Friday, August 4, 2023

VNTB – Luật về hội: ‘hiểu sao cũng trúng’
Lynn Huỳnh
05.08.2023 2:02
VNThoibao



(VNTB) – Quyền tự do lập hội ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được luật hóa, nên lập luận nào cũng sẽ… có lý (!?)

 Trung ương ‘gật’, địa phương ‘lắc’

“Hồ sơ đề nghị thành lập chưa nêu bật được sự cần thiết, tính cấp thiết phải thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam. Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam của Chính phủ mới ban hành, diện tích sâm và tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sâm chưa nhiều. Trước mắt, nên chưa thành lập hiệp hội”, văn bản Sở Y tế gửi Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum nêu ý kiến.

Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng có văn bản ý kiến tương tự. Theo đó có hai lý do về việc chưa nên thành lập tổ chức hiệp hội như đề xuất. Lý do thứ nhất là chương trình Phát triển Sâm Việt Nam của Chính phủ mới ban hành; diện tích sâm, sản phẩm, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất Sâm chưa nhiều.

Lý do thứ hai mới là ‘điểm chính’, đó là phía đề xuất thành lập hiệp hội vẫn chưa chứng minh được rằng họ thật sự có trồng sâm Ngọc Linh. Hơn nữa, phía đang tiến hành thủ tục hành chính về xin phép lập hội này, nếu họ chỉ là các doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh, thì hoàn toàn có thể đăng ký tham gia vào Hiệp hội Dược liệu.

Ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam có đa số người thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, do ông Võ Kim Cự – chủ tịch hội đồng quản trị công ty – làm trưởng ban.

Tuy nhiên ở cấp trung ương, ghi nhận về mặt thủ tục hành chính thì phía Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sau khi ông Võ Kim Cự có đơn đề nghị thành lập ban vận động hiệp hội sâm, bộ này đã lấy ý kiến của tất cả cơ quan đơn vị liên quan, một số hội của bộ. Kết quả tổng hợp không thấy trùng với các hội đã thành lập. Do đó, bộ đồng ý việc thành lập ban vận động với 16 thành viên là đúng quy định.

Quyết định thành lập, điều lệ hội do Bộ Nội vụ quyết định. Những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia có thể làm đơn gửi về ban vận động. Ban tập hợp khoảng 100 đơn vị, tổ chức cá nhân muốn tham gia gửi Bộ Nội vụ thẩm định quyết định thành lập hiệp hội.

Phía cơ quan chuyên trách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra lập luận như trên về đơn đề nghị thành lập ban vận động hiệp hội sâm của ông Võ Kim Cự.

Khi luật pháp ‘hiểu sao cũng trúng’

Dường như mọi việc ở đây có nguyên nhân từ tên của người dự kiến đứng đầu tổ chức hiệp hội này.

Võ Kim Cự, sinh năm 1957 nguyên là Bí thư, Chủ tịch đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khóa 14 thuộc đoàn đại biểu Hà Tĩnh, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Liên quan đến vụ xả nước thải ra biển của Formosa, ngày 21-4-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định xóa mọi chức vụ trong Đảng của ông.

Rời chính trường, một thời gian ngắn sau đó người ta thấy ông được ưu ái khá rõ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Lý lịch cá nhân của ông Võ Kim Cự cho thấy ông am tường các thủ tục về lập hội nghề nghiệp khi từ 8-1993 đến 6-2005 là Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam.

Các sai phạm ở quá khứ của chính khách Võ Kim Cự đã khép lại với những xử lý hành chính liên quan. Ông Võ Kim Cự nghỉ hưu và giờ đây tư cách công dân, ông có đầy đủ các quyền về yêu cầu được lập hội.

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã tái khẳng định và cụ thể hóa tại Điều 22: “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Lưu ý đây không phải là quyền tuyệt đối, bởi nó cho phép các quốc gia có thể đưa ra các hạn chế trong việc thực hiện quyền này vì lý do an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ các quyền, tự do, sức khỏe của người khác.

Tinh thần đó từ Hiến chương và Công ước đã thể hiện nội dung của quyền bao gồm ba cách tiếp cận: quyền thành lập hội; quyền gia nhập hội; quyền hoạt động và điều hành hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động của hội.

Như vậy nếu căn cứ vào nguyên tắc phổ quát chung, không chỉ riêng ông Võ Kim Cự, mà ai cũng có quyền lập hội và quyền gia nhập hội. Thế nhưng ngặt một nỗi là luật hóa về quyền lập hội, quyền gia nhập hội ở Việt Nam hiện tại vẫn dừng ở “dự án luật”. Chính điều này nên trong vụ xúc tiến thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam còn quá nhiều gút mắc từ ý kiến trái chiều của phía chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.


No comments:

Post a Comment