Người giàu nhất Việt Nam có thể tăng gấp ba lần tài sản trong một thời gian ngắn khi đặt cược vào xe điện
Bloomberg
Tác giả: Venus Feng, Anders Melin, Manuel Baigorri và Nguyen Kieu Giang
Cù Tuấn, biên dịch
8-8-2023
Tiengdan
Tóm tắt: Tài sản của người đàn ông giàu nhất Việt Nam sắp tăng vọt lên tới 11 tỷ đô la, đưa ông lên hàng đầu của những người giàu nhất thế giới – ít nhất là trong một thời gian ngắn.
Phạm Nhật Vượng đã có đủ giấy tờ để đưa công ty sản xuất xe điện VinFast của ông ra công chúng thông qua niêm yết SPAC với một công ty séc trắng do ông trùm sòng bạc Lawrence Ho thành lập. Thỏa thuận này sẽ mang lại cho VinFast, một công ty ít được biết đến bên ngoài Việt Nam, giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD.
Vào thứ Năm 10/8, các cổ đông của Black Spade Acquisition Co. sẽ bỏ phiếu về việc có hoàn tất thương vụ hay không. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là giao dịch mua lại công ty có mục đích đặc biệt lớn thứ ba trong lịch sử và trên giấy tờ, tài sản của ông Vượng có thể tăng từ khoảng 5 tỷ USD lên tới 16 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index chuyên theo dõi 500 người giàu nhất thế giới.
Nhưng có rất nhiều cạm bẫy ở đây. Sự bùng nổ séc trắng trong thời kỳ đại dịch đã nhạt đi, và nếu các giao dịch gần đây tiếp diễn, giá trị vốn chủ sở hữu của công ty có thể giảm ngay sau khi bắt đầu giao dịch.
Các công ty xe điện có một hồ sơ đặc biệt chắp vá khi liên quan các vụ sáp nhập séc trắng. Kể từ tháng 6 năm 2020, ít nhất năm cổ phiếu đã tăng vọt trong thời gian ngắn sau khi niêm yết thông qua SPAC, trước khi sụp đổ và làm bốc hơi hàng núi tiền của nhà đầu tư. Một trong số các công ty đó, Lordstown Motors Corp., đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 6/2023.
VinFast cũng bị sức ép đè nặng do các vấn đề vận hành, làm cản trở tham vọng giành thị phần trong lĩnh vực xe điện vốn đầy cạnh tranh. Vào tháng 5, công ty này đã thu hồi tất cả các xe thể thao đa dụng chạy điện được vận chuyển đến Mỹ, do trục trặc phần mềm. Công ty cũng cắt giảm một số lực lượng lao động ở Mỹ, khi doanh số bán hàng quá khiêm tốn và lỗ ròng ngày càng lớn.
Chris Robinson, giám đốc cấp cao của Lux Research về quá trình chuyển đổi năng lượng và ô tô, cho biết, hầu hết các đánh giá về sản phẩm VinFast đều “chỉ trích chất lượng của nó rất nhiều. Tổ chức này sẽ rất khó biện minh cho mức định giá 23 tỷ đô la được họ đề xuất”.
Những vấn đề của VinFast là rất tốn kém. Trong 6 năm hoạt động, VinFast đã huy động được 9,3 tỷ USD để trang trải chi phí hoạt động và vốn, số tiền này phần lớn đến từ các hoạt động kinh doanh khác của ông Vượng.
Tuy nhiên, công ty này dự báo doanh số bán hàng sẽ đạt 45.000 đến 50.000 trong năm nay và cho biết, họ có thể sản xuất xe bán tải điện, ô tô mini và các mẫu xe khác nếu thị trường có nhu cầu. VinFast đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina vào tháng trước và ông Vượng dự đoán VinFast sẽ hòa vốn vào cuối năm 2024.
Công ty này cũng lạc quan về việc đánh giá vốn chủ sở hữu cho việc niêm yết SPAC, trong một tuyên bố bằng văn bản gửi cho Bloomberg News rằng họ “kỳ vọng tiềm năng tăng giá” của cổ phiếu sau khi tự định giá.
Liên doanh mì ăn liền
Về phần mình, ông Vượng vẫn cam kết tài chính với VinFast, công ty đã bắt đầu sản xuất xe ô tô với động cơ đốt trong, trước khi tập trung vào xe điện. Doanh nhân sinh ra ở Hà Nội và được đào tạo ở Moscow này, đã cùng với người thân của ông đầu tư ít nhất 300 triệu đô la Mỹ vào liên doanh này và ông đã cam kết thêm 1 tỷ đô la nữa.
Sự khởi đầu vận may của ông Vượng có thể bắt nguồn từ Ukraine, nơi người đàn ông 55 tuổi này chuyển đến vào đầu thập niên 1990, sau khi học kỹ thuật địa kinh tế ở Nga. Ở đó, ông Vượng bắt đầu kinh doanh mì ăn liền. Đó là một cú hích lớn và vào năm 2010, ông đã bán doanh nghiệp trên cho Nestle SA với số tiền không được tiết lộ.
Cùng thời điểm, ông đã bắt đầu đặt nền móng cho một doanh nghiệp trở lại Việt Nam – Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup. Ban đầu tập trung vào bất động sản, hoạt động của tập đoàn này đã mở rộng sang các khu nghỉ dưỡng, trường học, trung tâm mua sắm v.v… Tập đoàn có trụ sở tại Hà Nội này có doanh thu 4,3 tỷ USD vào năm 2022, tương đương khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam.
VinFast là bước đột phá đầu tiên của tập đoàn trên vào lĩnh vực sản xuất xe hơi. Trong những năm qua, công ty đã đưa một lượng lớn người nước ngoài có kinh nghiệm từ các nhà sản xuất ô tô như Ford Motor Co. và General Motors Co. đến Việt Nam. Nhiều người chỉ làm việc trong một thời gian ngắn, thất vọng vì nhịp độ làm việc cao và cách thức ra quyết định phục vụ mọi ý thích của chủ tịch Vượng, bất kể chi phí hay thời gian, theo ba nhân viên cũ của VinFast kể cho Bloomberg News với điều kiện giấu tên vì họ đã ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin.
Đáp lại, VinFast cho biết với tư cách là một công ty khởi nghiệp, công ty đòi hỏi “mức độ linh hoạt nhất định trong công việc và tốc độ thực hiện công việc không phù hợp với tất cả mọi người”.
Quá khó khi lên sàn
Việc định giá do hội đồng quản trị của Black Spade đưa ra bằng cách nhân giá trị vốn chủ sở hữu với doanh thu dự kiến dành cho Lucid Group Inc. Nhà sản xuất xe điện hạng sang này được coi là công ty có thể so sánh sát nhất với VinFast, theo một hồ sơ quy định. Black Spade cho biết, họ đã làm việc với một cố vấn tài chính, JonesTrading Institutional Services LLC, nhưng không thu thập con số định giá hoặc ý kiến công bằng từ một bên thứ ba.
Các chủ ngân hàng đầu tư, những người trước đó đã làm việc với công ty để chuẩn bị cho một đợt IPO truyền thống, cho biết, điều này không phản ánh các điều kiện thị trường hoặc triển vọng lợi nhuận thực sự của công ty, theo những người quen thuộc với vấn đề này, những người yêu cầu giấu tên để thảo luận về các vấn đề riêng tư.
Hồ sơ pháp lý cho thấy, ông Vượng sẽ kiểm soát 99% cổ phần sau khi sáp nhập, một phần thông qua cổ phần do vợ ông là bà Phạm Thu Hương và Vingroup nắm giữ. Tỷ phú sòng bạc Ho và nhánh đầu tư của ông, cùng với một nhóm người khác có liên kết với công ty séc trắng, sẽ nắm giữ một số nhỏ cổ phần còn lại.
Ra mắt công chúng thông qua việc sáp nhập SPAC – một động thái thường được gọi là “deSPAC” – mang lại nhiều lợi thế cho Vượng, cho phép ông có thể bán cổ phần trong tương lai, thưởng cho các giám đốc điều hành bằng vốn chủ sở hữu và giúp VinFast nổi tiếng hơn trước công chúng, đặc biệt là ở Mỹ.
“Điều quan trọng cần lưu ý là mục tiêu chính của chúng tôi thông qua giao dịch được đề xuất với Blank Spade luôn là trở thành một công ty niêm yết đại chúng, chứ không phải chỉ huy động vốn thông qua chính quy trình deSPAC”, VinFast cho biết. “Tuy nhiên, việc lên sàn của chúng tôi ở Mỹ cung cấp cho chúng tôi khả năng tiếp cận các nguồn vốn bổ sung cho bất kỳ nhu cầu tiềm năng nào trong tương lai và chúng tôi sẽ xem xét một đề nghị tiếp theo khi thời điểm thích hợp”.
Phần lớn các cổ đông của công ty séc trắng, ngoài ông chủ Ho, đều không muốn đi cùng với VinFast – khoảng 84% trong số họ vào tháng 7 đã thực hiện quyền bán lại cổ phiếu của họ để lấy tiền mặt, thay vì tiếp tục đầu tư và cuối cùng nhận được cổ phần của công ty sản xuất xe điện này. VinFast cho biết, tỷ lệ của việc bán lại cổ phiếu trên là phù hợp với xu hướng thị trường gần đây.
Jay Ritter, giáo sư tài chính tại Đại học Florida, có cái nhìn ảm đạm về thương vụ sáp nhập của VinFast. Ritter cho biết: “Phần lớn quy trình deSPAC đều tự định giá quá cao. Với tỷ lệ cổ phiếu giao dịch thả nổi tự do cho công chúng là quá nhỏ, giá cổ phiếu có thể sẽ rất biến động trong một thời gian, nhưng nó gần như chắc chắn sẽ giảm giá”.
No comments:
Post a Comment