Liên minh quốc tế chống Hamas: Đề xuất của TT Pháp bị coi là bất khả thi
Trọng Nghĩa
Đăng ngày: 25/10/2023 - 16:22
RFI
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (P) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung tại Jerusalem, ngày 24/10/2023. AP - Christophe Ena
Hai tuần lễ sau cuộc tấn công dã man chưa từng thấy của lực lượng Hồi Giáo Palestine Hamas vào Israel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đích thân đến Israel để bày tỏ lời chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với người dân và chính quyền Israel. Bên cạnh những thông điệp ủng hộ Israel, một sáng kiến của tổng thống Pháp đã làm dấy lên một số câu hỏi về tính khả thi : Đó là sáng kiến “xây dựng một liên minh khu vực và quốc tế” để “chiến đấu” chống lại tổ chức Hamas được thành lập ở Gaza, vốn bị liệt vào diện tổ chức khủng bố.
Theo nhật báo Pháp Le Figaro, đề xuất của ông Macron còn rất mơ hồ, và đã được đưa ra nhằm hưởng ứng sự so sánh của thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou đánh đồng Hamas với tổ chức khủng bố Daech. Đề xuất này sau đó đã được bổ sung bằng một thông cáo báo chí ngay trong ngày của Điện Élysée, giải thích rằng đó là sáng kiến “lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Liên Minh Quốc Tế chống Daech và xem xét những khía cạnh có thể được áp dụng để chống lại Hamas”.
Tuy nhiên, theo nhận định của Le Figaro, nếu liên minh quốc tế trước đây đã cho phép tiêu diệt được tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak và Syria, thì kiểu liên minh này có vẻ ít phù hợp hơn trong trường hợp của Hamas.
Theo ông Adel Bakawan, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Pháp về Irak đồng thời làm việc tại Viện Quan Hệ Quốc tế Pháp IFRI, Daech và Hamas là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Liên minh quốc tế chống Daech ở Irak và Syria ra đời vào tháng 8 năm 2014, trong bối cảnh các lực lượng của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tiến vào Erbil, một bước tiến “bị một bộ phận lớn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và Pháp, coi là lằn ranh đỏ vì lợi ích chiến lược của họ trong khu vực khi đó đã bị đe dọa”.
Liên minh chống Daech đã quy tụ được đến 80 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có rất nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo, từ Ả Rập Xê Út, Jordanie… cho đến Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ…
Còn trong trường hợp Hamas, tình hình hoàn toàn khác. Theo chuyên gia Bakawan, dù vẫn kiên quyết chiến đấu chống lại Daesh, “tất cả các quốc gia Trung Đông, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đều phản đối cuộc chiến giữa Israel và Hamas”. Kể từ khi xung đột bùng nổ, các cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ người Palestine đã diễn ra ở Irak, Jordanie, Maroc, Algerie, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisie và thậm chí ở cả Liban.
Một điểm khác biệt lớn nữa là Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, một đồng minh không chính thức của liên minh chống Daech, lại là quốc gia trực tiếp hậu thuẫn cho Hamas. Trên hiện trường, nước này đã huy động nhiều lực lượng dân quân ở Syria, Yemen, Liban và Irak để chống lại Israel.
Đề xuất của tổng thống Pháp Macron còn có khả năng bị cư dân Hồi Giáo Ả Rập ở Trung Đông và Châu Âu tẩy chay vì đối với họ, Hamas là một phong trào dân tộc chứ không phải là một phong trào quốc tế. Theo họ, Hamas đã giành chiến thắng (năm 2006) trong cuộc bầu cử dân chủ duy nhất từng được tổ chức ở Palestine, nhưng phương Tây lại từ chối công nhận kết quả dân chủ đó và không thảo luận với Hamas.
Về tình hình hiện nay, các hành vi tàn bạo khủng bố của Hamas là kết quả của việc phong tỏa lãnh thổ Gaza trong hơn 10 năm, những vụ máy bay Israel ném bom bừa bãi vào Gaza là tội ác chiến tranh không kém phần nghiêm trọng so với những gì Hamas gây ra.
Dẫu sao thì bản thân tổng thống Pháp đã trải nghiệm phản ứng kể trên của cư dân Ả Rập Hồi Giáo. Đến thăm Ramallah, thủ phủ vùng Cisjordanie của người Palestine chiều hôm qua, sau khi đưa ra đề xuất về một “liên minh chống Hamas”, tổng thống Pháp đã bị nhiều người diễu hành phản đối.
No comments:
Post a Comment