VNTB – Kênh Phù Nam ảnh hưởng gì đến đời sống người miền Tây Nam bộ?
Định Tường
30.10.2023 6:10
VNThoibao
Một khi Campuchia là “cánh tay nối dài” của Tập Cận Bình thì Việt Nam sẽ ứng xử ra sao?
Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm đường cao tốc Phnom Penh – Sihanoukville, đường cao tốc Phnom Penh – Bavet, đường cao tốc Phnom Penh – Siem Reap, dự án đường sắt Campuchia (đang lên kế hoạch) và dự án kênh đào Funan Techo đều được thực hiện với sự hỗ trợ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc cũng tích cực đầu tư vào Lào, nổi bật là tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane của Lào và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khai trương cuối năm 2021.
Và đương nhiên là Trung Quốc cũng đang cố gắng “bao thầu” tuyến đường sát cao tốc Bắc – Nam mà Hà Nội đang kêu gọi đầu tư.
Chuyến công du Bắc Kinh của Chủ tịch Võ Văn Thưởng trong tham gia Diễn đàn Vành đai và Con đường, có một sự kiện mà đến nay vẫn chưa thấy phía Việt Nam lên tiếng, đó là chính phủ Campuchia đã chính thức ký thỏa thuận với đại diện của Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc nhằm tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng kênh Funan Techo, nối sông Bassac ở đoạn phía nam thủ đô Phnom Penh tới cảng Kep ở ven vịnh Thái Lan.
Sông Bassac là một phân lưu của Tonle Sap và Mekong. Dự án được cho là bước tiến quan trọng để chính sách Vành đai và Con đường ở Campuchia chuyển sang giai đoạn mới, đồng thời cải thiện về hậu cần thương mại cho nền kinh tế Campuchia.
Chi phí ước tính cho dự án là 1,7 tỷ USD và dự kiến mất 4 năm để hoàn thành. Trước đó, vào tháng 6, chính phủ Campuchia đã thành lập ủy ban liên bộ để thực hiện dự án. Việc ký kết thỏa thuận với phía Trung Quốc sẽ chuyển dự án sang giai đoạn nghiên cứu tính khả thi.
Theo đánh giá sơ bộ, dự án sẽ gây tác động xuyên biên giới đến tài nguyên nước, môi trường, thuỷ sản, đa dạng sinh học, giao thông thuỷ, nông nghiệp, sinh kế, kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc Campuchia xây dựng tuyến giao thông thuỷ nối từ sông Bassac (thuộc hệ thống sông Mekong) ra biển sẽ làm giảm lưu lượng nước trên dòng sông Hậu, điều này sẽ tác động đến đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…
Về lý thuyết cân bằng, tính toán đơn giản cho thấy sẽ cần ít nhất 77 triệu mét khối nước để lấp đầy kênh Phù Nam khi nó hoàn thành. Nước sẽ được chuyển từ dòng chính sông Mekong và sông Bassac. Điều quan trọng là sông Bassac là một phần của hệ thống sông Mekong.
Sông Bassac là nhánh phân lưu lớn nhất của sông Mekong, tách ra khỏi dòng chính sông Mekong tại Phnom Penh. Lấy thêm nước ra khỏi sông Bassac và dòng chính sông Mekong có thể sẽ hạ thấp mực nước sông Mekong tại Phnom Penh với một lượng không xác định.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đảo ngược dòng chảy Tonle Sap.
Theo báo chí xứ Chùa Tháp, dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer có từ khoảng 500 năm trước công nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương.
Hiện tại, tất cả các tuyến vận chuyển đường biển lớn đến và đi từ Campuchia đều phải đi qua Việt Nam khoảng 200 km. Tàu bè hiện được tự do đi lại mà không bị đánh thuế, nhưng kênh đào mới mang lại cho Campuchia quyền tự do tiến hành thương mại xuyên đại dương từ các khu công nghiệp nội địa mà không bị cản trở.
Một nguồn tin cho biết Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có thư mời các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đánh giá tác động của dự án xây dựng tuyến giao thông thủy Phù Nam của Campuchia đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hội thảo đánh giá tác động của dự án nêu trên dự kiến tiến hành trong tháng 11-2023.
______________
Tham khảo:
https://www.khmertimeskh.com/
No comments:
Post a Comment