VNTB – Trung Quốc vận động hành lang để ngăn cản Tây Tạng phát biểu trước Câu lạc bộ Báo chí Úc.
Matthew Knott
Thục-Quyên lược dịch
05.06.2023 6:14
VNThoibao
Các quan chức của toà đại sứ Trung Quốc đã gặp ông Maurice Reilly, giám đốc điều hành Câu lạc bộ Báo chí, tại Canberra vào tuần trước, để bày tỏ sự không hài lòng của họ về lịch trình xuất hiện của ông Penpa Tsering vào ngày 20 tháng 6 và yêu cầu hủy bỏ lời mời ông này.
Trung Quốc bị cáo buộc cố gắng ngăn cản người đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng, Penpa Tsering, phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia. Nguồn: AP
Trong một bức thư gửi Reilly, toà đại sứ lập luận:
“Trung Quốc bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và quyết liệt phản đối Úc đã bất chấp lập trường và mối quan tâm của Trung Quốc, khi cho phép ông ta sử dụng diễn đàn của Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia để tham gia vào các hoạt động ly khai”. “Trung Quốc kêu gọi Úc nhìn thấu bản chất của bè lũ Đạt Lai Lạt Ma (Dalai clique), tôn trọng lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính của Trung Quốc, đồng thời có hành động cụ thể để loại bỏ các tác động tiêu cực nhằm ngăn chặn nỗ lực phá vỡ sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc-Úc cũng như những hợp tác về truyền thông giữa hai nước.”
Đề cập đến Tây Tạng bằng tên gọi ưa thích của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Khu tự trị Xizang, bức thư nhấn mạnh: “Người dân thuộc tất cả các nhóm dân tộc trong Khu tự trị Xizang hết lòng tán thành các chính sách của chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền khu vực … Đó là một thực tế được thừa nhận một cách không thiên vị bởi mọi người rằng tình hình nhân quyền ở Xizang đang ở mức tốt nhất trong lịch sử.”
Các bài phát biểu trước Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia được phát sóng trên đài ABC và thường có sự tham gia của các thành viên cao cấp thuộc phòng trưng bày báo chí tại Canberra.
Sau khi được các báo The Sydney Morning Herald và The Age tiếp cận để xin bình luận, Theo Reilly, không có kế hoạch hủy bỏ sự xuất hiện của Penpa, và vé vào cửa đã được bán trên trang web của Câu lạc bộ Báo chí.
Reilly cũng cho biết ông đã nói với các quan chức của toà đại sứ Trung Quốc rằng Câu lạc bộ Báo chí là “một tổ chức tôn trọng tự do ngôn luận, tự do truyền thông và tranh luận công khai”. “Cuộc gặp gỡ diễn ra thân mật, nhưng họ bày tỏ quan điểm khá mạnh mẽ rằng việc Penpa Tsering phát biểu tại Câu lạc bộ là xúc phạm đến lợi ích của Trung Quốc vì ông ấy đại diện cho một phong trào ly khai và Câu lạc bộ nên xem xét lại lời mời”
“Tôi đã giải thích với họ rằng hội đồng quản trị của Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia quyết định ai sẽ phát biểu tại diễn đàn của chúng tôi và quyết định này độc lập với mọi chính phủ cũng như các bên liên quan khác”.
“Tôi cũng giải thích thêm rằng các diễn giả có thể đưa ra quan điểm của họ và các thành viên ngành truyền thông của chúng tôi có thể đặt câu hỏi và thách thức những quan điểm đó theo nhu cầu.”
Người tiền nhiệm của Penpa, Lobsang Sangay, đã từng xuất hiện tại Câu lạc bộ Báo chí Úc vào tháng 8/2017. Chức vụ sikyong, hay tổng thống, của chính phủ lưu vong Tây Tạng được thành lập vào năm 2011 khi Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị chính thức của mình và giao trách nhiệm cho một nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ.
Còn được gọi là Chính quyền Trung ương Tây Tạng, chính phủ lưu vong có trụ sở tại Dharamshala, Ấn Độ, và bao gồm các cơ quan tư pháp, lập pháp và hành pháp.
Bắc Kinh quyết liệt chống lại bất kỳ sự tham gia nào của tổ chức này, vốn cũng không được bất kỳ quốc gia nào, kể cả Úc, công nhận là một chính phủ có chủ quyền.
Nhà vận động nhân quyền Tây Tạng Kyinzom Dhongdue, cựu thành viên của quốc hội Tây Tạng lưu vong cho biết: “Đây lại là một trường hợp về sự bắt nạt của chính phủ Trung Quốc và những nỗ lực của họ nhằm phá hoại các thể chế Úc cũng như bịt miệng những người chỉ trích. Không có chỗ cho sự kiểm duyệt và tuyên truyền của Trung Quốc ở Úc, đặc biệt là tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, một tổ chức tranh đấu cho tự do báo chí và tự do ngôn luận.”
Dhongdue lưu ý rằng đại sứ Trung Quốc Xiao Qian khi xuất hiện tại Câu lạc bộ Báo chí vào năm ngoái cũng đã từng nói : “Thật công bằng khi nhà lãnh đạo của người dân Tây Tạng có được cơ hội tương tự”.
Dhongdue kết luận “Người Tây Tạng đã quá quen thuộc với cánh tay dài đàn áp của Trung Quốc tại Úc và trên toàn cầu.”
Một phát ngôn viên của toà Đại sứ Trung Quốc đã từ chối bình luận những phát biểu này.
Tháng 3 vừa qua, Penpa đã kêu cứu trước Quốc hội Hoa Kỳ “ Tây Tạng chắc chắn sẽ chết lần mòn trừ khi chính phủ Trung Quốc bị buộc phải thay đổi các chính sách hiện tại”.
Trước đó, 3 chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cũng đã báo động vào năm ngoái: “Chúng tôi lo ngại trước những dấu hiệu của chính sách ép buộc đồng hóa bản sắc Tây Tạng với nhóm đa số người Hán, thông qua một loạt hành động đàn áp đối với các cơ sở giáo dục, tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng.”
Các báo cáo viên đặc biệt cũng cho biết khoảng 1 triệu trẻ em dân tộc thiểu số Tây Tạng đang phải học chương trình “giáo dục bắt buộc” bằng tiếng Quan thoại mà không được tiếp cận với phương pháp học tập truyền thống hoặc phù hợp với văn hóa Tây Tạng.
5/06/2023
Matthew Knott
No comments:
Post a Comment