Sunday, October 29, 2023

Xung đột bùng phát ở Trung Đông, Bắc Kinh nắn gân Mỹ ở Biển Đông
Trọng Thành
Đăng ngày: 28/10/2023 - 15:21
RFI

Trong hai tuần qua tại Biển Đông, Trung Quốc gia tăng áp lực lên Philippines nhân lúc Washington tập trung đối phó với xung đột gia tăng tại Trung Đông. Chính quyền Manila kêu gọi mở rộng đối tác an ninh tại Biển Đông chống các nỗ lực gây hấn gia tăng của Bắc Kinh. Cũng liên quan đến quan hệ Trung – Mỹ, ngay trước thềm chuyến công du Washington của ngoại trưởng Vương Nghị, Bắc Kinh tiến hành một loạt thay đổi nhân sự cấp cao.

T
àu tuần duyên Philippines tuần tra ở khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), Biển Đông, đối mặt với tàu Trung Quốc. Ảnh do lực lượng tuần duyên Philippines cung cấp ngày 15/04/2021. via REUTERS - PHILIPPINE COAST GUARD

27 nước châu Âu họp tìm lập trường thống nhất về xung đột Israel – Hamas, và cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina. ‘‘Bộ phụ tráchTương Lai’’, cuốn tiểu thuyết về khí hậu, của nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng hàng đầu thế giới Kim Stanley Robinson người Mỹ, ra mắt công chúng Pháp.Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

***

Ngày 15/10/2023, quân đội Philippines yêu cầu Trung Quốc ‘‘ngừng các hành động nguy hiểm và hung hăng’’ tại Biển Đông sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc ‘‘tìm cách chặn đường’’ một tàu tiếp liệu của Hải Quân Philippines gần đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa. Một tuần sau, ngày 22/10, Manila tố cáo tàu Trung Quốc đã gây ra hai vụ va chạm nguy hiểm nhắm vào các tàu công vụ của Philippines tiếp tế cho đơn vị đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa.

Chuyên gia quân sự Peter Layton (giảng dạy tại Đại học US National Defense University và Australian War College), trong bài viết đăng tải trên trang mạng Viện Lowy ngày 25/10 (‘‘As the world looks elsewhere, China stirs trouble in the South China Sea’’/ ‘Khi thế giới nhìn đi chỗ khác, Trung Quốc gây rắc rối ở Biển Đông’’), chú ý đến việc đây là ‘‘lần đầu tiên Manila thông báo tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của chính phủ Philippines’’. Nhiều nhà quan sát gắn hành động hung hăng đột biến của Trung Quốc trong những tuần qua với bối cảnh Hoa Kỳ buộc phải can dự mạnh mẽ hơn tại Trung Cận Đông, sau cuộc tấn công Israel của Hamas ngày 07/10, chiến tranh bùng phát tại Gaza và một số vùng phụ cận.

Nếu như vụ ‘‘tìm cách chặn đường’’ tàu tiếp tế đảo Thị Tứ tiếp nối các hành động khiêu khích thông thường, lấn dần từng bước một của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines từ hai thập niên qua nói chung và những tháng gần đây nói riêng, thì hai vụ đâm tàu tiếp tế cho Bãi Cỏ Mây dường như cho thấy xu thế leo thang rõ rệt. Nhà địa chính trị Philippines Don McLain Gill (Đại học De La Salle) ghi nhận Trung Quốc đang khai thác những diễn biến an ninh ngoài khu vực, để ước tính xem ‘‘có thể đi xa đến đâu’’ trong việc theo đuổi các mục tiêu thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Vụ va chạm ngày 22/10 thể hiện tính toán nắn gân Mỹ của Bắc Kinh (bài ‘‘China-Philippines ties: Towards more escalations in the West Philippine Sea?’’, ORF, 25/10).

Truyền thông Trung Quốc cổ vũ ‘‘đánh chìm’’ tàu Philippines

Chuyên gia quân sự Úc đặc biệt chú ý đến việc một số phương tiện truyền thông Trung Quốc nổi tiếng về quan điểm cứng rắn, như Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản Anh ngữ (Global Times), dự báo sẽ có ‘‘những va chạm nghiêm trọng hơn’’. Theo chuyên gia Peter Layton, ‘‘trong thời gian tới, nguy cơ Trung Quốc làm hư hại tàu cảnh sát biển Philippines hoặc đánh chìm một tàu nhỏ của Philippines là rất cao’’. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc dường như tiếp dầu vào lửa với việc lưu ý “nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang tức giận” và do đó sẽ ủng hộ việc ‘‘đánh chìm tàu Philippines’’.

Sau các áp lực gia tăng của Trung Quốc, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình công Philippines PTV, hôm 25/10 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro khẳng định sự cố va chạm gần đây với Trung Quốc ‘‘có thể khuyến khích các nước khác tham gia cuộc chiến của chúng tôi’’. Bộ trưởng Quốc Phòng gọi Trung Quốc là “kẻ chiếm giữ bất hợp pháp” ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông). Phát biểu của lãnh đạo bộ Quốc Phòng Philippines được đưa ra ít ngày sau vụ tàu Trung Quốc đâm vào hai tàu tiếp tế Philippines. Ngày 26/10, đích thân tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc, mọi hành động tấn công tàu Philippines sẽ kích hoạt Hiệp định phòng thủ chung Hoa Hoa Kỳ - Philippines.

Hoa Kỳ có sẵn sàng hỗ trợ đồng minh Philippines đủ mức hay không tại Biển Đông là câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đặt ra. Chuyên gia địa chính trị Philippines Don McLain Gill lo ngại là, trong dự kiến ngân sách mới đây của tổng thống Mỹ, đầu tư của Mỹ cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ là 2 tỷ đô la trong tổng số 105 tỉ đô la đầu tư cho an ninh trên toàn cầu, trong lúc đầu tư cho Ukraina là 61 tỉ đô la, và cho Israel là hơn 14 tỉ. Tính chất mất cân đối như trên gây lo ngại cho các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong lúc tiềm lực của Trung Quốc ‘‘vượt xa khả năng của Nga và Iran hợp lại’’.

Philippines siết chặt quan hệ với EU

Theo chuyên gia Philippines, ‘‘trong khi không có quốc gia nào có thể sánh ngang với Mỹ trong vai trò đối tác an ninh, Philippines phải chủ động mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới bên ngoài của mình để đóng vai trò là vùng đệm chiến lược trước sự bất ổn địa chính trị khu vực trong tương lai’’. Nhà báo Sebastian Strangio, trong một phân tích trên The Diplomat, dự kiến là chiến dịch leo thang hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, trên thực địa cũng như trên truyền thông, đang thúc đẩy nhanh chóng việc Manila tăng cường liên minh an ninh với Washington, cũng như ‘‘đa dạng hóa’’ các hợp tác về an ninh – quân sự.

Liên Âu (EU) là đối tác an ninh hàng đầu mà Philippines hướng đến, sau Hoa Kỳ. Bài ‘‘Europe in focus as Philippines launches new security policy’’ (Châu Âu là tâm điểm của chính sách an ninh mới của Philippines), của hãng tin Đức DW, ghi nhận nhiều động thái thúc đẩy hợp tác quốc phòng – an ninh song phương. Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Philippines, được đưa ra hồi tháng 8, coi mở rộng hợp tác quốc phòng với EU là một trọng tâm.

Cuối tháng 9, tiểu ban Hợp tác Hàng hải EU-Philippines, được thành lập theo yêu cầu của Manila, đã họp lần đầu tiên tại Bruxelles. Chia sẻ thông tin, đánh giá các đe dọa, xây dựng năng lực phòng thủ bờ biển là ưu tiên. Hợp tác Philippines – EU về Các tuyến đường hàng hải quan trọng ở Ấn Độ -Thái Bình Dương (CRIMARIO - Critical Maritime Routes Indo-Pacific) đã đạt được nhiều tiến bộ, hai bên ‘‘cam kết tổ chức nhiều hoạt động đào tạo và diễn tập hơn, bao gồm tăng cường năng lực xử lý khủng hoảng của Philippines”. Phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ngày 25/10 có thể coi như mong muốn của Manila thúc đẩy xu thế hợp tác gia tăng này.

Vì sao Bắc Kinh thay bộ trưởng Quốc Phòng trước chuyến đi Mỹ của Vương Nghị ?

Ngay trước thềm chuyến công du Washington của ngoại trưởng Vương Nghị, Bắc Kinh thông báo một loạt thay đổi nhân sự cấp cao. Việc Trung Quốc chính thức thông báo hai lãnh đạo bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao thôi chức gây nhiều chú ý. Thông báo được đưa ra nhiều tháng sau khi hai bộ trưởng đột ngột không xuất hiện trên truyền thông.

Đài Pháp France 24 gọi ngày 24/10 là ‘‘ngày thứ Ba đen’’ của chính phủ Trung Quốc. Theo nhà Trung Quốc học Marc Lanteigne, Đại học Bắc Cực của Na Uy, ‘‘một thay đổi lớn như vậy chỉ 7 tháng sau khi thành lập chính phủ là rất bất thường và là điều gần như chưa từng có’’. Bí ẩn bao trùm việc bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) bị thôi chức: không có lý do chính thức nào được đưa ra, tính danh của người kế nhiệm không được thông báo.

Thông thường những thay đổi bất ngờ trong bộ máy cầm quyền được coi là do các thanh trừng nhắm vào phe phái đối địch. Tuy nhiên lần này, bộ trưởng Quốc Phòng và ngoại trưởng mất chức lại được biết như những người nổi tiếng trung thành với lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Chuyên gia về Trung Quốc Zeno Leoni, ở International Team for the Study of Security (ITSS) Verona (Ý), đây là một điều bất lợi cho ông Tập Cận Bình, vốn tự coi là người kiểm soát toàn bộ.

Một số phương tiện truyền thông nêu khả năng Trung Quốc cách chức bộ trưởng Quốc Phòng để mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Theo hãng tin Bloomberg, về mặt khách quan, việc cách chức bộ trưởng Lý Thượng Phúc cho phép loại bỏ một trở ngại lớn cho các cuộc đàm phán quân sự Mỹ - Trung, do việc Bắc Kinh đặt điều kiện chỉ nối lại đàm phán nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với cá nhân ông Lý Thượng Phúc, được áp đặt từ năm 2018.

Lý Thượng Phúc bị cách chức do áp lực nội bộ ?

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát bác bỏ khả năng Bắc Kinh chủ động thực thi một kịch bản giả định thuận lợi cho quan hệ Mỹ - Trung như trên. Ông Daniel Russel, nhà cựu ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở châu Á, phó chủ tịch an ninh quốc tế và ngoại giao tại Viện Asia Society Policy Institute, nhận xét việc công bố Lý Thượng Phúc thôi chức vào thời điểm này thuộc lĩnh vực chính trị nội bộ phức tạp của Bắc Kinh, ‘‘không phải là một tín hiệu ngầm gửi đến Hoa Kỳ’’, và ‘‘điều này không, hoặc gần như không liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung’’.

Trong trường hợp là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, chuyên gia Zeno Leoni nêu giả thiết : Tập Cận  Bình đang đứng trước áp lực rất lớn trong nước, khi dư luận ‘‘phẫn nộ với chính quyền về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại’’. Lãnh đạo tối cao Trung Quốc buộc phải tỏ ra cứng rắn hơn mức bình thường, cách chức các thủ hạ thân tín vì các bất cứ hành vi sai trái nào, mà trước đó vốn có thể coi là chấp nhận được. Nhà Trung Quốc học Marc Lanteigne đặt câu hỏi phải chăng khó khăn của ông Tập hiện nay là tìm ra được một người vừa trung thành, vừa không dính vào các bê bối. Một người như vậy quả là ‘’viên ngọc quý quá hiếm có’’ ở Bắc Kinh.

Xung đột Israel – Palestine và Ukraina : EU tìm lập trường thống nhất

Về xung đột Israel – Hamas, cho đến nay khối 27 nước chưa đạt được lập trường thống nhất. Tối ngày 26/10, Hội Đồng Châu Âu họp tại Bruxelles sau nhiều giờ họp để tạm đạt được một thỏa thuận kêu gọi tiến hành ‘‘nhiều cuộc ngừng bắn’’ tại Gaza, để cứu trợ nhân đạo quốc tế đến với thường dân. Cụm từ ‘‘nhiều cuộc ngừng bắn’’ thay vì ‘‘ngừng bắn’’ là kết quả của một thỏa hiệp. Thông tín viên Anastasia Beccio từ Bruxelles giải thích:

‘‘Cuộc thảo luận kéo dài 5 giờ. Theo một nhân chứng, các tranh luận diễn ra bình tĩnh và lịch thiệp. Văn bản nói trên là kết quả của sự thỏa hiệp giữa 27 quốc gia, vốn có những quan điểm rất khác nhau về chủ đề này. Các nước như Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland yêu cầu tạm dừng giao tranh ‘‘vì lý do nhân đạo’’. Nhiều nước khác, như Đức, Cộng hòa Séc và Áo, phản đối vì cho rằng cách diễn đạt như vậy có thể hạn chế quyền tự vệ của Israel và sợ rằng điều đó sẽ cho phép tổ chức Hamas tập hợp lại lực lượng.

Do đó, cuối cùng, đã không có từ ‘‘tạm dừng’’ nào trong tuyên bố của khối 27 nước, mà là ‘‘các đợt tạm dừng”, và các hành  lang nhân đạo để cung cấp viện trợ cho dải Gaza. Tuyên bố 19 điểm nêu rõ: ‘‘Liên Hiệp Châu Âu sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực để bảo vệ dân thường, hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp cận thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế, nhiên liệu và nơi trú ẩn, đảm bảo các viện trợ này sẽ không lọt vào tay các tổ chức khủng bố’’.

Nhóm 27 quốc gia cũng nhấn mạnh rằng Liên Âu ủng hộ việc ‘‘sớm’’ tổ chức một ‘‘hội nghị hòa bình, nhưng không nêu thông tin chi tiết. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, sẽ tới Cairo vào cuối tuần với dự án này.’’

Bất chấp thỏa hiệp nói trên, khác biệt giữa các nước châu Âu tiếp tục nổi lên trở lại ngay sau khi thượng đỉnh kết thúc. Trưa hôm qua, tổng thống Pháp kêu gọi ‘‘ngừng bắn nhân đạo’’ để bảo vệ thường dân, điều mà Israel và Hoa Kỳ không chấp nhận trong bối cảnh hiện tại.

Nếu EU gần như nhất trí ủng hộ Kiev, ngoại trừ Hungary và Slovakia, khối 27 nước đã bộc lộ chia rẽ mạnh về ngân sách của EU bốn năm tới. Bất đồng là rất lớn trong thượng đỉnh hai ngày 26 và 27/10. Trong lúc hy vọng được đặt vào một thỏa thuận tại thượng đỉnh tháng 12, một quan chức châu Âu giấu tên dự báo thượng đỉnh này ‘‘sẽ là một cơn ác mộng’’. Tối 26/10, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh khoản tiền 50 tỷ euro dành cho Ukraine trong 4 năm tới là ‘‘ưu tiên hàng đầu’’. Tuy nhiên, thủ tướng Estonia Kaja Kallas thừa nhận các quan điểm hiện tại là ‘‘rất khác nhau, chúng tôi còn lâu mới đạt được thỏa thuận”.

Truyện ‘‘khoa học viễn tưởng’’ của KSR giúp vượt đại khủng hoảng khí hậu

Cùng với các căng thẳng, bế tắc địa - chính trị gia tăng đang đẩy nhân loại đến gần hơn với nguy cơ bùng nổ chiến tranh quy mô toàn cầu, cuộc đại khủng hoảng khí hậu – môi sinh cũng dường như không có lối ra. Hơn một tháng trước thềm Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28, cộng đồng quốc tế vẫn bế tắc trong hàng loạt vấn đề chính: với đông đảo các nền kinh tế lớn, việc từ bỏ nhanh chóng năng lượng hóa thạch – nguyên nhân chủ yếu hâm nóng Trái đất - chưa được coi là một ưu tiên, việc đền bù tổn thất cho các nước nghèo tiếp tục bị trì hoãn…

Bế tắc trên thực tế buộc con người phát huy trí tưởng tượng. Truyện khoa học viễn tưởng đang trở thành không chỉ nguồn cảm hứng, mà còn mở ra nhiều triển vọng thực tế giúp nhân loại thoát hiểm. Ở tuổi 71, nhà văn Mỹ Kim Stanley Robinson (KSR) được coi  là một trong những tác giả khoa học viễn tưởng đương đại xuất sắc nhất. Bản dịch sang tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết ‘‘The Ministry for the Future’’ của ông (tạm dịch là  ‘‘Bộ phụ trách Tương Lai’’ ), xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 2019, vừa ra mắt hôm 25/10.

Một góc trang bìa cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "The Ministry for The Future của Kim Stanley Robinson.
Một góc trang bìa cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "The Ministry for The Future của Kim Stanley Robinson. © wikipedia

Theo La Croix, cuốn sách khoa học viễn tưởng này ''mở ra một kịch bản thực tế về cách thức mà nhân loại có thể vượt qua đại khủng hoảng khí hậu trong 30 năm tới''. Một số báo Pháp coi đây là ‘‘cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đáng xem nhất của năm’’. Lấy bối cảnh trong tương lai gần (năm 2025), câu chuyện kể về cuộc đối mặt với tình trạng Trái đất bị hâm nóng của hai nhân vật, Frank May et Mary Murphy. Số phận đã đưa họ đến với nhau, khi ‘‘Bộ phụ trách Tương lai’’ được thành lập. Bộ Tương Lai là một tổ chức mới đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, phụ trách bảo vệ quyền của các thế hệ tương lai theo Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.

Theo tuần báo Pháp L’Obs, động lực chính mang lại sức hấp dẫn cho cuốn tiểu thuyết của KSR là từ chối tâm thế thụ động, từ chối ‘‘một ngày tận thế được báo trước’’, về các đại thảm họa khí hậu không thể tránh khỏi, để dấn thân vào cuộc tìm kiếm đầy mạo hiểm, các giải pháp cụ thể và thực tế. Kim Stanley Robinson, nổi tiếng từ thập niên 1990 với bộ ba tiểu thuyết viễn tưởng về Hành tinh Hỏa, đã đảo ngược hoàn toàn mối quan tâm của ông. Từ chỗ hướng giấc mơ của con người đến các vì sao để tìm một ‘‘kịch bản B’’ cho nhân loại, với cuốn tiểu thuyết mới Bộ phụ trách Tương Lai, KSR tập trung hoàn toàn vào nỗ lực cấp bách cứu nguy sự sống trên Hành tinh của chúng ta.

No comments:

Post a Comment