VNTB – Chứng khoán đỏ lửa cả Hà Nội và TP.HCMHàn Lam
27.10.2023 4:23
VNThoibao
Kết phiên 26-10, VN-Index giảm 46,21 điểm (4,19%), xuống 1.055,45 điểm. Sàn HOSE chỉ còn 24 mã tăng, trong khi có tới 505 mã giảm (122 mã giảm sàn). Chỉ số VN30-Index giảm 48,37 điểm (4,34%) xuống 1.064,95 điểm với toàn bộ 30 mã giảm điểm, trong đó 6 mã giảm sàn.
Hàng loạt mã trong nhóm bất động sản giảm kịch sàn. Nhóm sản xuất cũng không chịu thua kém khi MSN, GVR, DCM, HSG, DBC, NKG, HT1, ANV, PAN, IDI, MSH đều giảm hết biên độ. Tương tự, cổ phiếu chứng khoán cũng giảm sâu với VND, VIX, FTS, CTS, AGR, TVS đều rơi kịch biên độ.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 12,03 điểm (5,3%), xuống 219,98 điểm. Chỉ có 20 mã tăng so với 185 mã giảm (37 mã giảm sàn). UpCoM-Index giảm 2,78 điểm (-3,25%), xuống 82,79 điểm.
Chỉ riêng trên sàn HOSE, chốt phiên có tổng cộng 505 mã chứng khoán giảm giá, trong đó 123 cổ phiếu rớt hết biên độ về giá sàn. Đáng chú ý, toàn bộ 30 cổ phiếu bluechips trên HOSE đều giảm sâu với nhiều mã nằm sàn như GVR, MSN, PLX, VHM, VIC, VRE… Không có cổ phiếu nào trụ lại được nên dễ hiểu khi chỉ số VN30 giảm mạnh gần 50 điểm.
Cổ phiếu năng lượng cũng lao dốc không phanh. Theo đó, GAS giảm 6,09%, POW giảm 3,57%, PGV giảm 5,65% còn PLX thì giảm kịch sàn.
Cổ phiếu hàng không và bán lẻ cũng diễn biến tiêu cực: VJC và HVN lần lượt mất đi 2,92% và 4,95% giá trị; MWG giảm 3,45%, PNJ giảm 0,4% và FRT giảm 2,21%.
ACB lãi đậm, cũng bị đỏ sàn.
Ngân hàng ACB báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh bất chấp lãi suất cho vay giảm sâu. Cụ thể, lãi trước thuế quý 3 đạt 5.035 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng 12,5% lên mức 4.038 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, ACB đạt 15.024 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.038 tỷ đồng, cũng đạt mức tăng trưởng 11,2%.
Thế nhưng, khi kết quả kinh doanh tốt được công bố cũng là khi cổ phiếu ACB bị bán mạnh đẩy giá từ vùng gần 23.000 đồng về 21.500 đồng/cổ phiếu hiện tại. Trong phiên giao dịch hôm 26-10, cổ phiếu ACB giảm gần 2%.
Tại Vingroup, mặc dù nhóm cổ đông liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng vẫn sở hữu hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC nhưng xét riêng cá nhân ông Phạm Nhật Vượng thì lượng sở hữu đã giảm còn 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. VIC giảm sàn khiến giá trị tài sản chứng khoán của người giàu nhất Việt Nam bị thu hẹp 2.143 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, cũng sụt giảm khá mạnh tài sản cổ phiếu trong ngày 26-10. Theo đó, tài sản của CEO Vietjet Air giảm khoảng 879 tỷ đồng do VJC điều chỉnh mạnh.
Một số công ty chứng khoán cũng chưa nắm được nguyên nhân thị trường bất ngờ đổ sập, họ cho biết vẫn đang theo dõi sát thị trường. Với diễn biến tiêu cực ở thời điểm hiện tại, thị trường đã rơi sâu khỏi vùng hỗ trợ quanh 1.080 điểm và đang về sát mốc 1.060 điểm, vùng thấp nhất của VN-Index trong 5 tháng qua.
Trên thị trường, báo cáo từ FiinTrade ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết (tính đến ngày 25-10), cho biết đã có 633/1.609 ngân hàng và doanh nghiệp (đại diện gần 33% tổng giá trị vốn hóa trên thị trường) công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế trong quý 3 đang giảm nhẹ khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngành có mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế lớn là ngân hàng, bất động sản, hóa chất, hàng cá nhân và gia dụng. Ngược lại, nhóm các công ty chứng khoán, dầu khí, công nghệ thông tin tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng mạnh.
Từ bình diện quốc tế, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas nổ ra đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt giảm. Bên cạnh đó, giá vàng trong tình cảnh trượt dốc và giá dầu lập tức leo thang…
No comments:
Post a Comment