Wednesday, October 25, 2023

VN: Vì sao không nên trao thêm quyền cho các cơ quan quản lý hành chính?
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi cho BBC từ Hà Nội
25 tháng 10 2023, 19:13 +07
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/AFP
Quang cảnh kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV hôm 23/10/2023

Hôm 23/10, Quốc hội Việt Nam khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV họp bàn sửa đổi và thông qua nhiều văn bản pháp luật.

Một số vấn đề nổi cộm có những quan điểm ý kiến khác nhau sẽ nhận được sự quan tâm của công chúng và báo chí.

Qua việc theo dõi những thảo luận như vậy, một điều tôi đúc rút ra là việc làm luật chỉ nên trao đủ quyền hạn cho thực thi nhiệm vụ.

Hạn chế trao thêm quyền cho các cơ quan quản lý hành chính

Mới đây trong khi bàn luận sửa đổi Luật Thủ đô có ý kiến cho rằng cần trao thêm quyền cắt điện nước cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy.

Đề xuất này được nêu ra trong bối cảnh tại Hà Nội mới xảy ra vụ cháy tòa nhà chung cư mini làm 56 người chết nên nhận được sự quan tâm chú ý của những người làm luật.

Nhưng tôi cho rằng đề xuất này sẽ làm nới rộng quyền hạn của cơ quan quản lý hành chính một cách không cần thiết, bởi vì đề xuất không xuất phát từ việc thiếu vắng quyền hạn đã có mà chỉ là tìm kiếm sự dễ dàng trong thực thi nhiệm vụ.

Bởi lẽ luật xử lý vi phạm hành chính đã trao quyền cho cơ quan xử lý rồi - ngoài việc xử phạt bằng tiền thì có thêm các biện pháp xử phạt bổ sung như tước giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.


Với các quy định đã có, giả sử có một cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan quản lý có thể xử phạt và ra quyết định đình chỉ hoạt động - chẳng hạn yêu cầu dừng hoạt động những quán karaoke lâu nay mà không cần thêm quyền cắt điện nước.

Bằng chứng mới được báo chí đưa tin cho biết, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, sau đợt tổng kiểm tra rà soát vừa qua, gần 10.000 quán karaoke bị tạm đóng cửa vì vi phạm phòng cháy chữa cháy.

Riêng tại Hà Nội, qua quá trình rà soát điều kiện phòng cháy chữa cháy, Thành phố đã ban hành hơn 570 quyết định tạm đình chỉ, gần 570 quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội hồi đầu tháng 9 khiến 56 người chết

Tôi nêu ra số liệu đó để cho thấy cơ quan quản lý hành chính vốn có đủ quyền hạn để chế tài những vi phạm mà không cần có thêm quyền cắt điện nước như đề xuất.

Hoặc đối với những tòa nhà chung cư mini vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, cơ quan quản lý có thể yêu cầu khắc phục đảm bảo an toàn hoặc bất đắc dĩ thì ra quyết định đình chỉ hoạt động.

Quyền hạn đã có cơ quan xử lý vi phạm hành chính cần làm cho tốt trách nhiệm này, nếu không chịu rời đi thì cưỡng chế.

Khi đó điều quan trọng là cơ quan xử lý hành chính cần phải tính toán đánh giá chuẩn xác mối nguy cơ và tìm giải pháp cách khắc phục một cách đúng đắn thay vì muốn có thêm quyền cắt điện nước.

Đề xuất này cũng không phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mới được sửa đổi bổ sung năm 2020.

Khi đó trong quá trình bàn luận sửa đổi cũng có đề xuất trao thêm quyền cắt điện nước cho cơ quan cưỡng chế hành chính, nhưng sau đó vì tính tới các yếu tố quyền con người cho nên Quốc hội khi đấy đã không chấp nhận.

Luật xử lý vi phạm hành chính là văn bản pháp luật trọng tâm chuyên ngành mà còn không quy định thì luật thủ đô khi được sửa đổi liên quan tới vấn đề xử lý vi phạm hành chính không nhẽ lại ban hành ra quyết định trái ngược.

Không hiểu sao cơ quan dự thảo lại đưa ra một đề xuất cùng nội dung mà mới đó Quốc hội đã bác bỏ.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Nền kinh tế và hệ thống pháp luật phát triển song hành với nhau (hình minh họa)

Tôn trọng thị trường

Là một đất nước đang trên đà phát triển, không chỉ nền kinh tế mà hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đang trên đà phát triển.

Nền kinh tế và hệ thống pháp luật sẽ phát triển song hành với nhau, không thể có chuyện một bên phát triển mà bên kia đứng im.

Khi mong muốn có một nền kinh tế thị trường phát triển thì hệ thống pháp luật cũng cần được xây dựng sao cho đồng bộ, hạn chế đưa ra những quy định ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Gần đây, Bộ thông tin truyền thông khi xây dựng dự thảo nghị định cho chính phủ trong quản lý thông tin truyền thông cũng đưa ra đề xuất trao quyền cho cơ quan quản lý được quyền cắt mạng internet đối với những người vi phạm trên không gian mạng.

Lâu nay, những vi phạm trên không gian mạng đã không thiếu gì chế tài xử lý gồm cả xử phạt hành chính và xử lý hình sự, điều đã được thực hiện bấy lâu cho dù rất nhiều người kêu gọi phải có thêm quyền cho tự do ngôn luận biểu đạt.


Những đề xuất trong ban hành pháp luật như vậy đều phản ánh một xu hướng muốn nới rộng quyền hạn của cơ quan quản lý hành chính, có khả năng can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi chấp nhận những đề xuất như thế sẽ dẫn đến chỗ này một quy định, chỗ kia một quy định, khi tồn tại đồng thời sẽ tạo ra một khung pháp lý rất thiếu thân thiện cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc đề xuất những quy định để mở rộng quyền hạn cho cơ quan quản lý cũng không phù hợp với định hướng về quản trị quốc gia hiện nay, được nêu tại văn kiện đại hội Đảng lần thứ 13.

Theo đó, các chính sách pháp luật ban hành cần tính tới lợi ích của các chủ thể liên quan theo hàng ngang thay vì như trước kia đề cao quyền hạn nhà nước và ưu tiên thiết lập mối quan hệ hàng dọc trên dưới giữa người quản lý và đối tượng bị quản lý.

Bởi vậy ngay cả khi các doanh nghiệp điện nước và viễn thông vốn là doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn đầu tư của nhà nước chấp thuận những đề xuất thì Quốc hội cũng không nên làm theo.

Xây dựng pháp luật ngày nay cần tạo lập một khung khổ pháp lý cân đối khoa học để mục đích cuối cùng là tạo nền móng pháp lý cho phát triển kinh tế xã hội.

Việc mở rộng hay tích tụ quyền hạn cho một vị trí hay bộ phận nào đó trong bộ máy hành chính cũng không phù hợp với những quan điểm về kiểm soát quyền lực của nhà nước hiện nay.

Bởi vậy thiết nghĩ chỉ nên trao đủ quyền hạn cho thực thi nhiệm vụ, các cơ quan quản lý hành chính. Khi họ được giao nhiệm vụ nào thì phải nâng cao năng lực trình độ trách nhiệm để làm cho tốt việc đó, thay vì tìm kiếm việc mở rộng quyền hạn và đòi hỏi quá nhiều ở nhà nước và xã hội.

Cần nhận thức rõ như thế mới tránh được những bất cập trong xây dựng pháp luật và để có thể xây dựng được một hệ thống luật pháp khoa học nhân văn, làm bệ đỡ cho phát triển kinh tế xã hội.


* Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư ở Hà Nội.

No comments:

Post a Comment