VNTB – Dùng nghệ thuật và doanh thu để lấp liếm: coi chừng mất nước
Chánh Thành
27.10.2023 4:17
VNThoibao
Cậu bé An trong Đất Rừng Phương Nam là một nhân vật văn học mang nặng tính tuyên truyền. Giống như Kim Đồng, Lê Văn Tám, đều là những thiếu niên xông vào lửa đạn để chiến đấu với quân thù. Thậm chí, nếu thay cậu An thành cụ Hồ thì sẽ thấy nhiều điểm giống nhau đến kỳ lạ. Thế nhưng, từ một sáng tác tuyên truyền cho Cộng Sản, nhà sản xuất bộ phim điện ảnh đã biến nó thành sản phẩm xuyên tạc lịch sử.
Đất Rừng Phương Nam: Đập tan âm mưu tuyên truyền của Đảng Cộng Sản
Nguyên tác tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam do nhà văn Đoàn Giỏi viết lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ sau năm 1945. Nhân vật chính là cậu bé tên An, với chuyến phiêu lưu đi tìm cha trong thời loạn. Đoàn Giỏi là một trong những cán bộ Việt cộng được tập kết ra bắc 1954, cho nên văn chương của ông đều có tính tuyên truyền cho Đảng Cộng Sản.
Chính vì mang nặng tính tuyên truyền, nên tác phẩm này nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chức cộng sản Việt Nam khi chuyển thể thành phim điện ảnh. Đặc biệt, trong công văn xin phép ghi hình của nhà sản xuất cũng nêu mục đích làm phim là “nhầm tái hiện lịch sử hào hùng của người dân Nam bộ”. Vì vậy nhiều trường học đã kêu gọi học sinh sinh viên phải mua vé xem phim để có cảm nhận về văn chương và không khí cách mạng thời kỳ đó.
Điều này cho thấy kỳ vọng của cơ quan tuyên giáo rằng Đất Rừng Phương Nam sẽ là một bộ phim tuyên truyền mang tính nghệ thuật. Biến nó trở thành công cụ tuyên truyền về lòng yêu nước và ca ngợi vai trò của Đảng Cộng Sản trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, bộ phim do Trấn Thành làm giám đốc sản xuất đã chỉnh sửa lại nhiều chi tiết so với nguyên tác của Đoàn Giỏi.
Với việc nhân vật An thề trung thành với các tổ chức xã hội đen Trung Quốc, chẳng khác nào ngầm chỉ người Trung Quốc mới là lực lượng lãnh đạo cho phong trào chống Pháp ở Nam kỳ, chứ không phải Cộng Sản. Thật sự không còn mỉa mai nào bằng việc nói các lực lượng xã hội đen Trung Quốc yêu nước Việt Nam và muốn cứu nước Việt Nam. Điều này vô hình trung làm sụp đổ âm mưu tuyên truyền của nhà cầm quyền.
An và Hồ Chí Minh đều mất mẹ, lưu lạc, gia nhập các tổ chức Trung Quốc để… cứu nước Việt?
Có thể nói hình ảnh cậu bé An cũng tương tự những hình ảnh về các nhân vật như Kim Đồng, Lê Văn Tám… Những thiếu niên xông vào lửa đạn để chiến đấu với quân thù. Tuy nhiên nếu thay cậu bé An này là Hồ Chí Minh thì có cảm giác tiểu thuyết của Đoàn Giỏi lấy cảm hứng từ con đường hoạt động cách mạng của nhân vật từng mang lon thiếu tá Bát lộ quân, thuộc lực lượng quân đội cộng sản Trung Quốc.
Căn cứ vào tài liệu được Đảng Cộng Sản Việt Nam công bố, từ năm 1938 đến 1940, Hồ Chí Minh từng mang tên Hồ Quang, công tác tại Phòng Cứu vong, Văn phòng Bát lộ quân thuộc lực lượng Giải phóng quân (cộng sản Trung Quốc). Tại đây Hồ Quang mang quân hàm thiếu tá, phụ trách kiểm tra vệ sinh. Theo “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, Nxb. Chính trị quốc gia – Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr.63-64.
So sánh với nhân vật An trong nguyên tác của Đoàn Giỏi, cậu bé cũng mất mẹ từ nhỏ. Sau đó cũng phải lưu lạc khắp nơi, kết giao với những thành phần bất hảo, rồi tìm thấy con đường cách mạng cộng sản. Ở tác phẩm điện ảnh, do Trấn Thành là nhà sản xuất, còn tô đậm hơn điểm giống nhau khi để An cắt máu ăn thề, gia nhập vào các tổ chức Trung Quốc để tìm đường cứu nước… Việt Nam.
Trong khi An thề trung thành với các tổ chức Trung Quốc, thì cha của An lại là đại diện cho những người dân theo Việt cộng. Ở tình huống An gặp lại cha cuối phim, thì cậu bé coi cha như cái ghế, ngồi lên để làm vua. Không khác nào nói rằng Việt cộng không có vai trò trong việc kháng Pháp ở Nam kỳ. Nếu có thì chỉ là tay sai, là bàn đạp, là bức bình phong, là cái ghế để các lực lượng Trung Quốc ngồi lên đầu lên cổ, tha hồ thao túng.
Khi cha của An muốn An đi theo chính nghĩa, thì đại diện người Trung Quốc lại không đồng ý. Họ nhắc lại lời thề “sống là người Nghĩa hòa đoàn, chết làm ma Thiên địa hội. Anh muốn nó phản bội lời thề, sống đời hèn nhát sao?” Có thể hiểu rằng khi đã gia nhập tổ chức Trung Quốc thì đời An không bao giờ có thể độc lập. Liệu đây có phải là một lời nhắn nhủ rằng khi đã thề tận trung với thiên triều rồi, cho dù làm vua, làm chủ tịch, làm cha già dân tộc Việt Nam thì cũng vẫn là thuộc hạ của mẫu quốc?
Phim tái hiện lịch sử hào hùng của người dân Nam bộ nhưng không phải chính trị?
Chiều ngày 25/10, trên facebook cá nhân, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có bài viết giải thích về các vấn đề khiến bộ phim bị công kích. Đạo diễn cho rằng bộ phim này không có ý định về chính trị, những người công kích phim này đã cố tình “nâng cao quan điểm” từ những chi tiết nhỏ để thoá mạ người khác.
Nguyễn Quang Dũng lập luận rằng nhiều người “dùng tư tưởng bài Hoa để vùi dập bộ phim”. Như vậy, đạo diễn này đã đánh tráo khái niệm giữa người Hoa ở Việt Nam và tư tưởng bài trừ chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc – chủ nghĩa Sô vanh Đại Hán. Cái người dân chỉ trích là việc hán hoá hình ảnh người yêu nước Việt Nam chứ không ai công kích người Hoa ở Nam bộ hết.
Không thể phủ nhận vai trò của người gốc Hoa trong việc khai phá miền Nam, nhưng nếu nói các tổ chức Trung Quốc yêu nước Việt Nam và lãnh đạo người Nam kỳ trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1920-1930 như nhà sản xuất phim giải thích là sai. Có chăng họ chỉ thống lãnh một nhóm nhỏ của họ để chống lại sự bóc lột của người Pháp tại địa bàn mà họ sinh sống thôi.
Ngoài ra, nếu Nguyễn Quang Dũng nói bộ phim không có ý định về chính trị. Vậy tại sao trong công văn xin phép ghi hình lại ghi mục đích làm phim là “nhầm tái hiện lịch sử hào hùng của người dân Nam bộ”? Liệu đây chỉ là một sự nguỵ biện, hay đạo diễn này nghĩ rằng lịch sử không phải chính trị?
Lấy nghệ thuật và doanh thu để lấp liếm: coi chừng có ngày mất nước
Những người ủng hộ bộ phim này cũng dùng lập luận giống như Nguyễn Quang Dũng, khi cho rằng làm nghệ thuật thì không cần khắc khe lịch sử, phim nghệ thuật không cần đúng lịch sử như phim tài liệu. Với lý lẽ này, những nhà làm phim Trung Quốc hoàn toàn có thể dùng để xuyên tạc lịch sử, chủ quyền Việt Nam. Lúc đó, chúng ta sẽ lập luận như thể nào để phản đối những bộ phim “nghệ thuật Trung Quốc” có đường lưỡi bò, có các chi tiết hạ nhục các anh hùng dân tộc Việt Nam, hoặc truyền bá hình ảnh sai lệch về lịch sử đất nước?
Phải công nhận những hình ảnh đặc sắc ở miền quê Nam bộ trong phim vô cùng xinh đẹp. Nhưng chính vì bị choáng ngợp bởi các đại cảnh miền Tây khiến người ta quên các vấn đề văn hoá dân tộc, quần áo, ngôn ngữ chân phương của người dân phương nam thời kỳ đó. Sự dễ dãi này dẫn tới những lập luận mang nhiều mầm móng nguy hiểm. Khi người trẻ quên đi tiếng nói, hiểu sai về văn hoá truyền thống ông cha thì chính là thời cơ để kẻ thù thôn tính chúng ta.
Nguyễn Quang Dũng là một trong những đạo diễn hàng đầu Việt Nam, có tư tưởng cởi mở. Với nhiều bài viết trên trang cá nhân cũng mang hơi hướng dân chủ, thậm chí bất đồng chính kiến. Đạo diễn này cũng nhiều lần thể hiện quan điểm chính trị qua các bộ phim của mình.
Điển hình là trong phim “Những tháng năm rực rỡ”, Nguyễn Quang Dũng đưa câu nói của cố tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vào lúc binh lính miền Nam kêu gọi người dân di tản khỏi Đà Lạt. “Đừng tin những gì họ nói, hãy nhìn những gì họ làm”. Đạo diễn này đã khéo léo sửa chữ “cộng sản” trong nguyên văn thành chữ “họ” để lách qua cánh cửa kiểm duyệt nghiêm ngặt của nhà cầm quyền hiện nay.
Tuy nhiên, trong trường hợp Đất Rừng Phương Nam, Nguyễn Quang Dũng nói tác phẩm của mình bị “nâng cao quan điểm” là không ổn. Có thể những chi tiết nhỏ này, bằng cách nào đó, qua mặt được hệ thống kiểm duyệt của Đảng, nhưng không thể qua mặt người dân. Nhà sản xuất và đạo diễn có quyền làm phim, người dân có quyền luận bàn, khen chê.
Những người khen ngợi thậm chí lấy doanh thu phòng vé để đánh giá về sự thành công của bộ phim này. Chẳng khác nào kiểu nói “tôi có tiền, tôi có quyền nên tôi luôn đúng”. Việc dùng tiền, dùng doanh thu để che mờ những sai lệch lịch sử cũng là một nguỵ biện nguy hiểm, gây bất lợi tới chủ quyền quốc gia. Nếu một bộ phim Trung Quốc bán được nhiều vé, nhưng nhà sản xuất khéo léo chèn vào một giây xuất hiện đường lưỡi bò, thì người Việt Nam có chấp nhận không?
Cho nên, dù là lấy cảm hứng từ lịch sử, văn chương để làm nghệ thuật, thì cũng không được làm sai lệch bản chất vấn đề. Nhất là nước ta luôn luôn bị Trung Quốc tìm cách dắt mũi, dùng mọi thủ đoạn để thôn tính từ lãnh thổ, chính trị, kinh tế; tới văn hoá, truyền thông, nghệ thuật…
No comments:
Post a Comment