Sáu là làn sóng dâng trào nhất kể từ khi có "Biểu tình giấy trắng" vào tháng 11 năm ngoái, khi hàng nghìn người dân Trung Quốc xuống đường ở nhiều thành phố để phản đối chính sách “phong tỏa COVID-19 " hà khắc của chính phủ và cũng có nhiều người hơn tham gia biểu tình trực tuyến.

Cái chết của các lãnh đạo cấp cao luôn là vấn đề nhạy cảm trong chính trường Trung Quốc. Một số phóng viên và nhà bình luận đã suy đoán, liệu cái chết của Lý Khắc Cường có gây ra các cuộc biểu tình giống như vụ từng xảy ra với Hồ Diệu Bang, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc qua đời vì một cơn đau tim năm 1989 hay không. Hầu hết mọi người đều nghĩ là không, vì Tập Cận Bình kiểm soát Internet rất chặt chẽ. Người ta đồn đoán rằng đám tang của Lý Khắc Cường sẽ không long trọng như của Hồ Diệu Bang.

Trái ngược với sự đau buồn của công chúng, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngay từ đầu đã làm nhẹ tình tiết cái chết của Lý Khắc Cường. Các trang tin tức lớn chỉ đưa ra thông báo dưới 100 chữ nhạt nhẽo xếp thứ 3 hoặc thứ 4, sau các tin về cuộc gặp của Tập Cận Bình với Thống đốc bang California Gavin Newsom hay việc Tập Cận Bình ra mắt cuốn sách mới hướng dẫn công tác dân sự.

Than ôi, trời sinh Cường sao còn sinh Bình. Tiếc thay một thủ tướng sinh bất phùng thời!

PHÓ ĐỨC AN 29.10.2023

No comments:

Post a Comment