Monday, August 7, 2023

Chúng khẩu đồng từ (Kỳ 2)
Trần Văn Chánh
8-8-2023
Tiengdan
Tiếp theo kỳ 1

Như chúng ta đều biết, mặc dù luôn nói chính quyền là “của dân, do dân, vì dân”, “dân làm chủ”… nhưng đặc điểm chung của tất cả các quốc gia theo chế độ độc tài toàn trị trên thế giới đều là giữ bí mật/ giấu giếm. Họ không muốn cho dân biết những chuyện xấu xa, thối nát bên trong, mà họ gọi là làm “mất đoàn kết nội bộ”, nên họ không cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội… một cách thực tế như hiến pháp đã ghi (ở nước ta là Điều 25 Hiến pháp 2013). Họ chuyên dùng biện pháp mềm “tuyên giáo”, để che đậy sự thật, biện minh cho những chính sách đi ngược lòng dân, và dùng biện pháp mạnh để trấn áp-bắt bớ-xử “bỏ túi” một số công dân vì tin theo hiến pháp mà dám gióng lên tiếng nói, đòi hỏi thực thi nền dân chủ pháp trị.

Tuy nhiên, thời cuộc và tình hình thực tế hiện nay đã có nhiều đổi khác. Với mạng Internet và điện thoại thông minh giá rẻ cầm tay, mọi công dân bình thường đều có thể thu thập thông tin từ tất cả các nguồn khác nhau, nên dù nhà cầm quyền có cố tình giữ bí mật/ ngăn chặn các tin “xấu” cũng không phải dễ.  Nhất là đối với những vụ quá lớn, đã bung bét tùm lum, như các đại án Việt Á, “Chuyến bay giải cứu”, trình ra bộ mặt của những vị tai to mặt lớn, bôi bác chế độ, muốn che giấu cũng không thể còn che giấu được nữa!

Qua các vụ đại án, hoạt động tuyên truyền của ngành tuyên giáo trên thực tế đã trở nên yếu ớt, kém sức thuyết phục, vì có sự chênh lệch quá lớn, khó chối cãi giữa thực tế phũ phàng là quốc nạn tham nhũng và các kiểu lý luận sặc mùi giáo điều. Trái lại là sự tràn lấn ngày càng gia tăng như vũ bão, không thể chặn hết nổi của các trang mạng xã hội dưới những hình thức truyền thông cực kỳ đa dạng. Đặc biệt lợi hại là, hàng trăm kênh Youtube, hàng triệu trang Facebook cá nhân và một số báo đài nói tiếng Việt có nguồn gốc nước ngoài, gọi chung là các mạng xã hội. Tại đây, người ta thường xuyên đưa tin bình luận về tình hình chính trị-kinh tế-xã hội Việt Nam, về các hoạt động, việc làm của chính quyền.

Không kể một số kênh/ báo đài có tính cách phi chính trị (như ca hát, văn hóa nghệ thuật, phổ biến kiến thức về khoa học, sức khỏe, lịch sử, hôn nhân gia đình, kinh nghiệm sống…) và một số kênh Youtube giật gân, câu khách để kiếm tiền, có thể tạm phân chia các mạng xã hội ra làm 3 loại chính:

(1) Những kênh/ báo đài thông tin chuyên nghiệp (đưa tin chính xác và bình luận tương đối khách quan);

(2) Những kênh đưa tin và bình luận chống Việt Nam của “các thế lực thù địch” (có kênh dùng cách phóng đại sự thật để chỉ trích);

(3) Một số kênh có khuynh hướng phản biện, phê phán chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng có thiện chí đóng góp, khen chê đúng mực, nói có sách mách có chứng, chống tin giả. Những kênh này không chủ trương lật đổ, chỉ vừa phê bình, vừa kêu gọi thúc đẩy cải cách, để xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh, tiến bộ, giúp người dân được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trên cơ sở xây dựng một nền dân chủ pháp trị lành mạnh, vẫn do CS Việt Nam lãnh đạo… Các kệnh loại này thường đăng hoặc phát những bài viết phản biện xã hội đúng đắn, của thành phần trí thức, cả trong lẫn ngoài nước.

Tổng quát, tuy có thể xuất phát từ những quan điểm và mục đích/ ý đồ khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, nhưng tất cả các mạng xã hội/ báo đài nêu trên, đều có điểm chung nhất là họ đứng trên lập trường về phía người dân (nhất là nhân dân lao động) để đưa tin, hoặc bình phẩm việc làm sai trái của chính quyền. Các kênh này đặc biệt tập trung vào quốc nạn tham nhũng, chính sách yếu kém về y tế, giáo dục, chống áp bức, bất công (như về đất đai…), chống tiêu cực xã hội, chống tình trạng vận dụng luật pháp tùy tiện. Ngoài ra, các kênh này cũng đòi hỏi tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do dân chủ, kêu gọi phóng thích những người bất chính kiến, nhắc nhở việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ….

Các kênh này chủ yếu tập trung phê bình các khuyết điểm liên quan việc nội trị, còn về mặt ngoại giao, các mạng xã hội tiếng Việt thường chỉ đưa tin, ít phê phán nặng nề, vì dường như nhà cầm quyền Việt Nam đang chọn được hướng đi ngoại giao tương đối đúng đắn, trên cơ sở biết luồn lách khéo léo giữa các cực cường quốc; đôi khi cũng có kẻ lên tiếng phê bình ẩu tả, cho rằng Việt Nam “hèn với giặc” (Trung Quốc), là thiếu sự suy xét ở tầm nghiên cứu chiều sâu của vấn đề.

Nhìn chung, dù có thể mang nhiều quan điểm và sắc thái khác nhau, nhưng hiếm thấy các mạng xã hội tiếng Việt có chủ trương kích động bạo động, chống Nhà nước Việt Nam dưới mọi hình thức, mà chỉ chuyên đi theo con đường ngôn luận, mong muốn góp phần tác động để sớm có được những chuyển biến lớn tích cực, trong điều kiện hòa bình. Các mạng xã hội thiếu đúng đắn đều không nhận được sự ủng hộ của số đông quần chúng có hiểu biết.

Nương theo một vài kênh/ báo đài tương đối đúng đắn có nguồn gốc nước ngoài nêu trên (lẽ tất nhiên phải từ nước ngoài, chứ trong nước thì vẫn có vài tiếng nói, nhưng luôn bị chặn bằng “luật an ninh mạng”), giới nhân sĩ trí thức Việt Nam (nhà văn, nhà báo, thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, học giả, một bộ phận cán bộ nhà nước tiến bộ đang làm việc, hoặc đã nghỉ hưu…) tâm huyết với tiền đồ dân tộc, đã mạnh dạn phát biểu, đưa ra nhiều ý kiến phản biện thẳng thắn, có tính xây dựng. Không ít người trong số họ đã can đảm nói, viết bằng một giọng văn đanh thép, không chút kiêng dè với kiến thức uyên bác và những lý lẽ đôi khi làm chúng ta phải vừa tâm phục, khẩu phục; vừa hết sức kinh ngạc.

Tựu trung, tất cả họ đều đòi hỏi phải mạnh dạn cải cách thể chế kinh tế-chính trị, xây dựng nền dân chủ pháp quyền, từ góc độ nguyên lý chứ không chỉ sửa sai lặt vặt theo kiểu chắp vá tiểu xảo. Họ coi đây mới là đường lối duy nhất đúng đắn, hiệu quả nhất, để khắc phục quốc nạn tham nhũng, cùng nhiều tệ nạn khác, vì tất cả đều cho rằng, nguồn gốc đích thực, hay thủ phạm của tệ nạn tràn lan không gì khác hơn là chính cái thể chế độc tài toàn trị, không có sự phân chia rạch ròi giữa các nhánh quyền lực, để có sự chế ước và điều chỉnh.

Đến đây, đã thật sự diễn ra hiện tượng “chúng khẩu đồng từ”, tức muôn miệng một lời, từ trong ra ngoài nước, nếu không muốn nói trên cả toàn thế giới!

Cũng đã và đang diễn ra cục diện đấu tranh quyết liệt giữa một bên là nhân dân lao động, một số cán bộ công chức nhà nước có tinh thần cầu tiến và giới trí thức tâm huyết khai minh, với một bên là bộ phận (chứ không phải tất cả) các nhà đương cuộc cao cấp CSVN cực kỳ bảo thủ.

Lẽ tất nhiên, lời thật khó tránh khỏi gây mất lòng, nên những tiếng nói tiến bộ “muôn miệng một lời” như trên cũng đã gặp sự phản kháng, nhất định không chịu thua từ phía chính quyền, bằng cách cho lập ra đội ngũ dư luận viên với một số trang mạng đối lập, để bổ sung cho hàng trăm tờ báo có sẵn trong nước, với lý luận phần nhiều yếu ớt, theo kiểu vừa ca ngợi chính sách của nhà cầm quyền, vừa mạt sát, chụp mũ những phần tử nguyên khí quốc gia, bất đồng chính kiến.

Nhưng nếu nhà cầm quyền thật sự vững mạnh và đủ tự tin, họ sẽ không lo sợ bị sụp đổ trước làn sóng dư luận phê phán mạnh mẽ từ khắp nơi nơi. Trái lại, thay vì mù quáng, mất tự chủ, dùng lề lối mị dân hoặc bạo lực để trấn áp dân chủ, họ sẽ sớm tỉnh ngộ chuyển đổi thái độ, từ thù địch sang thái độ thân thiện, khách quan, biết gạn đục khơi trong, lắng nghe một cách có chọn lọc tất cả mọi tiếng nói khác biệt, kể cả của những nhóm người từng bị họ gán cho danh hiệu “các thế lực thù địch”. Muốn vô hiệu hóa để không còn bị nhức nhối, khó chịu vì những lời dị nghị phản biện (ác cảm hoặc thiện cảm), cách tốt nhất của nhà cầm quyền là mau mau sửa đổi, rút ra từ chính những lời dị nghị, phản biện đó.

Lênin là một người như vậy, ông ta khá độc tài, thế mà cũng thường biết chú ý lắng nghe ý kiến của những người đối lập, chịu khó đọc các sách báo của kẻ thù viết về cuộc cách mạng ở Nga lúc đó đang gặp nhiều khó khan. Ông ta tự nhủ: “Những người này đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ nhắc chúng ta chú ý đến tất cả những sai lầm và hành động ngốc nghếch mà chúng ta mắc phải. Chúng ta phải cám ơn họ”. Ông không ưa kẻ khác tán tụng mình hoặc thêu dệt thêm những thành tích đã đạt được ở Nga, dù chỉ là để tuyên truyền (xem Lênin, Về văn học nghệ thuật, NXB Văn Hóa Nghệ Thuật, Hà Nội, 1963, tr. 114).

Người xưa nói, “cuồng phu chi ngôn khả dĩ trạch yên”, nghĩa là lời nói của kẻ điên khùng còn có chỗ xài được! Điều quan trọng đối với các lãnh đạo Việt Nam hiện đang chịu trọng trách bây giờ, là phải luôn biết đề cao cảnh giác trước những lời xu nịnh, ngon ngọt của bọn tiểu nhân vây quanh, để tránh tai họa cho ngay chính bản thân mình trong tương lai.

Trước tình hình thực tế hiện tại, một khi “chúng khẩu” đã “đồng từ” như miêu tả ở trên, thiết tưởng không còn bất kỳ một lựa chọn tốt đẹp nào khác hơn là mau mau cải cách thể chế, bằng hành động trước tiên là thực hiện đúng thực chất và trên thực tế tất cả những điều khoản đã ghi trong bản Hiến pháp Việt Nam, do chính những người CS lập ra, rồi sau đó sẽ tùy theo tình hình thực tế của từng giai đoạn cụ thể mà từ từ tính tiếp.

(Hết)

No comments:

Post a Comment