Video bạo lực và ‘thú vui xem cảnh giết chóc’ đang định hình lại chiến tranh hiện đại
Washington Post
Tác giả: Drew Harwell
Cù Tuấn, biên dịch
24-10-2023
Tiengdan
27/10/2023
Dân quân Palestine tại lễ tang của 13 người thiệt mạng trong cuộc đột kích của Israel vào trại tị nạn Nur Shams, Tulkarm B,ờ Tây, ngày 20/10. Ảnh: WP
Tóm tắt: Các cuộc chiến tranh Israel-Gaza và Ukraine đã tràn ngập internet với các nội dung rùng rợn. Một nhà nghiên cứu nói: “Dường như đột nhiên có thêm nhiều rạp chiếu phim trong thị trấn, và một số rạp trong số đó chuyên chiếu các bộ phim giết người”.
Đoạn video góc nhìn thứ nhất do quân đội Israel công bố, cho thấy các chiến binh hải quân trên pháo hạm sử dụng súng trường tấn công và lựu đạn để bắn vào những người lính đang nổi trên mặt nước. Các quan chức quân sự cho biết mục tiêu là những kẻ khủng bố Hamas đã cố gắng tấn công vào bờ biển Israel trong cơn thịnh nộ gây ra cuộc chiến tranh Israel-Gaza; tất cả bọn họ được cho là đã chết ngay sau đó.
Những đoạn phim bạo lực như vậy trước kia được chia sẻ chủ yếu ở những góc tối và bệnh hoạn trên Internet, khuất tầm mắt của người xem bình thường. Nhưng các video tàn sát trên của hải quân Israel đã xuất hiện trên các nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội và các diễn đàn thảo luận, bao gồm cả subreddit r/CombatFootage, có 1,6 triệu người theo dõi của Reddit, với hàng chục video bạo lực được đăng vào ngày hôm đó.
Trong một cuộc thảo luận về video trên, một người bình luận cho biết trong một bài đăng đã bị xóa, rằng họ đang sống trong “thời kỳ hoàng kim của sự tàn bạo được trình diễn công khai”.
Các cuộc chiến ở Israel và Ukraine đã gây ra sự bùng nổ các video trực tuyến thể hiện sự khủng khiếp của chiến tranh hiện đại, mang lại những hình ảnh giết chóc và tàn ác đến với khán giả toàn cầu, những người chưa chuẩn bị – hoặc chưa sẵn lòng – để xem chúng.
Các video bạo lực đã xuất hiện tràn lan khi các chiến binh sử dụng điện thoại di động và máy ảnh GoPro để ghi lại hoặc phát trực tiếp các cảnh quay từ góc nhìn trực tiếp, nhằm mục đích phân tích chiến lược quân sự hoặc tuyên truyền. Và nhu cầu xem những video dạng này cũng tăng lên khi người dùng Internet đổ xô đến các trang video, bản tin và nhóm riêng tư được kiểm duyệt lỏng lẻo, nơi họ có thể xem và chia sẻ những cảnh quay bạo lực cực đoan để thỏa mãn sự tò mò hoặc ghi điểm về mặt chính trị.
Colin Henry, một nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington, người chuyên nghiên cứu về bạo lực chính trị và internet, cho biết: “Hệ thống truyền thông trực tuyến ngày càng phân tán của chúng tôi có nghĩa là có nhiều đất hơn cho loại nội dung này và nhiều chương trình kiểm duyệt nội dung khác nhau để lựa chọn. Dường như đột nhiên có thêm nhiều rạp chiếu phim trong thị trấn, và một số rạp trong số đó tập trung vào các bộ phim mô tả cảnh giết người”.
Trong cả hai cuộc chiến, các nhà lãnh đạo quân sự và những người lính bản địa rành kỹ thuật số có mong muốn ghi lại thực tế cuộc xung đột của họ hoặc mong có được sự hỗ trợ của quốc tế, đã phát hành video trực tiếp qua các dịch vụ nhắn tin nhóm như Telegram hoặc đăng lại chúng trên các nền tảng truyền thông xã hội như X, trước đây là Twitter.
Trên Telegram, cánh quân sự của Hamas đã đăng các đoạn phim huấn luyện, cho thấy các chiến binh Hamas chuẩn bị chiến đấu cũng như các video chưa được kiểm duyệt về các cuộc giao tranh đẫm máu, các cuộc tấn công bằng lựu đạn không người lái và các cảnh giết chết binh lính Israel. Một phát ngôn viên của quân đội Hamas cũng cam kết sẽ phát sóng trực tuyến các vụ hành quyết con tin.
Basem Naim, lãnh đạo bộ phận quan hệ quốc tế của Hamas, nói với Washington Post trong một cuộc phỏng vấn, rằng các đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội vừa để thu hút sự chú ý của thế giới, vừa để khuyến khích các chiến binh Hamas dũng cảm hơn trong cuộc chiến phía trước.
“Ai đang khủng bố ai? Chúng tôi là nạn nhân… của cỗ máy giết người khổng lồ này”, ông nói. Các video “cho thấy chúng tôi có thể làm được điều gì đó. Không phải chỉ có chúng tôi là người liên tục bị đàn áp. Không, đôi khi chúng tôi cũng có thể đánh trả”.
Đối với nhiều người ở xa chiến trường, nguy cơ những video như vậy bất ngờ xuất hiện trên các trang web phát tự động hoặc nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội đã trở thành nỗi sợ hãi dai dẳng, khiến một số trường học và nhóm giáo dục phải hướng dẫn phụ huynh giám sát hoặc ngăn chặn việc con họ sử dụng mạng xã hội. Các bác sĩ tâm thần cảnh báo rằng, việc xem đi xem lại những hình ảnh tim gan phèo phổi như vậy nhiều lần có thể dẫn đến cái được gọi là “chấn thương gián tiếp”, gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của người xem.
Tuy nhiên, những người khác lại tích cực tìm kiếm để xem chúng – và được chính các chiến binh hỗ trợ. Lữ đoàn cơ giới 110 của Ukraine, một đơn vị bộ binh chuyên thả bom bằng máy bay không người lái, đã đăng hơn 100 video lên kênh Telegram của mình, nhiều video trong số đó cho thấy, các binh sĩ Nga bị nổ tung trên nền nhạc heavy metal.
Các video này thường được đăng lại lại với mô tả bằng tiếng Anh trên các chuyên mục phụ như r/UkraineWarVideoReport, nơi chúng thường nhận được hàng ngàn nhận xét và lượt xem.
Một số người bình luận ở đó nói rằng, các đoạn video đưa ra một bài học khủng khiếp. Một Redditor cho biết trong một chủ đề thảo luận về đoạn video quay cảnh một người lính Nga bị thương đã tự sát. “Tôi ước gì các chính trị gia sẽ xem những video này khi họ uống cà phê buổi sáng”.
Những người khác ăn mừng bạo lực hoặc tỏ ra thích thú khi xem những cuộc tàn sát như vậy ở ngay trong phòng khách gia đình. “Tôi đang ăn bánh dừa khi xem cái này”, một Redditor nói trên một đoạn video cho thấy những người lính Nga bị giết bằng lựu đạn.
Các hình ảnh như vậy từ lâu đã đóng vai trò định hình sự hiểu biết của công chúng về các sự kiện hiện tại. Những hình ảnh ám ảnh về các trận chiến và thảm sát được phát trên tin tức truyền hình, đã khiến công chúng Mỹ phản đối Chiến tranh Việt Nam. Các đoạn video lặp lại cảnh máy bay phản lực đâm vào tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã đánh dấu một thời điểm quan trọng đối với lượng người xem chính thống về các hành động tàn bạo; các đoạn phim của các nhà báo gắn bó với quân đội Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan cũng có tác dụng tương tự trong những năm chiến tranh sau đó.
Nhưng những video như vậy cũng được sử dụng để gieo rắc nỗi kinh hoàng và kích động phản ứng thái quá về mặt cảm xúc, có thể khiến người xem tức giận, làm leo thang xung đột hoặc trở thành công cụ tuyên truyền trong tay những kẻ tấn công, Amanda E. Rogers, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Century Foundation, người đã nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan, cho biết. Bà nói, gần một thập kỷ trước, vụ chặt đầu các nhân viên cứu trợ, nhà báo và những người khác được ghi lại bằng video của Nhà nước Hồi giáo đã giúp đánh dấu một bước ngoặt đối với những kẻ khủng bố, những kẻ nhìn thấy giá trị của việc đăng tải những thước phim ghê rợn đến mức nhiều người xem cảm thấy họ không thể nào bỏ qua.
Rogers nói: “Mọi người không hiểu, rằng bạn có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột bằng cách vô tình tuyên truyền giúp đỡ quân đối phương. Giờ đây, những video này đã lan sang môi trường mạng xã hội, nơi mà công chúng có trình độ thấp nhất và âm thanh hấp dẫn đã khiến các thước phim này được sử dụng như một môn thể thao đồng đội mang tính đảng phái”.
Một số video rùng rợn đã tỏ ra có giá trị đối với các nhà điều tra và nhà báo đang tìm kiếm con tin hoặc ghi lại tội ác chiến tranh. Và những người điều hành subreddit CombatFootage, nơi đã chứng kiến số lượng người đăng ký tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2022, cho biết họ đánh giá các video dựa trên “tỷ lệ cảnh quay chiến đấu/ nội dung tuyên truyền”. Những clip ít tập trung vào chiến đấu thực tế sẽ bị loại bỏ.
Nhưng ranh giới giữa những video như vậy và hoạt động tuyên truyền không phải lúc nào cũng rõ ràng. Henry cho biết, những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng trong nhiều năm đã lan truyền các video, cho thấy những hành động bạo lực của người da màu nhằm kích động thù hận chủng tộc với hy vọng thu hút được những người ủng hộ tiềm năng. Trong các cuộc xung đột gần đây, những video khủng khiếp như vậy đã được sử dụng để hạ nhục kẻ thù và khiến khán giả quốc tế tăng cường tập trung hơn vào cuộc chiến.
Ông nói: “Nội dung bạo lực, đặc biệt là cảnh chiến tranh, có thể thực sự gây tổn thương cho mọi người, nhưng nó cũng có thể là một động lực tuyệt vời. Khi bất kỳ người có ảnh hưởng nào đến cuộc chiến ở Ukraine chia sẻ video về binh lính Nga chết vì các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, một phần của chiến lược là thu hút khán giả Mỹ hoặc châu Âu, những người coi binh lính Nga là một phần của một nhóm người bị ghét bỏ và binh lính Ukraine là những người giống như họ”.
Các nền tảng truyền thông xã hội lớn thường chặn hoặc hạn chế các video chiếu cảnh chết chóc hoặc bạo lực quá tàn nhẫn. Các quy tắc của mạng xã hội X cho phép các video bạo lực nếu chúng bị ẩn sau tuyên bố từ chối trách nhiệm cảnh báo, nhưng công ty này cấm “máu me vô cớ” ngoại trừ trường hợp hình ảnh đó “liên quan đến các sự kiện đáng chú ý”, nói rằng “nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc nhiều lần với nội dung phản cảm quá mức có thể tác động tiêu cực đến tâm trạng cá nhân”.
Tuy nhiên, một số video bạo lực từ cuộc chiến tranh Israel-Gaza vẫn có thể xem được theo cách không hạn chế trên X, bao gồm cảnh quay về tàu pháo và các clip khác từ quân đội Israel có mục đích chiếu cảnh các chiến binh Hamas bị xe tăng bắn hạ ở biên giới Israel.
Trong một số trường hợp, chiến tranh cũng gây ra sự thay đổi các quy tắc lâu đời về ngôn luận. Facebook năm ngoái cho biết họ sẽ tạm thời cho phép các tin nhắn bạo lực liên quan đến chiến tranh Ukraine, chẳng hạn như “giết quân xâm lược Nga” vì chúng đại diện cho quyền tự do ngôn luận về mặt chính trị cần được bảo vệ. Công ty cho biết, những lời kêu gọi bạo lực chống lại thường dân Nga vẫn bị cấm.
Chính phủ Ukraine năm ngoái đã bắt đầu đăng ảnh và video về những người lính Nga bị bắt và bị giết lên Telegram, Twitter và YouTube với hy vọng kích động thế giới phản đối Nga về chi phí nhân mạng của chiến tranh. Các chuyên gia tư pháp quân sự nói với [Washington] Post rằng, một số hình ảnh này có thể vi phạm Công ước Geneva, vốn yêu cầu các chính phủ bảo vệ tù nhân chiến tranh khỏi “những lời xúc phạm và sự tò mò của công chúng”.
Theo quảng cáo của YouTube, Bộ Ngoại giao Israel đã áp dụng một chiến thuật tương tự để chọc giận khán giả phương Tây bằng cách chạy hàng trăm quảng cáo đầy ám ảnh trên YouTube, bao gồm các video trong đó các giám định y tế Israel mô tả những gì họ nhìn thấy khi khám nghiệm tử thi, thi thể của những đứa trẻ được cho là bị giết trong cuộc tấn công của Hamas.
Một quảng cáo trên YouTube hiển thị cảnh đầy màu sắc về những con kỳ lân đang mỉm cười và cầu vồng nhanh chóng chuyển sang một thông điệp đen tối hơn: “Chúng tôi biết rằng con bạn không thể đọc được điều này… 40 trẻ sơ sinh đã bị những kẻ khủng bố Hamas (ISIS) sát hại ở Israel”, quảng cáo viết. “Bạn sẽ làm mọi thứ để bảo vệ con mình, và chúng tôi cũng sẽ làm mọi thứ để bảo vệ con mình”.
Người phát ngôn của YouTube, nơi có quy định quảng cáo cấm bạo lực và “nội dung gây sốc”, cho biết quảng cáo trên không hiển thị trên nội dung tập trung vào trẻ em và không dẫn đến bất kỳ hành động bạo lực nào.
Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, không trả lời yêu cầu bình luận, cũng đã đăng một bức ảnh vào đầu tháng này, cho thấy một em bé đã chết, người đẫm máu, khuôn mặt mờ mịt, lên tài khoản X với 1,4 triệu người theo dõi, gọi đây là “hình ảnh ghê rợn nhất chúng tôi đã từng đăng”.
Theo tờ báo Anh, tờ Times, hôm thứ Hai [đưa tin], quân đội Israel đã cố gắng tiếp cận khán giả là các phóng viên nước ngoài, chiếu một đoạn video đồ họa dài 40 phút, cho thấy “cảnh này nối cảnh khác với bạo lực kinh hoàng”. Một số video được lấy từ điện thoại, ô tô và mũ bảo hiểm của các chiến binh Hamas.
Các quan chức quân sự [ Israel] cũng chia sẻ hướng dẫn mà họ cho biết, đã thu được từ các chiến binh Hamas, nêu chi tiết cách họ nên “phát sóng trực tiếp” các vụ giết người: “Đừng lãng phí pin và bộ nhớ máy ảnh, nhưng hãy sử dụng chúng càng nhiều càng tốt”.
Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội, nói với đám đông rằng các đoạn video này sẽ là “ký ức tập thể cho tương lai”. Theo tờ Times, ông nói: “Chúng tôi sẽ không để thế giới quên đi việc chúng tôi đang chiến đấu với ai”.
No comments:
Post a Comment