VNTB – Khủng hoảng y tế vẫn chưa dừng lạiPhạm Lê Đoan
06.06.2023 1:53
VNThoibao
Chính khách Đào Hồng Lan xuất thân là một cán bộ phụ trách mảng bảo hiểm xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chức vụ cao nhất ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của bà Đào Hồng Lan là thứ trưởng. Tính từ năm 1945 đến nay bà Đào Hồng Lan là người đầu tiên đứng đầu Bộ Y tế mà không xuất thân từ ngành y.
Thế nhưng ngay cả chuyên trách về bảo hiểm xã hội, song khi bà là người đứng đầu Bộ Y tế thì các vấn đề trong bảo hiểm xã hội ở lãnh vực này, bà cũng không làm tròn được phận sự, khiến đưa đến những cảnh báo liên tục về vấn đề thuốc men trong điều trị.
Báo động khẩn về thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 7 ngày từ 22 đến 28-5, toàn thành phố ghi nhận đến 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 21 là 1.670 ca.
Thông tin từ các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, trẻ mắc tay chân miệng điều trị nội trú và ngoại trú tăng trong 2 tuần trở lại đây. Có bệnh viện gia tăng gấp đôi trẻ đến khám, điều trị. Đã có một bệnh nhi 5 tuổi tử vong.
Đặc biệt, qua kết quả từ kỹ thuật PCR đã xác định một số trường hợp mắc tay chân miệng bệnh nặng là mắc vi-rút Enterovirus 71. Đây là vi-rút lây lan rất nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến hơn 100 trẻ em mắc tay chân miệng vào năm 2011 tử vong.
Hiện có 31 ca đang điều trị, tất cả đều là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có 07 ca nặng (01 ca TP.HCM tại quận Tân Phú) và trong đó có 04 trường hợp đã xác định do EV71. Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 31/5/2023, đã có 1 trường hợp mắc tay chân miệng nặng và đã tử vong. Bệnh nhi do bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang chuyển đến trong tình trạng rất nặng với bệnh cảnh phù phổi cấp và sốc nặng (độ 4).
Sở Y tế TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đặt tại bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM) để giải trình tự gene xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của EV71. Tại thời điểm của năm bùng phát EV71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong (năm 2011) chủ yếu là type C4, đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là type B5.
Đã ‘cầu cứu’ Bộ Y tế, và đang chờ…
“Sở Y tế đã thành lập Tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng.
Hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của Thành phố đã sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO,…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HCDC kích hoạt các đội phản ứng nhanh cùng tất cả các Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, nhất là tại các hộ gia đình và các trường học” – trích một báo cáo của Sở Y tế TP.HCM.
Theo báo cáo trên, Sở Y tế TP.HCM cho biết địa phương gặp khó khăn về thuốc điều trị bệnh này ở phân độ nặng, nhất là Phenobarbital truyền tĩnh mạch và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Cả nước đều thiếu như vậy!
Tại bệnh viện Nhi đồng thành phố, thống kê cho hay hiện vẫn còn đủ thuốc để điều trị, nhưng cần thêm để dự trù nếu số ca tay chân miệng tăng nhanh trong thời gian tới. Theo đó, hiện bệnh viện còn khoảng 200 lọ thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Với thuốc Phenobarbital thì đã hết loại truyền tĩnh mạch từ lâu, chỉ còn một ít thuốc dạng uống.
Do không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên bác sĩ dùng thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch thay thế. Theo đó, với mỗi bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ nặng sẽ dùng khoảng 4-8 lọ thuốc Gamma Globulin. Như vậy, số lọ thuốc trên dùng cho khoảng 25 – 50 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng trong thời gian tới.
“Tác dụng điều trị của chúng thì giống nhau, thay thế được nhưng thời gian tác dụng của thuốc Phenobarbital dài hơn Gamma Globulin nên bệnh nhi có thể dùng thuốc Phenobarbital 1 lần/ngày, còn Gamma Globulin thì 2-3 lần/ngày”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), cho biết.
Còn ở bệnh viện Nhi đồng 1, ghi nhận từ bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm – thần kinh, thì từ lâu bệnh viện không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, chỉ còn thuốc Gamma Globulin và thuốc IVIG.
“Hầu như các bệnh viện cả nước đều không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch. Tại khoa chúng tôi, do không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên tạm thời chuyển sang thuốc uống. Đây là phương án thay thế thuốc điều trị, chứ hiệu quả điều trị không bằng thuốc dịch truyền”, bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết như vậy.
No comments:
Post a Comment