Monday, October 30, 2023

Tập đoàn nhà nước VN ký hợp đồng đầu tư 12 tỷ đô la cho đại dự án khí-điện Ô Môn
An Tôn - VOA
30/10/2023
VOA

Petrovietnam làm lễ ký các hợp đồng cho chuỗi dự án khí-điện lô B - Ô Môn, Hà Nội, 30/10/2023.

Hôm 30/10 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam của nhà nước tổ chức lễ ký kết các hợp đồng để thực hiện một chuỗi dự án khí-điện ở Ô Môn, Cần Thơ, có quy mô đầu tư khổng lồ là gần 12 tỷ đô la, dự buổi lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam.

Tin cho hay chương trình khí-điện nội địa này có tên là “chuỗi dự án khí điện Lô B” và bao gồm các thành phần là dự án phát triển mỏ Lô B ở thượng nguồn, dự án đường ống Lô B-Ô Môn ở trung nguồn, và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn.

Theo tìm hiểu của VOA, khí đốt cấp cho 4 nhà máy được khai thác trên vùng biển nằm về phía tây của hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, sau đó được đưa vào đất liền qua đường ống vượt biển dài hơn 290 kilomet.

Để thực hiện chuỗi dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – còn gọi tắt là Petrovietnam hay PVN – sẽ hợp tác với các đối tác nước ngoài là Mitsui và MOECO của Nhật Bản, và PTTEP của Thái Lan, theo trang Thông tin Chính phủ.

Trong khuôn khổ đại dự án, sản lượng khai thác khí dự kiến sẽ là khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW.

Việc ký kết các hợp đồng được xem là “đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm”, trang Thông tin Chính phủ viết.

Một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam cho hay dự án trọng điểm này của nhà nước dự tính sẽ mang lại nguồn thu khoảng 30 tỷ đô la cho nhà nước và khoảng 11 tỷ đô la cho các đối tác. Hãng thông tấn này cũng bình luận thêm rằng dự án “còn góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ ký kết các hợp đồng rằng khi đi vào hoạt động, chuỗi dự án “sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đem lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong ngành dầu khí và lao động khu vực ĐBSCL”.

    No comments:

    Post a Comment