Đề thi cho Tại chứcChu Mộng Long
27-10-2023
Tiengdan
Nhà trường yêu cầu ra đề thi, đáp án gửi cho Phòng Khảo thí, người ra đề phải ký niêm phong. Vậy mà học viên cứ nhắn tin hoặc điện thoại léo nhéo xin đề.
Có lớp khiêm tốn chỉ xin cái “đề cương”. Mình hỏi “đề cương” là cái gì vậy? Học viên chuyển luôn cho cái mẫu để thầy tham khảo. Thì ra là có thầy cho vài ba câu hỏi và đáp án luôn. Giống nhưng gọn hơn cái đề cương mà ông Sở, ông Phòng cấp cho học sinh phổ thông học và làm bài trong mỗi kì thi.
Đang cáu nhưng không khỏi bật cười khi nghĩ một giảng viên đại học như tôi cũng phải cần học viên cấp cho cái “mẫu” mới có thể làm “đề cương” được!
Mình chẳng nhận phong bì của lớp nào nên im lặng cho xong. Mà ở trên lớp, ngay đầu giờ và cuối môn học, mình nhắc đi nhắc lại, rằng đề mở, rất thực tế, cứ động não mà làm. Thời gian trên lớp toàn là hỏi đáp, coi như chỉ thi lại nội dung đã hoạt động trên lớp. Sao lại phải có câu hỏi và đáp án cho trước thì mới thi được?
Chiều nay bận rộn đủ thứ công việc nhưng điện thoại thì réo liên tục. Ghét, không bắt máy. Mở máy ra thì thấy tối hậu thư: “Em xin đề thi môn thầy, ngày mai là thi thầy ơi”. Định làm ngơ, nhưng hỏi ngược cho bớt nóng: “Các thầy cô phải nộp trước đề thi cho các bạn?” Học viên trả lời: “Em xin đề thầy để em soạn và làm bài…”
Không nói tôi cũng hiểu, nhiều thầy không cho cả đề và đáp án cho học viên thì cũng chuyển đề trước cho lớp trưởng. Lớp trưởng hoặc thuê người làm hoặc phân công soạn trước và vào phòng thi cả lớp cùng chép.
Hôm nay thì tôi rất hào hiệp chuyển trước luôn cái đề thi cho học viên. Chỉ một câu:
“Nếu bạn chỉ biết chờ người khác làm sẵn rồi thi nhau đớp, tợp thì nên chọn làm nghề gì cho thích hợp?”
Ra đề và chuyển cho học viên xong, tôi cứ hình dung sắp tới chấm bài sẽ khá vui. Dù đề thi chính thức không phải vậy, nhưng chắc chắn không ít học viên sẽ như cái máy tự động, chép bài làm sẵn theo yêu cầu của đề này.
Mong họ trả lời trung thực: Đó là nghề giáo! Vì học viên toàn là thầy cô giáo học hệ liên thông. Mỗi năm đào tạo đến cả vạn học viên hệ này đấy!
Ảnh minh họa: Thi cử ngày xưa. Nguồn: Internet
Đề thi trên có thể cũng giúp cho ông Thuyết, ông Thống tham khảo để hiểu “dạy học phát triển năng lực” là phát triển cái năng lực gì trong cải cách giáo dục của các ông!
Biết là Bộ trưởng, Hiệu trưởng và nhiều thầy cô khó chịu khi lần đầu tiên tôi dám tiết lộ cái “bí mật cuốc da” này, nhưng chẳng lẽ giữ bí mật suốt đời để dân ta bị lừa mãi?
Cũng không biết mấy ông bà nghị có nhột không khi bấm nút thông qua điều luật đánh đồng bằng chính quy và tại chức? Học viên tại chức khi thi cho ra kết quả cũng ở 3 mức: 1) đỗ cao, 2) đỗ, 3) đỗ thấp; trong đó 90% là đỗ cao đấy!
No comments:
Post a Comment