Ý nghĩa biểu tượng của con hươuThái Hạo
9-8-2023
Tiengdan
Những con hươu được tử từ Nguyễn Văn Chưởng làm trong tù để gửi thông điệp kêu oan suốt 16 năm qua đã mang đến cho tôi một ám ảnh về sự kỳ bí lạ lùng. Xin lược chép ra đây ý nghĩa biểu tượng của con vật này từ sách “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.
***
“Nhờ bộ sừng to cao và lại đổi mới theo định kỳ của nó, con hươu hay được so sánh với Cây Đời. Nó tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở dồi dào, ta cũng tìm thấy những giá trị ấy trong văn hoa của các buồng, nhà làm lễ rửa tội cho người theo đạo Kitô, cũng như trong truyền thống của người Hồi giáo, người vùng Altai, người Maya, Pueblo, v.v…”.
“Hươu cũng là con vật báo sáng, nó dẫn dắt đến ánh sáng ban ngày. Đây là trích đoạn trong một bài hát của người da đỏ Pawnees ngợi ca ánh sáng mặt trời: chúng tôi gọi lũ trẻ, chúng tôi bảo chúng hãy dậy đi… Chúng tôi bảo lũ trẻ: thú rừng đã dậy hết rồi. Từ các hang ổ, nơi chúng ngủ, chúng đương đi ra. Dẫn đầu là con hươu. Từ gốc cây là nhà của nó, nó dắt đàn con tới Ánh nắng ban mai”.
“Trong một số truyền thống văn hóa khác, ý nghĩa tượng trưng này đã đạt quy mô vũ trụ và tinh thần, con hươu hiện ra ở đây như một môi giới giữa trời và đất, như là biểu tượng của ánh mặt trời đang mọc và đang vươn lên thiên đỉnh. Rồi đến một ngày, cây thập tự sẽ hiện hình giữa sừng già phân nhánh của nó và sẽ trở thánh biểu tượng của Đức Kitô, hình ảnh của sự hiến dâng thần bí, sự khải huyền cứu rỗi. Trở thành sứ giả của thần thánh, nó sẽ nhập vào một chuỗi biểu tượng mà chúng ta sẽ nhiều lần thấy gắn bó với nhau như một quần thể: cây đời, sừng, hình chữ thập”.
“Hươu cũng là biểu tượng của sự nhanh nhẹn nhưng đồng thời cũng là biểu tượng của sự sợ hãi. Là con vật được cung hiến cho nữ thần Diane, một trinh nữ chuyên săn bắn trong huyền thoại Hi – Lạp cổ điển, nó gợi nhớ những hình tượng tương đồng trong Kinh Bổn Sinh của Đức Phật. Con hươi (nai) vàng ở đây không phải ai khác mà chính là Đức Bồ Tát cứu giải nhân quần khỏi nỗi tuyệt vọng, bình định những đam mê nơi họ”.
[Trung Hoa] “Con hươu cũng được xem như một biểu tượng của sự trường thọ và nhất là phồn thịnh, thể hiện ở những trò chơi chữ trong dân gian, ví dụ như từ “lou” (lộc) vừa có nghĩa là hươu, nai, vừa có nghĩa là phúc, bổng”.
“Cũng như con tuần lộc, con hoẵng, hươu hình như đóng vai trò dẫn linh hồn trong một số tín ngưỡng châu Âu, đặc biệt người Celtes: vua Morholt, bác của Yseult, bị Tristan giết chết trong một cuộc chiến tay đôi, thi hài ông được liệm bằng một bộ da hươu”.
“Hươu hay được nhập vào với con nai trong Kinh Thánh”. Về quan hệ giữa chúng, Oregéne nhận xét rằng, nai có con mắt thấu thị, con hươu thì giết rắn, đuổi chúng ra khỏi ổ bằng hơi thở từ lỗ mũi của mình. Oregéne so sánh Đức Kitô với con nai, xét về mặt theoria (học thuyết), và với con hươu, xét về mặt hành động”.
“Một số tác phẩm nghệ thuật lại biến hươu thành biểu tượng của khí chất ưu sầu, có thể do con vật này ưa thích sự cô đơn. Đôi khi ta nhìn thấy hình ảnh con hươu bị trúng tên, miệng ngậm vài sợi cỏ, nó cầu mong dược thảo ấy sẽ chữa cho nó lành vết thương”.
“các văn nghệ sĩ còn biến hươu thành biểu tượng của sự thận trọng, bởi vì nó thường chạy trốn theo chiều gió, gió đánh bạt đi cả mùi của nó; bằng bản năng nó còn nhận ra được những cây thuốc”.
“Hay được liên hệ với con Kỳ lân, hươu là biểu tượng của thủy ngân tạo vàng. Một tranh kiệt tác của Lambsprinck (thế kỷ XIV) nhan đề Đá tạo vàng cho ta thấy hai con vật mặt đối mặt dưới lùm cây trong rừng. Một bài thơ kèm theo cắt nghĩa rằng hươu biểu trưng cho thủy ngân (bình diện dương tính) và Tinh Thần; kỳ lân là Lưu Huỳnh (bình diện âm tính) và tâm hồn, còn rừng là muối và thân xác”. (Hết trích)
***
Trên đây tôi đã lược ghi một số ý nghĩa biểu tượng của con hươu từ một cuốn sách nổi tiếng thế giới. Rõ ràng, hươu trong các nền văn hóa khác nhau mang rất nhiều ý nghĩa, vừa sinh động, thực tế, vừa thiêng liêng và cả thần bí.
Trong hình dung và cảm nhận của người Việt, thì con hươu thường được nhìn như là biểu tượng của sự vụng về, ngơ ngác, nhút nhát, một con vật ăn cỏ hiền lành và vô hại, cũng có lúc thong dong, nhưng thường luôn cảnh giác và chạy trốn.
Tôi không biết Nguyễn Văn Chưởng thực sự muốn gửi gắm ý niệm gì trong những hình tượng con hươu mà anh đã miệt mài làm và gửi ra ngoài từ trong phòng biệt giam, nhưng rõ ràng anh là một người có bàn tay nghệ sĩ, có tính kiên nhẫn tuyệt vời và có một tâm hồn nhạy cảm với khát vọng sống mãnh liệt. Một người đã làm ra những con hưu vừa đẹp một cách tinh tế, vừa toát ra cái thần thái bí hiểm như thế, hẳn phải chất chứa trong lòng một năng lượng và sự thôi thúc lớn lao lắm.
Thoáng chốc, tôi như nhìn thấy trong tiếng kêu oan bằng hình ảnh những con hươu của Nguyễn Văn Chưởng, hiện lên cả một không gian văn hóa rộng lớn của nhân loại và cả chiều sâu nguyên thủy của bản năng sống thần bí và mãnh liệt đến rợn người…
No comments:
Post a Comment