VNTB – Biểu tình và cố tình gây rối: cần luật hóaHoài Nguyễn – Thới Bình
31.10.2023 7:47
VNThoibao
Người dân ích lợi gì khi đi kiếm chuyện gây rối với chính quyền?
Nguồn tin từ nhà chức trách cho biết Công an thị xã Nghi Sơn “tiếp tục triệu tập và làm việc với một số cá nhân để làm rõ các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi dụ dỗ, lôi kéo, kích động người dân thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”.
Phía công an cho rằng “gây rối trật tự công cộng”, trong khi người dân cho rằng đây là “quyền biểu tình Hiến định”.
Cả hai đều có cái lý riêng dẫn đến nhiều tranh luận về pháp lý khi mà đến tận hôm nay, Hà Nội vẫn chưa luật hóa quyền biểu tình được nêu ở Điều 25 của luật Hiến pháp 2013.
Nhà chức trách lập luận cho hành vi gây rối trật tự công cộng: việc hàng trăm người dân tụ tập, mang theo băng-rôn, biểu ngữ, hò hét phản đối việc xây dựng bến số 3, Cảng container Long Sơn, đã đi bộ ra tỉnh lộ 513 từ xã Hải Hà, qua xã Hải Thượng, Hải Yến gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng trên dọc tuyến tỉnh lộ 513, kéo dài khoảng 1km, trong thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 45 phút cùng ngày.
Từ nhận định trên cho thấy ở đây cái gọi là “động cơ gây án” chính là người dân cảm thấy mối nguy ngày càng gần hơn của việc mất quyền lao động cho sinh kế – một quyền cũng được Hiến định tại “Điều 34. Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, và “Điều 35.1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”.
Chắn chắn ở đây ngay từ lúc chuẩn bị cho việc biểu tình, không một người dân nào có tâm lý, hay tâm trạng là “chống chính quyền”, mà chỉ bày tỏ yêu cầu về những lo lắng của người bản xứ khi mối đe dọa ngày càng gần của mất quyền mưu sinh bằng nghề truyền thống của cha ông.
Không luật hóa mới là nguyên nhân đưa đến “gây rối”
Cựu phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cựu Bí thư Thị ủy Sầm Sơn từng phát biểu vầy ở nghị trường vào chiều 26-5-2014 – trích: “Biểu tình là quyền con người phổ quát của nhân loại, đã được Hiến pháp nước ta quy định từ năm 1946 đến nay. Biểu tình là một trong các nhu cầu của cuộc sống.
Chúng ta thường thấy các vụ tụ tập đông người, đó là những nông dân đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của họ về đất đai, công nhân tụ tập đông người khi quyền lợi của họ bị xâm hại, có phải đó là những cuộc biểu tình không? Và cho đến các cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc vừa qua thì càng thấy rõ là cần Luật biểu tình”.
Theo đại biểu Nam, việc tụ tập đông người, khiếu kiện đông người hay biểu tình đều có nguy cơ bị lợi dụng và thực tế đã bị lợi dụng trong nhiều vụ việc để chống đối Nhà nước, chống lại chế độ, gây nhiều hậu quả xấu, đặc biệt là những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra vừa qua như ở Bình Dương, Hà Tĩnh.
“Yêu cầu khách quan đòi hỏi thực tiễn phải xây dựng Luật biểu tình để phục vụ nhân dân và cũng là yêu cầu hết sức bức thiết để quản lý nhà nước, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế” – ông Nam nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Nam, “Thủ tướng Chính phủ đã từng kiến nghị xây dựng Luật biểu tình, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tôi nghĩ đây là một dự án luật có nhu cầu rất cấp thiết, ban hành được thì sẽ rất nhiều mặt có lợi, khả năng để xây dựng luật hoàn toàn có thể thực hiện được. Quốc hội Khóa XIII sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được Nhân dân Luật biểu tình mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”.
Thế nhưng đến nay đã một nửa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đi qua, song vẫn không thấy Đảng ‘bật tín hiệu’ cho Quốc hội trả nợ Nhân dân về Luật biểu tình.
Hiện có bao nhiêu phiên bản Lê Nam ở nghị trường?
Có lẽ cần “chi tiết” hơn về nguyên do bức xúc cho chuyện cần có Luật biểu tình của ông Lê Nam.
Lê Nam xuất thân là một kiểm sát viên. Lần nọ Lê Nam được cử làm Trưởng đoàn kiểm tra 14 về một vụ khuất tất ở một công ty thương mại của tỉnh Thanh Hóa. Oái oăm là lãnh đạo Viện kiểm sát nhất mực chống lưng cho công ty thương mại này và… Lê Nam cùng những đồng nghiệp trẻ trong đoàn phải ‘chạy cầu cứu’ tận Hà Nội. Báo chí vào cuộc…
Sau vụ này, Lê Nam chuyển công tác về Tổ thư ký của UBND tỉnh Thanh Hóa. Rồi nghe tin Lê Nam ở vị thế Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Rồi cũng bẵng đi một thời gian, lại nghe và mừng cho Lê Nam chững chạc tiếp ở cương vị Bí thư Thị ủy Sầm Sơn.
Mọi chuyện liên quan về biểu tình bắt đầu từ đây. Ấy là cái hồi giải phóng mặt bằng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có nổ súng chết người. Rồi tiểu thương chợ Bỉm Sơn bãi thị…
“…Hơn lúc nào hết nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao.
Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người bí thư lăn vào cuộc sống, những bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng đủ ràng buộc về trách nhiệm, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ được đến với nhân dân” – trích phát biểu của đại biểu Lê Nam tại phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, ngày 28-3-2016.
No comments:
Post a Comment