Thủ thuật "dư luận chiến" trong vụ Manila Times nói Việt Nam quân sự hóa Biển Đông
2023.08.08
RFA
Reuters
Hôm 1/8/2023, ở Manila, thủ đô Philippines, xảy một vụ biểu tình của một nhóm nhỏ người Philippines phản đối Việt Nam “quân sự hóa” một số đảo ở Biển Đông. Theo một số chuyên gia, sự kiện này và một số hoạt động tuyên truyền của hai tờ báo Manila Times và Manila Bulletin ở Philippines trước đó có dấu hiệu của một hoạt động “dư luận chiến” kiểu Trung Quốc.
Theo TS. Nguyễn Hồng Thao, một giáo sư ở Học viện Ngoại giao Việt Nam, trong một nghiên cứu cấp nhà nước về “Một số vấn đề về Tam chủng Chiến pháp của Trung Quốc ở Biển Đông” thực hiện năm 2021, Tam chủng Chiến pháp của Trung Quốc bao gồm “chiến tranh pháp lý”, “chiến tranh tâm lý” và “chiến tranh dư luận”. Ba loại hình chiến tranh này được Đảng Cộng sản và Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức phê chuẩn năm 2003. Trong đó, chiến tranh dư luận (hay “dư luận chiến”) là sử dụng các công cụ truyền thông đa dạng khác nhau để làm suy yếu ý chí và gây chia rẽ đối phương, trong khi đó tăng cường sức mạnh tinh thần và tạo sự đoàn kết về mặt xã hội và chính trị cho Trung Quốc.
Ông Josh Kurlantzick, nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), một viện nghiên cứu tại New York, từng công bố cuốn sách “Chiến dịch Chiếm lĩnh Truyền thông Toàn cầu của Trung Quốc: Chiến dịch giành ảnh hưởng bất đối xứng của Trung Quốc ở Châu Á và trên thế giới”, vào tháng 12 năm 2022. Cuốn sách này nghiên cứu toàn diện về chiến lược tuyên truyền quốc tế của Trung Quốc, trong đó có chiến thuật thao túng các hãng truyền thông nước nước ngoài để phục vụ cho “dư luận chiến”.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM nhận xét rằng, nhìn chung chiến thuật “dư luận chiến” của Trung Quốc thường pha trộn thông tin thật và thông tin giả trong cùng một bản tin. Đó là cách tạo ra tình huống nhập nhằng giữa hư và thực, lấy cái thực để tạo niềm tin, khiến cho công chúng qua đó tin vào cái giả, vì họ bị rơi vào tình huống thật giả lẫn lộn. Ông cho rằng hai sự kiện truyền thông của Manila Times và Manila Bulletin vào cuối tháng 7, 2023, mô tả Việt Nam như là bên gây ra bất ổn trên Biển Đông có thể là một hình thức như vậy.
Bí ẩn văn bản mà Manila Times sử dụng
Cuối tháng 7, 2023, tờ báo Manila Times ở Philippines liên tiếp đăng 2 bài nói Việt Nam “quân sự hóa” Biển Đông. Trong đó bài thứ nhất “Việt Nam tăng cường quân sự hóa ở Biển Tây Philippines” (RFA chú thích: Biển Tây Philippines là Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam), đăng ngày 16/7, chỉ nêu mơ hồ về nguồn tin là “theo các tài liệu của dự án chính phủ bị rò rỉ cho tờ báo Manila Times.”
Sau đó, đến ngày 27/7, tờ báo này đăng tiếp bài thứ hai, nêu rõ tài liệu họ sử dụng là tài liệu “Quy hoạch hệ thống công trình xây dựng trên đảo Phan Vinh và đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa”, (được Manila Times dịch ra tiếng Anh là “Planning of Construction Projects on Pearson Reef and Pigeon Reef in Spratly Islands,") một văn bản được cho là của Quân chủng Hải quân do Tư lệnh Hải quân Trần Thanh Nghiêm ký ngày 27/3/2023.
Một nhà nghiên cứu quốc tế về vấn đề Biển Đông được yêu cầu ẩn danh vì lí do an ninh đã cho RFA tham khảo văn bản này. Nhà nghiên cứu cho biết nó được cung cấp bởi một số nguồn tin Philippines.
RFA đặt câu câu hỏi với một số nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông để kiểm chứng tính xác thực của tư liệu và thông tin mà Manila Times đưa ra.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM và nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, nhận xét với RFA rằng văn bản này có rất nhiều dấu hiệu để đặt dấu hỏi về tính xác thực của nó.
Thứ nhất, một văn bản liên quan đến kế hoạch xây dựng cơ sở quân sự thì chắc chắn là văn bản mật, nhưng văn bản này không có dấu mật. Thứ hai, trong phần “căn cứ” để ra quyết định của các văn bản chính quy của Việt Nam, các văn bản của lãnh đạo nhà nước có tính chất là chính sách tổng quan, là những chỉ đạo chung, sẽ được liệt kê trước, văn bản và ý kiến của các cấp thực thi sẽ được liệt kê tiếp theo. Nhưng văn bản này liệt kê một văn bản của Quân chủng Hải quân trước ý kiến kết luận của Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương, và ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương được liệt kê trước văn bản Quyết định về chính sách chung của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, con dấu ở cuối văn bản bị mờ, có dấu hiệu rõ ràng là được scan lại, trong khi phần chữ của văn bản thì không có dấu hiệu của một văn bản được scan lại. Con dấu do đó chuyển thành màu hồng trong khi con dấu của Việt Nam có màu đỏ tươi.
Ngoài ra, văn bản có những câu sai ngữ pháp tiếng Việt một cách cơ bản, ví dụ như câu sau đây: "Tăng cường kiểm soát đối với tuyến đường biển, gây thêm sức ép về an ninh quốc phòng đối với các nước có tranh chấp tại khu vực." Câu này được Manila Times dịch sang tiếng Anh, trích dẫn để chứng minh tính chất “hung hăng” của Việt Nam: "This is of long-term strategic significance since the control of waterways can be strengthened and military pressure to neighbor countries can be increased," it said in the document.” Tuy nhiên, hai nhà quan sát nêu trên cho rằng câu tiếng Việt là câu cụt (thiếu chủ ngữ), một hiện tượng khó thấy ở một văn bản cấp Bộ Quốc phòng.
Văn bản nói trên cũng đề cập đến kinh phí xây dựng đảo và quy số tiền ra đồng đô la. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng lưu ý rằng ngay cả hợp đồng kinh tế bình thường ở Việt Nam cũng bị cấm sử dụng USD, cho nên sẽ khó hiểu khi một văn bản của Hải quân Việt Nam quy tổng kinh phí từ tiền Việt ra đồng USD tương đương, trong khi người thực thi xây dựng là “Công binh Hải quân” chứ không liên quan đến nước ngoài.
Trích dẫn văn bản nào: râu ông nọ cắm cằm bà kia?
Bài báo thứ hai của Manila Times (ngày 27 tháng 7, 2023), khi trích dẫn văn bản được cho là của Tư lệnh Hải quân Trần Thanh Nghiêm nêu trên, cho biết văn bản này dẫn “căn cứ” là một “Quyết định” của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam: “Quyết định 1492/QĐ-TTg do Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ban hành về Đề án Quy hoạch tổng thể phát huy năng lực quản lý, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030.” Tuy nhiên, RFA nhận thấy trên trang web của Chính phủ Việt Nam, Quyết định mang số 1492/QĐ-TTg là một quyết định về phòng cháy chữa cháy, không liên quan đến Biển Đông, Trường Sa hay vấn đề quân sự nào khác.
Mặt khác, trong văn bản được cho là của Tư lệnh Hải quân Việt Nam mà Manila Times sử dụng, quyết định được cho là ban hành về “Đề án Quy hoạch tổng thể phát huy năng lực quản lý, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030” lại mang số hiệu 1537/ QĐ-Ttg ngày 10/11/2021.
Một lần nữa, RFA không tìm thấy trên website của Chính phủ Việt Nam quyết định nào mang số hiệu số 1537/ QĐ-Ttg được ban hành vào năm 2021. RFA chỉ tìm thấy hai văn bản mang số hiệu như vậy, Quyết định số 1537/ QĐ-Ttg năm 2007 và Quyết định 1537/ QĐ-Ttg năm 2015. Cả hai đều không liên quan đến quân sự và biển đảo.
Nhà nghiên cứu Trần Bằng nhận xét rằng chúng ta chưa thể bác bỏ hoàn toàn, nhưng chỉ cần với các chi tiết sai nêu trên thì có thể đặt nghi vấn đây là những nội dung được dàn dựng cho một mục đích nào đó.
Chiến thuật thực ảo lẫn lộn?
Bài báo hôm 16/7 trên tờ Manila Times viết rằng: "các thực thể ở Biển Tây Philippines được cho là sẽ bị Việt Nam quân sự hóa bao gồm Đá Hizon (Pearson), Đá Pigeon (Tennent) và Đá Maskardo (Barque Canada)." Bài viết cho biết Việt Nam “chiếm đóng các thực thể này” từ lâu 1987 và 1988, và trích dẫn nguồn tin dấu tên nói rằng:
“Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng “công sự bí mật, công sự chỉ huy, công sự hỏa lực, công sự kho vũ khí, hệ thống giao thông hào, giao thông hào và các hạng mục chiến thuật liên quan” tại các vùng lãnh thổ nêu trên.”
Nguồn tin nói thêm với The Manila Times rằng chính phủ Việt Nam sẵn sàng gửi người đến các thực thể địa lý này, nơi họ sẽ thiết lập nơi cư trú.
“Họ nghĩ rằng việc xây dựng các công trình quân sự và dân sự và đưa người dân đến sống ở các đảo [sẽ chứng minh rằng] những đảo đó thuộc về họ,” nguồn tin cho biết.”
Những thông tin nêu trên đã xen kẽ thông tin đúng với thông tin sai. Thông tin Việt Nam chiếm giữ các thực thể trên từ lâu là đúng, nhưng thông tin cho rằng đến bây giờ mới bắt đầu lên kế hoạch “quân sự hóa” chúng trong tương lai là sai. Truyền thông Việt Nam từ lâu đã cho biết các thực thể này đã có quân đội Việt Nam đồn trú. Một bản tin trên báo Thanh Niên ngày 6/6/2020 cho biết Quân đội Việt Nam đã đồn trú trên Đá Phan Vinh từ lâu và có thiết bị quân sự phòng thủ. Đá Phan Vinh còn có một ngôi chùa Việt Nam. Đá Pigeon (Tennent) tức Tiên Nữ, cũng có quân đồn trú dù quy mô nhỏ hơn (xem trên báo Đại Đoàn Kết, năm 22/1/2023.) Maskardo (Barque Canada) là Bãi Thuyền Chài, nơi Việt Nam đã đóng quân từ 1987 (theo Tiền Phong và Hà Nội Mới.)
Về vấn đề Việt Nam từ lâu đã có quân đội đồn trú trên các thực thể địa lý này, ông Vũ Minh Trí, cựu sĩ quan Quân đội Việt Nam, nói với RFA:
"Có tới sáu nước/vùng lãnh thổ tham gia tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong đó Trung Quốc là hung hãn nhất, đã nhiều lần dùng vũ lực, gây đổ máu để chiếm đóng, mở rộng vùng kiểm soát của mình, vì vậy, đối với các bên tham gia tranh chấp, việc “quân sự hoá” là cần thiết và dễ hiểu, chí ít cũng là để duy trì những gì mình đã có ở trên quần đảo này."
Như vậy, không phải như Manila Times đưa tin và nhận xét của nguồn tin ẩn danh của tờ báo này, việc Việt Nam có quân đồn trú ở một số thực thể ở Trường Sa không phải là vấn đề mới và bí mật, có tính chất “hung hăng” (“aggressively”), mà đã công khai từ lâu.
Ông Trần Bằng cho rằng các kế hoạch kinh tế quốc phòng của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thì không phải là bí mật gì vì đã được công khai từ lâu, ví dụ tờ trình dự thảo luật công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp đã có nhắc đến. Vì vậy, chuyện cải tạo các đảo cũng không có gì mới. Một lần nữa, ông Trần Bằng nói ở đây, rõ ràng có sự đan xen giữa những thông tin đã xác thực, đã được công khai, với những thông tin làm ra vẻ như hoàn toàn mới và những thông tin không thực, có nhiều nghi vấn.
Mặc dù đặt ra nhiều nghi vấn về tính xác thực của văn bản được cho là của Tư lệnh Hải quân Việt Nam mà Manila Times sử dụng, cả hai nhà nghiên cứu Hoàng Việt và Trần Bằng đều cẩn trọng cho rằng trừ khi cơ quan hữu quan ở Việt Nam lên tiếng, rất khó để có thể khẳng định đây là văn bản giả, nhưng cũng chưa có cơ sở để nói nó là văn bản thật. Lí do là văn bản có một số điểm đáng nghi vấn để đặt câu hỏi phải chăng nó là giả, nhưng đồng thời, những điểm nghi vấn đó vẫn có xác suất nhất định có thể tồn tại trong thực tế nên không ai có thể kết luận được gì.
Dư luận Philippines tiếp nhận thế nào?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng có thể đặt ra nghi vấn về sự liên quan giữa hai bài báo nói trên của Manila Times (ngày 16 và 27 tháng 7, 2023) với các diễn biến chính trị ở Philippines. Sau khi Manila Times đăng liên tiếp hai bài này, nói Việt Nam “quân sự hóa” các thực thể (mà thực ra Việt Nam đã quân sự từ lâu), thì xảy ra một vụ biểu tình ở Manila chống Việt Nam “quân sự hóa” Biển Đông. Vụ này xảy ra ngày 1/8, đúng ngày Thượng viện Philippines thông qua Nghị quyết lên án Trung Quốc gây bất ổn an ninh trên Biển Đông. Nhiều chuyên gia suy đoán rằng đây có thể là một cách dàn dựng để pha loãng sự chú ý tới nghị quyết của Thượng viện Philippines. Các bài báo và cuộc biểu tình phê phán Việt Nam “quân sự hóa” Biển Đông hướng mũi dùi dư luận Philippines về phía Việt Nam thay vì Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment