VNTB – Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng ‘ngồi’ lâu quá rồi…Thới Bình
29.10.2023 6:10
VNThoibao
Thiếu tướng quân đội Nguyễn Mạnh Hùng đã ‘ngồi’ ghế Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông từ nhiệm kỳ chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đến Phạm Minh Chính.
Nhiều rối rắm từ thủ tục hành chính của “hạ tầng số – chính quyền số”, có lẽ cũng từ các quyết sách “số” được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra, nhưng lại không còn được giữ sự tỉnh táo trước chuyện nhảy múa ở các con số của một nhà quản lý xuất thân từ một chuyên gia kỹ thuật… số.
Lúc ‘ngồi’ vào ghế quyền lực bậc nhất ở Bộ Thông tin Truyền thông, dường như ông Nguyễn Mạnh Hùng dần chỉ còn là cái bóng ‘số de’ của mình ở một thời mà ông là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu do giới truyền thông bình chọn. Ngày ấy, ông đã góp phần cho nền móng phát triển Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) như hôm nay.
Thế nhưng khi chuyển sang dân sự, ông Nguyễn Mạnh Hùng dường như giờ đây chỉ còn là một chính khách giỏi… ‘chém gió’ (?!).
Mách có chứng
Trong một diễn văn phát biểu hôm 25-10-2023 tại lễ khánh thành Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại Hoà Lạc (Hà Nội), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng diễn giải, “định hướng của Bộ TT&TT về hạ tầng số là như sau. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hạ tầng dữ liệu là một bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu. Đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông sẽ bị thay thế” (dừng trích).
Thực tế thì “hạ tầng số” ở Việt Nam, theo báo cáo của công ty theo dõi thị trường Ookla Speedtest, tốc độ internet di động của Việt Nam đạt trung bình 44,13 Mb/giây ở đường tải xuống (đo tháng 9-2023), giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Tháng 8-2023, chỉ số này đạt 47,08 Mb/giây trong khi tháng 7-2023 ở mức 48,29 Mb/giây. Còn theo dữ liệu từ i-Speed, internet di động Việt Nam trong tháng 9-2023 đạt 36,22 Mb/giây.
Trong khi đó, tốc độ internet di động trung bình của thế giới tăng từ 43,19 Mb/giây (tháng 8) lên 47,82 Mb/giây vào tháng 9. “Đi ngược chiều” tăng trưởng chung khiến Việt Nam hạ 9 bậc trong danh sách 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đang được Ookla theo dõi về tốc độ internet. kết thúc tháng 9-2023, Việt Nam đứng thứ 58.
Hành dân thời ‘chính quyền số’
Với hạ tầng số như vậy nên “ứng dụng” cho “hành chính số” cũng ạch đụi tương ứng. Dẫn chứng: phản ánh với báo chí tại Sài Gòn, bà Lê Thị Phương (36 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết hơn một tháng sau khi mua xe máy mới, đến nay xe của bà vẫn chưa có bảng số và đang “trùm mền” ở nhà.
Theo bà Phương, ngày 13-9-2023, bà mua xe máy mới tại một cửa hàng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh và nhân viên “hứa” trong tuần sau sẽ gọi bà đến công an xã bấm biển số. Cứ vài hôm, bà Phương lại đến cửa hàng xe máy hỏi thăm tình hình đăng ký xe và bấm bảng số xe mới, nhưng chỉ nhận được câu trả lời”hết biển số, ngoài Hà Nội chưa gửi vô”.
Bà Phương đến Công an xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (nơi đăng ký xe máy) để xác minh nhưng cũng nhận được câu trả lời “chưa đăng ký được”.
Khi bà đến Công an xã Vĩnh Lộc A thì được một cán bộ công an phụ trách cấp biển số xe máy cho biết hiện xã chưa có biển số xe do nghẽn mạng, lỗi đường truyền hệ thống. Thời điểm trên, một nhân viên cửa hàng bán xe máy trên địa bàn xã cũng ngồi đợi để bấm biển số xe mới cho khách. Người này cho biết ngày nào cũng túc trực ở đây từ sáng tới chiều nhưng vẫn không có biển số.
“Cửa hàng tôi nghẽn biển số cả trăm xe máy gần hai tháng nay. Nhiều khách mua xe bức xúc đòi trả xe. Cũng vì tình trạng này mà cửa hàng bán xe chậm hơn”, nhân viên này chia sẻ.
Một người dân ở Cần Thơ phản ánh: khi nhân viên cửa hàng xe máy thông báo chưa đăng ký được biển số mới trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Do chờ lâu nên vị khách hàng này tự lên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện đăng ký bảng số mới nhưng vẫn không thành công.
“Tôi mày mò lên Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện đăng ký xe mới nhưng cũng không thực hiện được và không thể nộp hồ sơ trực tuyến”, ông kể. Ông cho biết nhân viên cửa hàng xe máy (nơi ông mua xe) cũng đang thực hiện hồ sơ đăng ký xe mới cho một khách hàng khác trên cổng dịch vụ công, nhưng không thể in phiếu…
Khoan vội tin, hãy… nhìn
Tương tự, Bộ Công an khuyến nghị người dân đã có căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử nên nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an http://dichvucong.bocongan.
Sau đây là ‘bệnh thường gặp’ trên ‘hạ tầng số’ cho dịch vụ hành chính này:
Ở phần đầu hồ sơ, phần mềm yêu cầu người khai phải tải 3 ảnh gồm: chân dung 4×6 (nền trắng), ảnh chụp mặt trước CCCD (loại 12 số hoặc gắn chip) cùng mặt sau CCCD. Trở ngại bắt đầu từ việc tải ảnh CCCD lên hệ thống. Phải mất nhiều lần chỉnh sửa hình ảnh và tải lên lại, ảnh thẻ và CCCD của người đó mới được “chấp nhận”.
Tiếp tục mày mò điền thêm vô số thông tin theo yêu cầu, tới khi ấn nút “Đồng ý và tiếp tục” (hoàn tất) thì hệ thống báo “số CCCD trên ảnh không trùng hợp với tài khoản đã đăng nhập”, dù màn hình rành rành số căn cước hoàn toàn trùng khớp với số căn cước trên hình chụp căn cước tải lên.
Hơn nữa, khi đăng nhập, hệ thống cũng đã tự thể hiện đúng số CCCD trên. Ý định làm hộ chiếu online của vị công dân đó cũng vì thế tạm chấm dứt sau hơn 30 phút thao tác.
Tương tự, một người trẻ khác là dân chuyên về công nghệ thông tin loay hoay hàng giờ đồng hồ để tải ảnh chụp, điền hết các trường thông tin, dữ liệu trên phần mềm hồ sơ trực tuyến, nhưng phần mềm liên tục báo “số CCCD trên ảnh không trùng hợp với tài khoản đã đăng nhập”…
Một thông tin rất đáng quan tâm chuyện quan chức nói – làm: Trong 5 cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới, SMW-3 là sợi cáp già cỗi nhất, dự kiến được “nghỉ hưu” vào năm 2024. Nhưng nay, sợi cáp lại trở thành “con đường lành lặn” duy nhất giữ kết nối Internet qua biển cho hơn 70 triệu người dùng Việt Nam.
No comments:
Post a Comment