VNTB – Sao lại dễ qua mặt Đảng và Nhà nước đến như vậy?Trần Dzạ Dzũng
31.10.2023 8:26
VNThoibao
Với một nền kinh tế thị trường chịu sự định hướng triệt để của yêu cầu chính trị ở một Nhà nước cộng sản, liệu nếu muốn ‘qua mặt’ Đảng, có dễ không?
Câu trả lời ở đây với cụ thể trường hợp của cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, là “dễ” lắm, vì thiệt hại thuộc về nhà đầu tư, còn lúc thành “án” thì Nhà nước sẽ “thu” số tài sản có từ chuyện “dễ” này.
Hồ sơ điều tra được Bộ Công an công khai với báo chí về vụ ông Trịnh Văn Quyết, tóm lược như sau – trích:
Trong những năm đầu, công ty này của ông Quyết gần như không hoạt động, vốn điều lệ cũng không thay đổi – giữ nguyên mức 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên từ tháng 4-2014, ông Quyết chỉ đạo em gái mình là Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán thuộc ban kế toán Tập đoàn FLC) cùng một số thuộc cấp nhiều lần lập hồ sơ góp vốn khống để “bơm” vốn điều lệ của công ty tăng “phi mã”.
Những cổ đông của FLC Faros đã ký khống các chứng từ như ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền mặt, giấy rút tiền mặt… để em gái ông Quyết sử dụng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra rồi nộp lại… quay vòng nhiều lần. Vốn của FLC Faros “ảo” vì tiền góp vừa chuyển vào tài khoản ngân hàng đã vội rút ra qua nhiều hình thức như tạm ứng, trả trước, đầu tư, ủy thác đầu tư cho các cá nhân và tổ chức liên quan.
Tổng cộng, FLC Faros đã năm lần tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần. Để che giấu việc rút vốn ra, ông Quyết dùng cách lập các hợp đồng ủy thác đầu tư, cho vay vốn, hợp tác kinh doanh khống. Đến thời điểm hết hạn hợp đồng phải thu hồi các khoản ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn…, ông Quyết lại che giấu bằng cách ký các hợp đồng mua cổ phần các công ty thuộc nhóm FLC.
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nhưng ông Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị chấp thuận. Đến ngày 24-8-2016, mã cổ phiếu ROS được đưa lên sàn chứng khoán với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỷ đồng.
Từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2022, ông Quyết giao cho bà Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người khác đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS. Tổng cộng, bà Huế đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được hơn 4.800 tỷ đồng.
Tại Faros, vốn điều lệ là 4.300 tỷ đồng nhưng số tiền thực góp của các cổ đông là 1.197 tỷ đồng, được sử dụng cho các hoạt động tổng thầu thi công các dự án của FLC trước khi niêm yết. Do đó, cơ quan điều tra xác định ông Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt số tiền các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là hơn 3.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Quyết còn bị cáo buộc chỉ đạo em gái dùng 500 tài khoản chứng khoán liên tục mua bán, khớp chéo tạo cung – cầu giả, “lái” năm mã cổ phiếu “họ” FLC tăng từ 70 – 1.700%.
Theo kết luận, với mã chứng khoán AMD, chỉ trong vòng hai tháng đã bị nhóm của Trịnh Văn Quyết thao túng “thổi giá” tăng hơn 70% từ 13.750 đồng/cổ phiếu lên 23.450 đồng/cổ phiếu. Với riêng mã này, ông Quyết thu lời bất chính hơn 39 tỷ đồng. Với mã chứng khoán HAI của Công ty cổ phần nông dược HAI, nhóm của Trịnh Văn Quyết đã thao túng “thổi giá” tăng đến mức hơn 459%…
Một viên chức của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đưa ra giải thích ngắn gọn và… khó hiểu cho biện giải về vụ án Trịnh Văn Quyết: “Cách thức chung để ngăn chặn hoạt động thao túng trên thị trường chứng khoán là bộ máy quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phải có đủ thẩm quyền” (?!).
Với cách biện giải trên cho thấy Trịnh Văn Quyết chỉ là phần nổii của tảng băng ngầm về muôn mặt thao túng chứng khoán ở nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
No comments:
Post a Comment